1. Trào ngược dạ dày thực quản
- Bệnh Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) xảy ra khi acid dạ dày thường xuyên chảy ngược vào ống nối miệng và dạ dày. Dung dịch trào ngược này có thể gây kích ứng niêm mạc thực quản.
- Bệnh trào ngược dạ dày là do trào ngược acid thường xuyên. Có thể thấy rằng, khi nuốt dải cơ tròn quanh đáy thực quản (cơ thắt thực quản dưới) nới lỏng để thức ăn và chất lỏng chảy vào dạ dày và sau đó đóng lại. Nếu cơ thắt co giãn bất thường hoặc yếu đi, acid dạ dày có thể chảy ngược vào thực quản. Dung dịch chảy ngược liên tục sẽ làm cho niêm mạc bị viêm.
- Các dấu hiệu phổ biến của bệnh thường bao gồm: cảm giác nóng rát ở ngực, tức ngực, khó nuốt, cảm giác có khối u nhỏ trong cổ họng. Nếu bị trào ngược vào ban đêm có thể gây Ho mãn tính, viêm thanh quản, hen suyễn...
- Trào ngược dạ dày thực quản có thể làm thu hẹp thực quản, thậm chí có thể tăng nguy cơ ung thư thực quản.
2. Hen suyễn
- Bệnh Hen suyễn là bệnh lý viêm đường dẫn khí đến phổi. Nó gây ra khó thở và có thể làm cho một số hoạt động thể chất trở nên khó khăn hoặc thậm chí là không thể thực hiện được.
- Bệnh không có nguyên nhân rõ ràng nhưng các nhà nghiên cứu tin rằng tình trạng Hô hấp bị ảnh hưởng bởi các yếu tố: Di truyền (nếu cha mẹ bị Hen suyễn thì con của họ cũng có khả năng mắc bệnh), tiền sử nhiễm virus (những người có tiền sử nhiễm virus trong thời thơ ấu rất dễ mắc bệnh), tiếp xúc với Dị ứng sớm (các chất Dị ứng có thể kích thích làm tăng nguy cơ mắc bệnh).... Ngoài ra, một số điều kiện và môi trường cũng có thể là yếu tố nguy cơ gây bệnh, chẳng hạn như: bệnh cúm, viêm phổi, tập thể dục làm tăng chuyển động cũng có thể gây khó thở, chất kích thích trong không khí...
- Bệnh hen suyễn thường có các triệu chứng như ho, đặc biệt là Ho ban đêm hay khi cười hoặc tập thể dục, khò khè, tức ngực, khó thở, mệt mỏi. Các triệu chứng này xảy ra khi niêm mạc đường thở sưng lên và các cơ xung quanh bị thắt chặt. Lúc này chất nhầy sẽ lấp đầy đường thở làm giảm lượng không khí có thể đi qua.
3. Mối liên quan giữa Trào ngược dạ dày thực quản và hen suyễn
Những người mắc bệnh hen suyễn có khả năng cao gấp đôi so với những người không mắc bệnh hen suyễn khi phát triển bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Trên thực tế các nghiên cứu đã chỉ ra rằng có hơn 75% người trưởng thành mắc bệnh hen suyễn đồng thời cũng mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Do đó, mối liên quan giữa hen suyễn và trào ngược dạ dày thực quản khá rõ ràng. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn đưa ra một vài lý thuyết về lý do tại sao chúng có sự trùng khớp.
3.1. Trào ngược dạ dày có thể kích hoạt bệnh hen suyễn
- Đầu tiên, khả năng này có thể do sự lặp lại nhiều lần của dòng chảy acid dạ dày vào thực quản làm tổn thương niêm mạc họng và đường dẫn khí đến phổi. Điều này dẫn đến khó thở cũng như ho dai dẳng. Việc tiếp xúc thường xuyên với acid có thể khiến phổi nhạy cảm hơn với các chất kích thích, chẳng hạn như: phấn hoa, bụi và đây có thể là nguy cơ trào ngược dạ dày gây hen suyễn.
- Một khả năng khác có thể do trào ngược acid kích hoạt phản xạ Thần kinh bảo vệ. Phản xạ này làm cho đường thở bị thắt lại để ngăn acid dạ dày xâm nhập vào phổi. Sự thu hẹp đường thở có thể dẫn đến các triệu chứng hen suyễn.
3.2. Hen suyễn có thể kích hoạt trào ngược dạ dày thực quản
Giống như trào ngược dạ dày thực quản có thể làm cho các triệu chứng hen suyễn trở nên tồi tệ hơn, thì hen suyễn cũng tương tự. Nó cũng là nguyên nhân gây ra bệnh trào ngược dạ dày thực quản trở nên trầm trọng. Hen suyễn sẽ làm thay đổi áp suất xảy ra bên trong ngực và bụng, khi đó sẽ làm cho bệnh trào ngược dạ dày thực quản trở nên nặng hơn. Khi phổi sưng lên, áp lực lên dạ dày tăng lên có thể khiến các cơ ngăn chặn chứng trào ngược acid trở nên rời rạc. Điều này sẽ cho phép acid dạ dày chảy ngược vào thực quản.
3.3. Bệnh hen suyễn có thể liên kết với bệnh trào ngược dạ dày thực quản
Trong bệnh trào ngược dạ dày thực quản thường có dấu hiệu ợ nóng. Tuy nhiên, khi mắc đồng thời cả hen suyễn và trào ngược dạ thực quản thường các triệu chứng là hen suyễn nhiều hơn chẳng hạn như ho khan, khó nuốt. Hai bệnh này sẽ liên kết với nhau nếu:
- Triệu chứng hen suyễn bắt đầu ở tuổi trưởng thành
- Các triệu chứng hen suyễn trở nên tồi tệ hơn sau một bữa ăn lớn hoặc luyện tập thể dục
- Triệu chứng hen suyễn xảy ra trong khi uống đồ uống có cồn
- Triệu chứng hen suyễn xảy ra vào ban đêm hoặc trong khi nằm
- Thuốc hen suyễn kém hiệu quả
4. Một số biện pháp giúp cải thiện hen suyễn và trào ngược dạ dày thực quản
Tình trạng hen suyễn được cải thiện đồng thời cũng sẽ kiểm soát được bệnh trào ngược dạ dày thực quản và ngược lại. Một số biện pháp có thể áp dụng:
- Những người mắc bệnh nên tránh xa các thực phẩm giàu chất béo. Đây là yếu tố gây phản ứng với cả hen suyễn và trào ngược dạ dày thực quản.
- Không sử dụng chất kích thích, đồ uống có cồn và thuốc lá
- Hạn chế tiếp xúc với các tác nhân có thể ảnh hưởng đến bệnh hen suyễn như: bụi, phấn hoa, lông vật nuôi, ...
- Lựa chọn thực phẩm kiểm soát trào ngược dạ dày như bánh mì, yến mạch...
Bệnh hen suyễn và bệnh trào ngược dạ dày thực quản có mối tương quan lẫn nhau và để lại nhiều biến chứng nguy hiểm cũng như ảnh hưởng đến chất lượng đời sống của người bệnh. Để tìm chính xác nguyên nhân cũng như nhận định rõ mối tương quan của 2 căn bệnh này thì bệnh nhân nên đến các cơ sở y tế để thăm khám khi thấy các dấu hiệu của bệnh để có phương hướng điều trị bệnh tốt nhất.
Nguồn tham khảo: healthline.com, mayoclinic.org.