Những điều cần biết trước khi ghép gan cho bệnh nhân ung thư gan

Ghép gan là phương pháp duy nhất có thể áp dụng để điều trị cho bệnh nhân ung thư gan giai đoạn cuối. Tuy nhiên, để có thể tiến hành ghép gan, bệnh nhân ung thư gan cần phải đáp ứng các tiêu chí nhất định.
Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Ghép gan là gì?

Ghép gan là một thủ thuật giúp thay thế một phần hoặc toàn bộ gan của bệnh nhân bị các vấn đề về gan bằng gan của một người khỏe mạnh khác.

Phần gan được ghép có thể lấy từ người cho còn sống hoặc từ gan của người hiến nội tạng đã tử vong.

1. Để tiến hành ghép gan, người bệnh cần yêu cầu gì?

1.1 Các thăm khám, Xét nghiệm bắt buộc

Nếu người bệnh thể trạng yếu, bác sĩ có thể yêu cầu nhập viện để theo dõi. Người bệnh sẽ được thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết, xem xét các yếu tố:

  • Tình trạng sức khoẻ và các loại thuốc đang uống
  • Thói quen sinh hoạt (ví dụ: uống rượu, dùng chất kích thích hoặc hút thuốc)
  • Các thành viên trong gia đình và hệ thống hỗ trợ

1.2 Các điều kiện để tiến hành ghép gan

Không phải bất kỳ người bệnh nào đến trung tâm ghép gan cũng đều có thể tiến hành ghép. Người bệnh sẽ được đánh giá một số điều kiện nhất định:

  • Có bệnh gan nặng mà chữa bằng những phương pháp khác không hiệu quả
  • Không mắc các bệnh tim hoặc phổi nghiêm trọng, ví dụ như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính
  • Trong vòng 5 năm vừa qua và hiện tại cũng không bị ung thư
  • Không uống rượu hoặc sử dụng chất kích thích
  • Sẵn sàng với việc uống thuốc suốt đời sau khi phẫu thuật
  • Nếu người bệnh đáp ứng được đủ các điều kiện trên thì sẽ được đưa vào danh sách chờ gan.

1.3. Bệnh nhân được hiến gan từ ai?

Phần lớn người ghép gan đang được hiến gan từ người thân, bạn bè.

Ví dụ: bố mẹ có thể cho một phần gan của mình để ghép cho con. Sau khi phẫu thuật, người cho và người nhận gan đều phải được theo dõi sức khỏe vài ngày trước khi về nhà. Bác sĩ sẽ làm xét nghiệm định kỳ để chắc chắn rằng gan mới hoạt động tốt. Người được ghép gan sẽ phải uống thuốc chống thải ghép suốt đời, giúp hệ miễn dịch chấp nhận lá gan mới. Thông thường, hệ thống miễn dịch giúp con người khỏe mạnh bằng việc tấn công các vật thể xâm nhập từ ngoài vào, tránh xảy ra việc đào thải lá gan mới.

2. Những vấn đề thường có sau khi ghép gan

Phần lớn người ghép gan phục hồi sau phẫu thuật, có thể đi làm và sinh hoạt bình thường. Nhưng cũng có một số khác có những vấn đề ngay sau phẫu thuật hoặc sau một vài năm:

  • Đào thải lá gan mới: Một số bệnh nhân mặc dù đã uống thuốc chống đào thải, cơ thể vẫn không tiếp nhận lá gan mới.
  • Bệnh gan tái phát: Có một số bệnh gan có thể tái phát sau cấy ghép.
  • Tác dụng phụ của thuốc chống đào thải: Thuốc có tác dụng phụ trong thời gian ngắn. Ví dụ, thuốc làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng. Thuốc cũng có những tác dụng phụ lâu dài. Ví dụ, thuốc có thể làm tăng nguy cơ mắc phải của một số loại ung thư.

3. Tiến hành phẫu thuật

Khi đã tìm được gan tương thích, bệnh nhân cần đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Tại đây, họ sẽ được yêu cầu thực hiện thêm một số xét nghiệm để kiểm tra lại khả năng phẫu thuật. Trong quá trình ghép gan, bác sĩ sẽ thực hiện các thủ thuật như sau:

  • Gây mê toàn thân: Quá trình gây mê phải được kiểm tra trước, vì đôi lúc bệnh nhân có thể bị Dị ứng với một số thuốc gây mê, từ đó gây ra các vấn đề nghiêm trọng liên quan đến sức khỏe như đau họng, chóng mặt, rét run. Trong một số trường hợp nặng hơn, bệnh nhân có thể tỉnh dậy trong lúc đang phẫu thuật hoặc có thể tử vong vì thuốc gây mê.
  • Rạch vết mổ: Các bác sĩ sẽ tiến hành rạch một đường ngang bụng và một đường hướng lên phía ngực.
  • Loại bỏ các khối u ở gan và thay thế nó bằng phần gan mới từ người cho.
  • Liên kết phần gan mới này với các mạch máu và ống mật của bạn.
  • Khâu vết mổ: Sau khi đã liên kết phần gan mới và cũ lại với nhau, các bác sĩ sẽ tiến hành khâu miệng vết thương ở bụng lại. Phương pháp phẫu thuật ghép gan thường kéo dài khoảng 8 giờ, trong một số trường hợp phức tạp thì quá trình phẫu thuật có thể mất nhiều thời gian hơn.

