Khi bệnh viện trả về, bệnh nhân ung thư liệu còn hy vọng?

Hiện nay, gần 80% bệnh nhân ung thư gan, ung thư phổi và rất nhiều các loại ung thư thường gặp khác không thể chữa khỏi được. Sau một thời gian điều trị tích cực, ở trong nước cũng như đi nước ngoài, người bệnh cũng dần bước vào giai đoạn cuối đời với những triệu chứng bệnh bắt đầu trở nên trầm trọng, sức khỏe suy giảm rõ rệt, ảnh hưởng đến đi lại cũng như sinh hoạt cá nhân. Khoảng thời gian khó khăn nhất đối với cả gia đình và bệnh nhân cũng bắt đầu từ đây.
Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Ở giai đoạn này, việc điều trị đặc hiệu nhằm chữa khỏi bệnh hoặc kéo dài thời gian sống không còn được các bác sĩ đề cập đến. Thông thường, bệnh nhân được sắp xếp để về cơ sở y tế gần nhà điều trị, hay nói như cách của bệnh nhân là “bệnh viện trả về”, với những nỗi lo toan và đau khổ đó vẫn còn bị “bỏ lửng”.

1. Liệu có còn hy vọng nào?

Bệnh nhân ung thư vẫn còn có thể hy vọng về một giai đoạn cuối đời bớt đau khổ và ra đi trong yên bình. Chăm sóc giảm nhẹ là câu trả lời cho mong ước đó.

Mục tiêu của chăm sóc giảm nhẹ là giúp chăm sóc và hỗ trợ cho tất cả bệnh nhân và cả người nhà bệnh nhân đang chịu đau khổ vì bệnh tật ở bất kỳ giai đoạn nào. Đặc biệt, ở giai đoạn cuối đời, Chăm sóc giảm nhẹ sẽ giúp giảm đau hiệu quả, phòng ngừa buồn nôn – giảm nôn, giảm khó thở, chăm sóc dinh dưỡng, cải thiện chất lượng cuộc sống và hỗ trợ Tâm lý cho bệnh nhân cũng như giúp san sẻ những khó khăn cho người nhà.

Với sự giúp sức đó, bệnh nhân có thể vẫn yếu sức dần nhưng bớt đi đau đớn, có thể còn buồn phiền nhưng nở được nụ cười, có thể còn lo sợ nhưng tinh thần an ổn hơn, và trên hết, luôn có nhân viên y tế theo dõi và hỗ trợ cho họ cho tới những giờ phút cuối cùng.

2. Người thân nên làm gì?

Bên cạnh sự hỗ trợ của đơn vị chăm sóc giảm nhẹ, thì người thân của bệnh nhân ung thư có thể giúp người bệnh giảm nhẹ đau đớn bằng cách:

Giảm cảm giác đau đớn : Theo dõi thời gian tác dụng của mỗi liều thuốc giảm đau. Để ý các tác dụng phụ của thuốc như ngủ li bì, Táo bón hoặc đi tiểu ít. Ghi lại những thời điểm hay hoạt động làm cơn đau tăng lên như đi vệ sinh, thay quần áo, thay băng vết thương hay vào đêm khuya. Những thông tin này rất hữu ích cho bác sĩ điều chỉnh liều thuốc hay bổ sung thêm thuốc khác để giúp cơn đau được kiếm soát ổn định hơn.

Dinh dưỡng: Vào giai đoạn cuối, nhu cầu Dinh dưỡng đổi khác so với khi còn hóa trị, xạ trị. Lúc này, việc ép ăn không còn có lợi mà đôi khi tạo thêm gánh nặng. Tùy vào cảm giác đói, cảm giác ngon miệng mà linh hoạt trong việc ăn uống sẽ giúp người bệnh và người thân cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Ngoài ra, các bác sĩ cũng sẽ giúp thêm các lời khuyên cho từng trường hợp riêng biệt.

Tâm lý – tinh thần: hòa giải những mối bất hòa trong gia đình, sắp xếp những công việc còn vướng bận, và gửi gắm những việc chưa thể chia sẻ với ai sẽ giúp cho Tâm lý người bệnh được thoải mái và trải qua những ngày sống còn lại trong tình thương và những điều ý nghĩa. Đôi khi, có thể cần thêm hỗ trợ của các chuyên gia tâm lý, người thân hay thuốc điều trị để hóa giải đi cảm giác lo âu, sợ hãi và buồn phiền.

Hy vọng rằng những thông tin trên đây sẽ giúp cho người thân của những bệnh nhân ung thư có cách chăm sóc phù hợp nhất. Qua đó, những bệnh nhân ung thư sẽ lạc quan hơn khi bệnh viện trả về và có thêm hy vọng sống trong quãng đời còn lại.

Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Đã kiểm duyệt nội dung