1. Nguyên nhân Liệt dây thanh quản
Có rất nhiều nguyên nhân gây Liệt dây thanh quản trong đó có tổn thương dây thanh sau phẫu thuật. Các nguyên nhân khác như:
- Chấn thương cổ và ngực
- Đột quỵ
- U ác tính hoặc lành tính gây chèn ép cơ, sụn và Thần kinh chi phối thanh quản gây liệt
- Nhiễm trùng
- Bệnh lý Thần kinh như: Parkinson gây yếu dây thanh
Liệt dây thanh quản có hai nhóm nguyên nhân là do thần kinh và liệt cơ. Liệt do thần kinh chiếm đa số các trường hợp vì dây thần kinh điều khiển vận động thanh quản dài, chạy từ nền sọ đến trung thất và từ trung thất lên cổ. Trên đường đi, dây thần kinh thanh quản liên quan chặt chẽ với nhiều cấu trúc lân cận của vùng ngực và cổ, chính vì thế tổn thương của các cấu trúc này sẽ ảnh hưởng tới thần kinh thanh quản.
Khi thần kinh vận động thanh quản bị liệt đồng nghĩa với việc một nửa thanh quản bị mất vận động. Dây thần kinh bên trái hay bị liệt hơn bên phải (gọi là liệt dây thanh quản trái) do dây bên trái liên quan nhiều với các bộ phận trong lồng ngực hơn như tâm nhĩ trái và quai động mạch chủ.
2. Triệu chứng của liệt dây thanh quản
Các triệu chứng của liệt dây thanh quản bảo gồm:
- Bệnh nhân mất tiếng đột ngột, sau vài hôm bệnh nhân lại nói được nhưng tiếng nói bị thay đổi: Không to, mất âm sắc hoặc giọng đôi. Dần dần tiếng nói sẽ hồi phục trở lại gần như bình thường nhờ dây thần kinh thanh quản bên đối diện làm việc bù.
- Khám thanh quản thấy hai dây thanh khép không kín, dây thanh và sụn phễu một bên giảm hoặc mất di động, dây thanh bên không vận động mất trương lực và phất phơ theo hơi thở.
- Liệt thần kinh vận động thanh quản có thể xuất hiện cả hai bên dây thanh, trường hợp này rất hiếm và bắt đầu bằng khó thở đột ngột do liệt cơ mở thanh quản, không cho không khí vào phổi, sau đó cơ khép cũng bị liệt, hai dây thanh trở về tư thế trung gian.
- Lúc này bệnh nhân hết khó thở nhưng lại không nói được. Bệnh nhân uống nước dễ bị sặc, Ho không ra tiếng. Soi thanh quản thấy hai dây thanh bị khép ở tư thế trung gian, nửa khép nửa mở mặc dù bệnh nhân đang thở hay phát âm.
Bệnh nhân mắc phải bệnh liệt dây thanh quản bị mất phản xạ bảo vệ phổi nên nước và thức ăn sẽ rơi vào đường Hô hấp dưới gây viêm phổi, áp – xe phổi.
3. Khi nào bạn nên đến gặp bác sĩ?
Nếu bị khàn giọng không rõ lí do trên 2 tuần hoặc nếu nhận thấy những thay đổi về giọng nói mà không có nguyên nhân rõ ràng. Bạn hãy nhanh chóng đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị.
4. Nguy cơ mắc phải liệt dây thanh quản
Một số yếu tố có thể làm bạn tăng nguy cơ mắc liệt dây thanh quản như:
- Từng làm phẫu thuật ở cổ họng hoặc ngực. Những người từng bị phẫu thuật tuyến giáp, tuyến cận giáp hoặc ngực trên sẽ có nguy cơ cao bị tổn thương dây thần kinh thanh quản. Trong một số phẫu thuật cho các vấn đề hô hấp nghiêm trọng, việc đặt các ống để giúp bạn thở có thể gây tổn thương dây thanh quản.
- Có các tình trạng sức khỏe thần kinh. Những người mắc một số bệnh thần kinh sẽ có nguy cơ phát triển liệt hoặc yếu dây thanh quản.
5. Phương pháp Điều trị liệt dây thanh quản
Việc điều trị liệt dây thanh quản có thể được thực hiện bằng nhiều phương pháp như:
5.1 Điều trị bằng xoa bóp - bấm huyệt và châm cứu
- Các thủ thuật tác động chủ yếu vào vùng dưới cằm và cổ gáy bên liệt. Đây là phương pháp hữu hiệu giúp chữa liệt dây thanh quản trái, phải.
- Xoa bóp - bấm huyệt: Làm thư giãn cơ co thắt, thúc đẩy lưu thông máu, tăng cường sự trao đổi chất, giảm mệt mỏi, tăng tiết chất nhờn, bôi trơn các dây thanh âm, và tiếp thêm độ đàn hồi và tính di động của các cơ bắp và dây chằng.
- Xoa bóp giúp bệnh nhân thư giãn, làm giãn cơ thanh quản, cải thiện chất lượng âm thanh, giúp loại bỏ Tình trạng viêm do tích tụ của các chất thải trong cơ bắp, và tạo điều kiện sửa chữa tổn thương trong các cơ thanh quản.
5.2 Điều trị phẫu thuật
Nếu tìm được nguyên nhân gây liệt dây thanh quản là do khối u vùng cổ hoặc trung thất... cần phải phẫu thuật lấy bỏ u và theo dõi sự phục hồi của dây thanh.
- Cố định dây thanh: Một kim tiêm được chọc qua sụn giáp ở phía trước đường chếch, kim tiêm thứ hai được chọc ở vị trí dưới kim thứ nhất vài mm. Một sợi dây đơn được xuyên qua một kim và tạo thành một vòng quanh dây thanh. Nó được kéo ra ngoài dây thanh và được thắt lại ở mặt ngoài của sụn giáp.
- Cắt dây thanh bằng laser: Dùng laser cắt dây thanh ở mức độ cơ và dây chằng tới gần đáy của buồng thanh quản. Nó vẫn tôn trọng được mép trước và mấu thanh của sụn phễu.
- Cắt sụn phễu bằng đường nội thanh quản: Có thể tiến hành cắt sụn phễu qua đường mở sụn giáp, Nội soi hoặc laser
- Cắt bán phần sau dây thanh qua soi treo vi phẫu.
6. Liệt dây thanh quản có nguy hiểm không?
Một số biến chứng nguy hiểm nếu bạn không điều trị liệt dây thanh quản như:
- Nếu các triệu chứng liệt dây thanh quản cực kỳ nghiêm trọng, bạn có thể mắc các vấn đề về hô hấp đe dọa đến tính mạng.
- Tình trạng liệt cũng khiến thức ăn hoặc nước uống di chuyển sang đường thở, khiến bạn bị nghẹt thở. Vấn đề này có thể dẫn đến viêm phổi nghiêm trọng.
7. Kiểm soát liệt dây thanh quản
Liệt dây thanh quản có thể khiến bạn khó chịu và bực bội vì ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp. Để quá trình điều trị thành công, bạn nên tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ và thực hiện ngữ âm trị liệu để biết cách tránh làm thanh quản tổn thương thêm.
Liệt dây thanh quản hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu phát hiện và điều trị kịp thời. Điều trị theo nguyên nhân gây bệnh giúp nhanh phục hồi. Những trường hợp này phải được sự theo dõi chặt chẽ của các bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng.
Tổng hợp theo: Vinmec.com