1. Triệu chứng của Huyết khối tĩnh mạch sâu
Triệu chứng chính: thường chỉ ở 1 chân
- Sưng phù cẳng chân: khi huyết khối lan lên cao - sưng phù cả đùi, bẹn bụng. Chân bệnh lý sưng to hơn đáng kể so với chân bên đối diện.
- Đau và cứng chân.
- Da vùng chân phù có thể có màu hồng hoặc đỏ, ấm hơn so với chân lành.
2. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Yếu tố nguy cơ của Huyết khối tĩnh mạch sâu gồm có: ngồi lâu (ví dụ: đi máy bay trên 4 tiếng, đi xe khách đường dài,...), nằm lâu do sau phẫu thuật lớn, nằm lâu do tai biến mạch não, bệnh nhân phải nằm điều trị tại khoa hồi sức tích cực, phụ nữ có thai, phụ nữ sau sinh trong vòng 6 tháng, bệnh nhân đang sử dụng thuốc Nội tiết Oestrogen hoặc các thuốc tránh thai.
3. Chẩn đoán Huyết khối tĩnh mạch sâu
Khi bệnh nhân vào viện sẽ được nhân viên y tế đánh giá các thang điểm về nguy cơ huyết khối, nguy cơ chảy máu và được bác sĩ chỉ định các Xét nghiệm như D-dimer, siêu âm tĩnh mạch ... để chẩn đoán xác định.
4. Biến chứng huyết khối tĩnh mạch sâu
Bệnh nhân khi có triệu chứng của Huyết khối tĩnh mạch sâu phải đi khám tại bệnh viện ngay vì nếu bỏ sót có thể gặp các biến chứng nguy hiểm. Đáng sợ nhất là cục máu đông từ tĩnh mạch sâu chi dưới vỡ ra trôi theo dòng máu đi về tim phải lên phổi gây tắc động mạch phổi cấp. Đây là biến chứng nặng nhất có thể gây tử vong.
5. Điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu
Bệnh nhân bị Huyết khối tĩnh mạch sâu phải được điều trị tại bệnh viện và được theo dõi sát. Các biện pháp điều trị gồm có:
- Thuốc chống đông: bệnh nhân sau khi có chẩn đoán xác định và đánh giá nguy cơ chảy máu, sẽ được chỉ định dùng thuốc chống đông máu để ngăn huyết khối lan rộng.
- Băng ép chân hoặc đi tất áp lực.
- Nằm gác chân cao.
- Cần làm siêu âm định kỳ để theo dõi tiến triển của huyết khối.
6. Dự phòng huyết khối tĩnh mạch sâu
Nếu bạn có tiền sử bị huyết khối tĩnh mạch sâu, để tránh tái phát, cần thực hiện các biện pháp sau:
- Uống thuốc theo đơn bác sĩ kê để dự phòng và điều trị huyết khối
- Theo dõi định kỳ bởi bác sĩ chuyên khoa
- Tránh ngồi lâu, đặc biệt khi đi máy bay hoặc đi xe ô tô đường dài cần phải vận động đứng lên ngồi xuống ít nhất sau mỗi 2 tiếng ngồi. Khi ngồi cũng cần phải vận động các nhóm cơ ở cẳng chân bằng cách co duỗi bàn chân và co duỗi các ngón chân vài lần mỗi giờ
- Đeo tất áp lực để tăng tuần hoàn tĩnh mạch sâu
- Uống đủ nước, tránh mất nước, tránh café và rượu
- Sau phẫu thuật cần vận động sớm theo chỉ dẫn của bác sĩ, ...