Mục lục:

Nhiễm trùng trong bệnh thalassemia thể nặng

Những bệnh nhân mắc bệnh Thalassemia thể nặng có nguy cơ mắc nhiễm trùng cao hơn vì nhiều yếu tố như thiếu máu, quá tải sắt, thải sắt, cắt lách, truyền máu nhiều lần. Vì thế những bệnh nhân này cần được theo dõi và điều trị kịp thời tránh nguy cơ biến chứng.
Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

1. Một số yếu tố khiến bệnh nhân thalassemia thể nặng tăng nguy cơ nhiễm trùng

1.1. Thiếu máu

Bệnh nhân do chưa truyền máu bao giờ hay truyền máu không đầy đủ nên cơ thể sẽ dễ bị nhiễm trùng như viêm phổi hoặc ảnh hưởng lên tim.

1.2 Quá tải sắt

Quá tải sắt do truyền máu hoặc tăng hấp thu sắt làm Sắt trong cơ thể tăng cao. Có một số vi khuẩn phát triển trong môi trường giàu sắt. Vi khuẩn Yersinia là một loại như vậy, ở cơ thể bình thường vi khuẩn này vô hại, tuy nhiên ở bệnh nhân Thalassemia thể nặng thì vi khuẩn này phát triển gây viêm ruột nặng. Trong bệnh nhân Thalassemia thể nặng quá tải Sắt liên quan tiên lượng xấu hơn trong viêm gan virus B, C mãn tính và đáp ứng kém hơn với điều trị viêm gan mạn do virus.

Nhiễm trùng trong bệnh thalassemia thể nặng - ảnh 1
Quá trình truyền máu gây quá tải sắt khiến bệnh nhân thalassemia thể nặng tăng nguy cơ nhiễm trùng

1.3. Cắt lách

Lách có liên quan tới việc bảo vệ cơ thể chống lại nhiễm trùng. Cắt lách gây cho bệnh nhân bị nhiễm khuẩn nặng như viêm phổi do phế cầu, haemophilus influenza, viêm màng Não Neisseria. Chính vì vậy, trước khi cắt lách bắt buộc phải tiêm vắc-xin phòng phế cầu, Haemophilus ìnfluenza.

1.4. Truyền máu và các nhiễm trùng phối hợp

Cho dù máu có thể cứu sống nhiều bệnh nhân nhưng máu cũng là nguồn lây nhiễm khuẩn chính truyền cho bệnh nhân qua đường truyền máu. Nhiều vi khuẩn có thể sống thời gian dài trong máu, vì thế một số bệnh nhân bị nhiễm khuẩn nếu truyền máu đó.

Nhiễm trùng trong bệnh thalassemia thể nặng - ảnh 2
Truyền máu là con đường gây nhiễm trùng của bệnh nhân thalassemia

2. Nhiễm viêm gan B, C đặc biệt quan trọng ở bệnh nhân thalassemia thể nặng

Viêm gan B (HBV) ngoài lây nhiễm qua đường truyền máu, còn lây qua tiếp xúc từ mẹ sang con, qua đường tình dục. Theo đó, để phòng lây nhiễm qua đường truyền máu cần có các biện pháp thích hợp sau:

  • Tiêm chủng vắc-xin Viêm gan B và chương trình tiệt trùng
  • Phòng lây truyền dọc từ mẹ nhiễm bệnh sang trẻ sơ sinh. Diễn biến của viêm gan B: Khoảng 5-10% Viêm gan B sẽ nhiễm lâu dài. Những bệnh nhân này sẽ mang bệnh mãn với nguy cơ cao dẫn tới bệnh gan tiến triển.
  • Điều trị viêm gan B có nhiều tiến bộ trong những năm gần đây. Những thuốc được dung như Interferon, Lamivudin cải thiện đáng kể viêm gan B mãn.

Viêm gan C (HCV) dẫn đến nhiễm mãn tính, kéo dài trong cuộc đời tới 80% số bệnh nhân. Viêm gan C chủ yếu lây truyền qua đường truyền máu. Tiêm vắc-xin không có hiệu quả chống lại viêm gan C, vì thế chỉ có một cách hiệu quả để phòng lây nhiễm viêm gan C và giảm tỷ lệ nhiễm là xét nghiệm cẩn thận người cho máu. Tuy nhiên, viêm gan C có giai đoạn ủ bệnh dài đôi khi không phát hiện được bằng các Xét nghiệm làm tại các ngân hàng máu (còn gọi giai đoạn cửa sổ). Trong giai đoạn này nếu máu được truyền thì bệnh nhân sẽ bị nhiễm viêm gan C.

Nhiễm trùng trong bệnh thalassemia thể nặng - ảnh 3
Tiêm chủng Vắc-xin viêm gan B ngăn ngừa nguy cơ nhiễm trùng ở bệnh nhân thalassemia thể nặng

Ngoài ra, còn có các loại virus khác như: Human parvovirus B - 19 là loại virus lây truyền qua đường máu. Bệnh nhân thalassemia thể nặng mắc virus này có thể gây suy tủy thoáng qua làm giảm heamoglobin đột ngột và mất hồng cầu lưới ở máu ngoại vi.

Cytomegalovirus (CMV): Đây là loại virus gây nhiễm trùng nặng ở những bệnh nhân ghép tủy xương. Nếu không chẩn đoán và điều trị nhanh, virus này tồn tại dai dẳng trong các tế bào bị nhiễm (chủ yếu là bạch cầu). Vì vậy, bệnh nhân thalassemia thể nặng đã ghép tủy hoặc sẽ ghép tủy được khuyến cáo nên nhận máu qua màng lọc BC để loại bỏ BC và các tác nhân gây bệnh kết hợp bao gồm cả CMV. Tình trạng lây nhiễm vi khuẩn và ký sinh trùng (sốt rét) khi truyền máu cao hơn so với nhiễm virus nhiều lần.

Tóm lại, bệnh nhân thalassemia thể nặng có nhiều nguy cơ gây nhiễm trùng nặng đặc biệt là truyền máu. Do vậy phải thực hiện an toàn truyền máu, đặc biệt ở các nước đang phát triển để hạn chế mức thấp nhất lây nhiễm vi khuẩn, virus, ký sinh trùng.

 

Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Đã kiểm duyệt nội dung