1. Tìm hiểu nhanh về bệnh Xuất tinh ngược dòng gây hiếm muộn - Vô sinh ở nam giới
Xuất tinh ngược là một bất thường trong việc xuất tinh khi đạt cực khoái ở nam. Khi đó, tinh dịch sẽ không được xuất ra bên ngoài mà đi ngược vào trong bàng quang thông qua niệu đạo. Điều này dễ nhận thấy bằng một số biểu hiện như:
- Không thấy tinh dịch sau mỗi lần đạt cực khoái.
- Sau khi xuất tinh, nước tiểu của bệnh nhân có lẫn một số lợn cợn, màu trắng đục.
2. Xuất tinh ngược dòng có nguy hiểm không?
Về lý thuyết, xuất tinh ngược dòng là một bất thường không đau và cũng không gây nguy hiểm cho bệnh nhân. Thực tế, nam giới bị xuất tinh ngược vẫn thấy một lượng nhỏ tinh dịch xuất ra bên ngoài nên rất nhiều người cũng không hề biết mình đang bị bệnh.
Tuy nhiên, xuất tinh ngược dòng lại là nguyên nhân dẫn đến tình trạng hiếm muộn và Vô sinh ở nam giới. Vì vậy, bệnh nhân cần phải được thăm khám và điều trị nếu muốn sinh con.
3. Điều trị bệnh xuất tinh ngược dòng ở nam giới
Do không xuất tinh ra ngoài hoặc xuất quá ít thì khả năng sinh sản ở nam giới sẽ bị hạn chế mạnh mẽ, gây ra hiếm muộn và vô sinh. Theo đó, để điều trị xuất tinh ngược ở nam, các bác sĩ sẽ căn cứ trên nguyên nhân gây bệnh.
3.1. Điều trị xuất tinh ngược dòng bằng thuốc
Thuốc sẽ được sử dụng khi nguyên nhân gây xuất tinh ngược là các tổn thương thần kinh. Thông thường, những tổn thương này đến từ bệnh tiểu đường, bệnh đa xơ cứng, một số loại phẫu thuật/phương pháp điều trị khác.
Tuy nhiên, thuốc sẽ không hỗ trợ gì nếu nguyên nhân gây xuất tinh ngược là phẫu thuật gây ra những thay đổi vật lý trên cơ thể, ví dụ như phẫu thuật cổ bàng quang, cắt bỏ tuyến tiền liệt...Một số loại thuốc dùng để điều trị xuất tinh ngược bao gồm:
- Imipramine (Tofranil).
- Midodrine.
- Clorpheniramine (Clor-Trimeton) và Brompheniramine (Veltane).
- Ephedrine (Akovaz và một số loại khác), Pseudoephedrine (Sudafed), và Phenylephrine (Vazculep).
Hầu hết những loại thuốc này sẽ giúp giữ cho cơ cổ bàng quang đóng lại trong quá trình xuất tinh. Tuy là một phương pháp điều trị hiệu quả chứng xuất tinh ngược dòng, thuốc vẫn có thể gây ra các tác dụng phụ hoặc phản ứng bất lợi với các loại thuốc khác. Bên cạnh đó, một số loại thuốc điều trị cũng làm tăng huyết áp và nhịp tim, vì vậy gây rủi ro cao nếu bệnh nhân đang bị Huyết áp cao hoặc vấn đề tim mạch.
Ngoài ra, bạn cần chú ý kê khai các loại thuốc đang sử dụng, vì một số loại thuốc có khả năng gây xuất tinh ngược như thuốc điều trị trầm cảm, thuốc chẹn alpha (điều trị cao huyết áp và các bệnh về tuyến tiền liệt...).
3.1 Điều trị vô sinh/hiếm muộn do xuất tinh ngược dòng
Việc sử dụng thuốc không phải luôn mang lại hiệu quả điều trị cao. Trong một số trường hợp, để điều trị hiếm muộn ở nam giới do chứng xuất tinh ngược, các bác sĩ buộc phải cố gắng trích xuất tinh trùng. Thủ tục phẫu thuật bao gồm:
- Chọc hút tinh trùng (TESA): Gây tê tại chỗ và dùng kim để lấy tinh trùng khỏi tinh hoàn.
- Chọc hút tinh trùng ngoài màng cứng (PESA): gây tê cục bộ và dùng kim để lấy tinh trùng khỏi mào tinh trùng - ống dẫn nối với tinh hoàn.
- Chiết xuất tinh hoàn (TESE): cũng tương tự như TESA, TESE sẽ lấy tinh trùng trực tiếp khỏi tinh hoàn dưới tác dụng của thuốc gây mê. Điểm khác biệt với TESA là TESE sẽ cần một vết mổ ở tinh hoàn.
Sau khi đã trích xuất thành công tinh dịch từ nam giới, các bác sĩ sẽ hỗ trợ thụ tinh theo 2 cách:
- Thụ tinh trong ống nghiệm: cần phải lấy trứng ra khỏi phụ nữ và sau đó thụ tinh trong đĩa petri. Sau khi thụ tinh thành công và có phôi phát triển, các bác sĩ sẽ cấy phôi vào tử cung của người phụ nữ.
- Thụ tinh trong tử cung: ở thủ thuật này, các bác sĩ sẽ tiêm trực tiếp tinh dịch vào tử cung của người phụ nữ trong thời gian họ rụng trứng.
Thực tế, chứng xuất tinh ngược dòng không quá nguy hiểm nhưng về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, vô sinh ở nam giới.