1. Nội soi tiêu hóa là gì?
Nội soi tiêu hóa là phương pháp thăm khám trực tiếp hệ tiêu hóa. Để thực hiện kỹ thuật này, các bác sĩ đưa một ống soi mềm, đầu có gắn camera để soi vào đường tiêu hóa của bệnh nhân. Ống Nội soi sẽ được đưa và từ đường mũi/họng (nội soi tiêu hóa trên) hoặc qua đường hậu môn (nội soi tiêu hóa dưới). Từ đó, các bác sĩ sẽ quan sát được bề mặt ống tiêu hóa như: Thực quản, dạ dày, tá tràng, đại trực tràng...
Phương pháp này giúp các bác sĩ có thể chẩn đoán được hầu hết các tổn thương và bệnh lý trên ống tiêu hóa như: Viêm, loét, tổn thương mạch máu, nặng hơn là bệnh lý ung thư...Nếu thấy dấu hiệu bất thường, bệnh nhân có thể được tiến hành sinh thiết để xác định xem có tế bào ung thư hay không. Ngoài ra, có thể thực hiện các thủ thuật can thiệp như: lấy dị vật, cắt Polyp, cầm máu ổ loét, tiêm xơ, nong hẹp, thắt tĩnh mạch thực quản...thuận lợi và an toàn hơn. Đây cũng là một phương pháp chẩn đoán ung thư tiêu hóa sớm và hiệu quả.
2. Những phương pháp nội soi tiêu hóa phổ biến hiện nay
Hiện nay, kỹ thuật nội soi tiêu hóa bao gồm 2 phương pháp cơ bản sau:
- Nội soi tiêu hóa thường: Bệnh nhân thường sẽ không được gây mê hoặc chỉ gây mê tại chỗ nên có thể sẽ cảm thấy đau, buồn nôn và khó chịu.
- Nội soi tiêu hóa không đau: Bệnh nhân được nội soi khi đã ngủ an thần. Với phương pháp này, bệnh nhân không bị khó chịu sau khi nội soi.
3. Nội soi tiêu hóa không đau có ưu điểm gì?
Để thực hiện nội soi không đau, bác sĩ sẽ đưa ống nội soi vào theo đường mũi họng hoặc đường hậu môn khi bệnh nhân đã ngủ an thần.
Quá trình gây mê thường diễn ra trong thời gian ngắn nên người bệnh có thể tỉnh táo ngay sau khi kết thúc nội soi. Người bệnh thoải mái, thậm chí không có một chút khó chịu nào trong suốt quá trình thăm khám.
Mặt khác, nội soi không đau giúp người bệnh không bị đau đớn khi thực hiện thủ thuật. Bệnh nhân dễ chịu hơn và nội soi có thể kết thúc sớm hơn. Phương pháp này đặc biệt thích hợp và an toàn với những bệnh nhân dễ bị buồn nôn, nôn, kích thích cổ họng (đối với nội soi qua đường miệng), giãy giụa không chịu đựng được nội soi thông thường.
4. Một số lưu ý khi nội soi tiêu hóa
Người bệnh cần tuân thủ một số lưu ý để đảm bảo hiệu quả nhất:
4.1 Trước khi nội soi
- Người bệnh cần phải nhịn ăn trước nội soi tối thiểu 6 giờ để tránh sặc thức ăn và bảo đảm cho việc quan sát, đánh giá tổn thương trong quá trình nội soi.
- Tránh ăn những loại thức ăn có nhiều chất xơ, có thể ăn cháo, soup.
- Không uống nước có màu, sữa, thuốc cản quang... trước khi nội soi.
- Khi đi nội soi nên có người thân đi theo
- Thông báo với bác sĩ các loại thuốc sử dụng gần đây hoặc tiền sử Dị ứng thuốc.
4.2 Sau khi nội soi
- Sau khi nội soi bệnh nhân không tự lái xe về
- Hạn chế ăn các thức ăn cay nóng, không nên khạc nhổ, ngậm và súc miệng với nước muối loãng.
- Nên ăn thức ăn mềm, có thể uống sữa nguội