1. Hẹp miệng nối thực quản sau phẫu thuật
Thực quản là một ống nối từ yết hầu đến dạ dày có chức năng đưa thức ăn vào dạ dày. Thực quản có chiều dài khoảng 25cm và đường kính là 1.5 cm. Về phương diện giải phẫu học thực quản được chia thành 3 đoạn cổ, ngực và bụng và có ba vị trí hẹp. Về mặt cấu tạo thì thực quản gồm các lớp cơ vân, cơ trơn, lớp dưới niêm mạc và lớp niêm mạc.
Hẹp miệng nối thực quản sau phẫu thuật là một biến chứng thường thấy sau các ca phẫu thuật thực quản. Hẹp thực quản gây khó khăn trong việc nuốt thức ăn, đôi khi thức ăn bị kẹt lại chỗ hẹp gây nghẹt thở, khó thở.
2. Điều trị hẹp miệng nối thực quản sau phẫu thuật
2.1 Nong thực quản
Nong là phương pháp cơ học để điều trị hẹp miệng nối thực quản. Tuy nhiên cách này tuyệt đối không được sử dụng đối với bệnh nhân có tiền sử các bệnh sau:
- Trụy tim mạch, suy hô hấp
- Thủng ruột, viêm phúc mạc
- Chấn thương đốt sống cổ
- Rò khí quản- thực quản, rò thực quản vào trung thất
- Hẹp thực quản do chèn ép từ bên ngoài vào
Nong thực quản bằng ống nhựa: Ống có nhiều cỡ và dây kim loại 1cm đánh dấu cản quang trên màn tăng sáng. Nong thực quản theo nguyên tắc khi có sức cản vừa phải thì chỉ sử dụng dưới ba ống liên tiếp, đường kính nhỏ hơn 1mm trong 1 buổi nong.
Nong thực quản bằng bóng nong bao gồm bóng nong các cỡ và dây dẫn. Phương pháp này thực hiện theo nguyên tắc đường kính bóng không được vượt đường kính chỗ hẹp trên 2mm và nhỏ hơn hoặc bằng ba lần đường kính chỗ hẹp. Một buổi nong không quá ba lần và phải bơm từ 1-2ml dầu silicone trước khi luồn bóng nong.
Nong thực quản là thủ thuật đơn giản, phương pháp này giúp ngăn chặn quá trình hẹp miệng nối thực quản tuy nhiên phải thực hiện nhiều lần nếu muốn mang lại hiệu quả tốt nhất
2.2 Đặt stent thực quản
Đây là phương pháp áp dụng cho trường hợp đã điều trị nong thực quản bằng bóng. Sau khi thực quản được nong, một đoạn stent sẽ được đặt vào đoạn bị hẹp và cố định ở đó. Phương pháp này giúp chống đỡ vào thành thực quản và giữ cho thực quản không bị hẹp và để thức ăn đi qua dễ dàng hơn.
2.3 Mổ thực quản
Nếu hai phương pháp nong thực quản và stent thực quản không đạt được hiệu quả, bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định phẫu thuật thực quản. Đây là phương pháp điều trị mang lại hiệu quả nhanh chóng. Tuy nhiên sau khi phẫu thuật điều trị, hẹp miệng thực quản vẫn có nguy cơ tái phát lại sau một vài năm.