1. Xạ trị có ảnh hưởng đến sinh sản không?
Xạ trị là phương pháp sử dụng các tia bức xạ năng lượng cao để tiêu diệt các tế bào ung thư. Các tia bức xạ có thể ảnh hưởng tới khả năng sinh sản của người phụ nữ.
Nếu bệnh nhân nữ được xạ trị vào vùng bụng hoặc vùng xương chậu, khả năng Mang thai sẽ phụ thuộc vào lượng phóng xạ mà buồng trứng hấp thụ. Năng lượng bức xạ quá cao có thể phá hủy một số hoặc tất cả trứng trong buồng trứng và có thể gây Vô sinh nữ hoặc mãn kinh sớm.
Vậy khi bắt buộc phải dùng tới xạ trị để điều trị ung thư, phụ nữ bị ung thư có mang thai được không? Hầu hết phụ nữ xạ trị vùng chậu sẽ mất khả năng sinh sản, nhưng vẫn có khoảng một nửa bệnh nhân xạ trị có thể giữ được một số trứng nếu buồng trứng được giữ xa khỏi vùng xạ trị mục tiêu trong suốt quá trình xạ trị.
Tuy nhiên cần lưu ý rằng ngay cả khi bức xạ không nhắm vào vùng buồng trứng, các tia phóng xạ có thể dội lại bên trong cơ thể và vẫn có khả năng ảnh hưởng tới buồng trứng.
2. Tia bức xạ ảnh hưởng thế nào đến khả năng sinh sản của phụ nữ?
Nhiều trường hợp tia bức xạ có thể đến Não và ảnh hưởng đến tuyến yên. Tuyến yên có vai trò quan trọng trong quá trình sinh sản ở nữ giới. Tuyến yên sẽ tiết ra LH, FSH, nhờ đó kích thích buồng trứng tiết hormone sinh dục nữ; ngoài ra FSH còn có vai trò kích thích noãn bào phát triển và gây rụng trứng. Do đó, tác động đến tuyến yên của xạ trị có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của bệnh nhân tùy thuộc vào liều lượng của bức xạ.