4. Hậu phẫu

Nếu quá trình chuẩn bị và phẫu thuật đã khó khăn cả về mặt thể chất lẫn tinh thần thì quá trình hồi phục sau phẫu thuật lại còn khó khăn và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm hơn. Thường quá trình hồi phục sau phẫu thuật mới là giai đoạn dễ xảy ra các biến chứng gây nguy hiểm cho sức khỏe của bệnh nhân, thậm chí còn có thể dẫn đến tử vong.

Lúc này, người bệnh sẽ được chăm sóc trong phòng đặc biệt ICU và được gắn một số các thiết bị hỗ trợ. Bệnh nhân có thể được chuyển sang phòng thường sau khoảng vài ngày và có thể xuất viện sau 2 tuần.

Sau khi ghép gan, các bệnh nhân sẽ phải uống thuốc chống thải ghép suốt đời nhằm chống quá trình thải trừ phần gan được ghép.

5. Sau khi ghép gan người bệnh cần làm gì?

  • Sau điều trị bệnh nhân sẽ được tái khám, làm Xét nghiệm máu Chẩn đoán hình ảnh thường xuyên để chắc chắn là không mắc ung thư trở lại.
  • Người bệnh nên chủ động theo dõi các triệu chứng Ung thư gan kể trên.
  • Nếu xuất hiện bất kể triệu chứng nào thì đấy có thể dấu hiệu của ung thư tái phát.
  • Nếu như ung thư tái phát hoặc di căn thì bác sĩ sẽ tiếp tục tư vấn các phương án điều trị.

Lưu ý:

Người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn của bác sĩ về việc tái khám và chẩn đoán. Với những bệnh nhân ung thư gan, đặc biệt những người đã mắc bệnh gan mãn tính, phải hạn chế rượu và chất kích thích vì các chất này rất có hại cho gan.

Nếu ung thư tái phát hoặc di căn, bác sĩ sẽ tiếp tục tư vấn các phương án điều trị phù hợp. Luôn luôn trao đổi với bác sĩ và điều dưỡng trong quá trình chữa trị. Bất cứ khi nào được đề nghị điều trị, người bệnh nên hỏi:

  • Lợi ích của phương pháp điều trị là gì?
  • Có giúp tôi sống lâu hơn không?
  • Có làm hạn chế hoặc ngăn ngừa triệu chứng của bệnh không?
  • Điều trị này có hại gì hay không?
  • Có phác đồ điều trị nào khác ngoài cách điều trị này không?
  • Nếu không điều trị thì có sao không?
Những điều cần biết trước khi ghép gan cho bệnh nhân ung thư gan - ảnh 1
Bệnh nhân luôn luôn cần trao đổi với bác sĩ và điều dưỡng trong quá trình chữa trị. Bất cứ khi nào được đề nghị điều trị

6. Những biến chứng có thể gặp sau khi ghép gan

6.1. Đối với người cho gan còn sống

Nhiều người thường cảm thấy quan ngại không biết liệu việc cho đi một phần lá gan có gây nguy hiểm hay không. Theo các thống kê, kết quả ghép gan giữa 2 người trưởng thành trên toàn thế giới là rất tốt và khả quan. Tuy nhiên, cũng như bất kỳ thủ thuật y khoa nào, việc cho gan cũng ẩn chứa nhiều rủi ro nhất định. Một số các rủi ro tiềm tàng có thể ảnh hưởng đến người cho gan, bao gồm:

  • Xuất hiện cục máu đông ở chân hoặc phổi
  • Nhiễm trùng
  • Tăng giữ nước gây phù
  • Biến chứng ống mật, có thể gây rò rỉ mật
  • Thoát vị.

Ngoài ra, người cho gan cũng có thể gặp thêm một số vấn đề sau đây:

  • Tốn kém chi phí
  • Ảnh hưởng lớn đến công việc của bạn.

Người cho gan sẽ phải nghỉ ngơi ít nhất từ 8 đến 16 tháng để hồi phục hoàn toàn. Đôi khi, việc cho gan cũng ảnh hưởng lâu dài đến công việc của bạn vì làm giảm đáng kể sức khỏe. Vào năm 2002, người ta ghi nhận một số trường hợp tử vong ở người cho gan. Mặc dù tỷ lệ tử vong ở người cho gan thường rất thấp nhưng bác sĩ cũng cần đánh giá và xem xét kỹ lưỡng tình trạng sức khỏe của những người này trước khi quyết định xem họ có phù hợp để cho gan hay không.

