Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Dính buồng tử cung là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và Điều trị

22/10/2021
Dính buồng tử cung là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và Điều trị

Dính buồng tử cung xuất hiện khi các thành tử cung dính lại với nhau. Hậu quả dẫn tới sảy thai, kinh nguyệt bị chặn gây đau bụng kinh, tình trạng nặng hơn có thể khó mang thai.

1. Dính buồng tử cung là gì?

Dính buồng tử cung là tình trạng thành tử cung phía trước và thành tử cung phía sau dính vào nhau dẫn đến lớp đáy của nội mạc tử cung bị tổn thương sâu, gây cản trở tới việc tái tạo nội mạc tử cung và ảnh hưởng đến khả năng thụ thai cũng như làm tổ của trứng. Dính buồng tử cung cũng là căn bệnh khá phổ biến ở phụ nữ.

Dính buồng tử cung thường có 2 dạng:

  • Tử cung dính hoàn toàn: Tức thành niêm mạc tử cung trước và sau dính hoàn toàn vào nhau và người phụ nữ sẽ vô kinh, Vô sinh thứ phát.
  • Tử cung bị dị dính một phần: Trường hợp này người phụ nữ sẽ chỉ có số ngày Hành kinh ít, lượng máu giảm và không đồng nhất. Tuy nhiên họ vẫn sẽ có khả năng Mang thai gây ra trường hợp dính buồng tử cung khi mang thai.

2. Nguyên nhân dẫn đến dính buồng tử cung

  • Nguyên nhân phổ biến nhất của dính buồng tử cung là do Chấn thương sau một quá trình phẫu thuật thực hiện tại buồng tử cung.
  • Dính buồng tử cung có thể hình thành sau thực hiện nong cổ tử cung và nạo tử cung để điều trị các biến chứng thai kỳ, như chảy máu tử cung sau khi sinh con hoặc sẩy thai hoặc đối với các vấn đề phụ khoa liên quan đến tử cung như chảy máu bất thường.
  • Một số nguyên nhân khác có thể dẫn đến dính buồng tử cung nhưng ít phổ biến hơn như nhiễm trùng niêm mạc tử cung, phẫu thuật cắt bỏ u xơ trong buồng tử cung, mổ lấy thai và cắt bỏ nội mạc tử cung.

3. Triệu chứng của dính buồng tử cung

Phần lớn phụ nữ mắc dính buồng tử cung không có hoặc có rất ít kinh nguyệt. Một số phụ nữ lại có triệu chứng bị đau bụng kinh nguyệt vào thời điểm đã hết kinh. Hiện tượng này có thể chỉ ra rằng người bệnh đang có kinh nguyệt, nhưng máu không thể ra khỏi tử cung do lối ra bị chặn bởi mô sẹo.

Một số phụ nữ mắc dính buồng tử cung không thể thụ thai hoặc Sảy thai liên tiếp. Nếu có Mang thai thì tình trạng dính tử cung sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Ngoài ra, khả năng nhau tiền đạo, nhau cài răng lược, Sảy thai Thai chết lưu của các phụ nữ có dính buồng tử cung cũng sẽ cao hơn ở phụ nữ không có bệnh lý này, do đó những đối tượng này thường được bác sĩ quản lý thai kỳ chặt chẽ hơn.

Dính buồng tử cung là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và Điều trị - ảnh 1
Có ít kinh hoặc không có kinh là tình trạng gặp phải của phụ nữ dính buồng tử cung

4. Chẩn đoán dính buồng tử cung

Nếu nghi ngờ người bệnh có dính buồng tử cung, trước tiên bác sĩ sẽ lấy mẫu máu để loại trừ các bệnh lý khác có thể gây ra các triệu chứng tương tự như dính buồng tử cung. Tiếp theo là thực hiện siêu âm để xem xét độ dày của niêm mạc tử cung và nang trứng.

Nội soi buồng tử cung (Hysteroscopy) là phương pháp tốt nhất được sử dụng để chẩn đoán dính buồng tử cung. Trong kỹ thuật này, bác sĩ sẽ làm giãn cổ tử cung và sau đó chèn vào một ống nội soi để giúp bác sĩ nhìn trực tiếp bên trong tử cung và xem có vết Sẹo nào không.

Bác sĩ cũng có thể thực hiện thêm chụp buồng tử cung vòi trứng có cản quang (HSG) để giúp bác sĩ nhìn thấy tình trạng của tử cung và ống dẫn trứng có bị tắc nghẽn đoạn nào không.

Ngoài ra, nếu có các tình trạng dưới đây, người bệnh cũng nên cho bác sĩ biết nếu:

  • Trước kia người bệnh đã phẫu thuật tử cung và sau đó, xuất hiện hiện tượng kinh nguyệt bất thường hoặc mất
  • Người bệnh có sảy thai liên tiếp
  • Người bệnh gặp khó khăn trong việc thụ thai
Dính buồng tử cung là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và Điều trị - ảnh 2
Nội soi buồng tử cung giúp chẩn đoán chính xác bệnh

5. Điều trị dính buồng tử cung

Phẫu thuật bằng nội soi buồng tử cung là phương pháp điều trị dính buồng tử cung thường được khuyến cáo. Các thiết bị nội soi đặc biệt được sử dụng để cắt các mô Sẹo trong tử cung. Sau khi cắt các mô sẹo, nhiều bác sĩ phẫu thuật khuyên người bệnh nên nong cổ tử cung chống dính và đặt một số dụng cụ chống dính buồng tử cung, như ống plastic (catheter) hoặc bóng để chèn vào bên trong tử cung giúp cho các thành tử cung tách ra và giảm khả năng tái dính.

Điều trị nội tiết tố bằng estrogen (nhằm cải thiện chất lượng niêm mạc tử cung) và đôi khi có thêm thuốc kháng viêm không chứa steroid và/hoặc thuốc kháng sinh (phòng nhiễm trùng) được bác sĩ kê đơn sau khi phẫu thuật để giảm thêm khả năng tái dính buồng tử cung. Sau đó, nội soi buồng tử cung có thể được lặp lại để bác sĩ kiểm tra xem ca phẫu thuật đã thành công và tử cung của người bệnh có còn bị bị dính nữa không. Trong trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể cần phải phẫu thuật nhiều lần để loại bỏ sẹo.

Thủ thuật nội soi buồng tử cung chẩn đoán là một thủ thuật an toàn, tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, người bệnh có thể gặp một vài biến chứng như tử cung hoặc cổ tử cung có thể bị thủng do ống nội soi, gây xuất huyết nặng hoặc ứ dịch trong cơ thể. Vì vậy, việc lựa chọn cơ sở y tế uy tín, chất lượng để thực hiện nội soi buồng tử cung là điều cần thiết.