6.2. Đối với bệnh nhân ung thư được tiến hành phẫu thuật ghép gan

Giống như bất kỳ thủ thuật y khoa nào, phương pháp ghép gan cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây biến chứng nghiêm trọng, không chỉ trong lúc phẫu thuật mà còn trong quá trình hậu phẫu. Một số biến chứng có thể gặp ở bệnh nhân Ung thư gan là:

Gan được ghép không hoạt động đúng chức năng

Trong một số trường hợp, phần gan mới được ghép không hoạt động tốt hoặc thể hiện không đầy đủ các chức năng. Tình huống này đòi hỏi bác sĩ phải theo dõi hoặc thực hiện thêm các phẫu thuật khác ngay để đảm bảo gan hoạt động được ổn định và đáp ứng được các chức năng cần thiết.

Thải trừ

Đây là một thuật ngữ được dùng để chỉ các rối loạn chức năng trong một số cơ quan nội tạng gây ra bởi hệ miễn dịch của người nhận phản ứng với các cơ quan được cấy ghép. Ở năm đầu tiên sau khi cấy ghép, việc từ chối tế bào cấp tính xảy ra khoảng 25 – 50% trong tổng số các ca ghép gan.

Nhiễm trùng

Người nhận gan có nguy cơ bị nhiễm trùng sâu trong ổ bụng. Thêm vào đó, thuốc chống thải ghép ức chế hệ miễn dịch, vì vậy các bệnh nhân ghép gan có nguy cơ bị nhiễm trùng rất cao. Tuy nhiên nguy cơ nhiễm trùng giảm dần theo thời gian. Không phải tất cả các bệnh nhân đều bị nhiễm trùng nhưng đa số các trường hợp nhiễm trùng đều được điều trị thành công.

Ức chế miễn dịch

Cơ thể con người đã phát triển một loạt các hệ thống “phòng thủ” để chống lại vi khuẩn, virus và các khối u. Hệ thống miễn dịch có thể xác định và tấn công bất cứ thứ gì khác biệt. Các cơ quan cấy ghép được hệ miễn dịch xem là “quân xâm lược” và sẽ tấn công mạnh vào chúng. Chính vì vậy, các bệnh nhân sau cấy ghép gan phải uống một số loại thuốc để làm giảm phản ứng của hệ miễn dịch và giúp bảo vệ các cơ quan cấy ghép khỏi nguy cơ bị loại trừ.

Tác dụng phụ của thuốc chống thải ghép

Sau khi ghép gan, bệnh nhân phải uống thuốc chống thải ghép đến suốt đời để đảm bảo cơ thể không thải trừ phần gan được ghép. Các thuốc chống thải ghép có thể gây ra những tác dụng phụ như:

  • Loãng xương
  • Đái tháo đường
  • Đau đầu
  • Tiêu chảy
  • Huyết áp cao
  • Cholesterol cao…

Huyết khối động mạch gan hoặc đông máu động mạch gan (mạch máu đưa oxy từ tim đến gan)

Trường hợp này gặp ở 2 – 5% ca ghép gan từ người hiến đã tử vong. Nguy cơ có thể tăng gấp đôi ở những ca ghép gan từ người cho còn sống. Các tế bào gan bình thường không bị ảnh hưởng nhiều nếu động mạch gan bị tắc vì nguồn cung cấp máu chính cho các tế bào này là tĩnh mạch cửa. Ngược lại, các ống mật lại thường được cung cấp máu từ động mạch gan, vì vậy huyết khối động mạch gan có thể dẫn đến Sẹo và nhiễm trùng ống mật.

Huyết khối tĩnh mạch cửa hoặc đông máu tĩnh mạch cửa

Tĩnh mạch cửa là tĩnh mạch lớn đưa máu từ các cơ quan (ruột, tuyến tụy và lách) đến gan. Biến chứng này cũng có thể gặp ở các ca phẫu thuật ghép gan.

Biến chứng đường mật

Nhìn chung, có 2 vấn đề về đường mật có thể gặp phải trong quá trình phẫu thuật ghép gan là rò rỉ mật hoặc hẹp đường ống dẫn mật. Các biến chứng đường mật ảnh hưởng đến khoảng 15% các ca cấy ghép từ người hiến đã tử vong và khoảng 40% các ca cấy ghép từ người cho còn sống.

Chảy máu

Chảy máu là rủi ro thường gặp ở bất kỳ một phẫu thuật nào. Tình trạng này càng dễ gặp ở phẫu thuật ghép gan vì vết mổ thường rất lớn và quá trình đông máu cần các Yếu tố đông máu từ gan tiết ra. Hầu hết các bệnh nhân ghép gan chỉ chảy máu một lượng nhỏ và có thể được bổ sung sau phẫu thuật. Tuy nhiên, ở một số người, máu khó đông và có thể chảy nhiều, gây ra mất máu nghiêm trọng. Nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Hy vọng với những chia sẻ trên đây bạn sẽ có cho mình những kiến thức cần thiết về phương pháp ghép gan điều trị ung thư gan. Tùy từng trường hợp bệnh, diễn biến và nhu cầu điều trị - chăm sóc cá nhân, người bệnh có thể đặt câu hỏi để được hỗ trợ TẠI ĐÂY.

Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Đã kiểm duyệt nội dung