1. Vết thương mạch đốt sống
Vết thương mạch máu là một loại tổn thương thường gặp trên lâm sàng với nguyên nhân cũng như phân loại vết thương mạch máu rất đa dạng. Trong đó, những vết thương mạch đốt sống là loại vết thương mạch máu rất hiếm gặp và thuộc nhóm những tổn thương mạch máu nguy hiểm khi tiến hành phẫu thuật. Nguyên nhân gây nên vết thương mạch máu nói chung và vết thương mạch đốt sống nói riêng có thể kể đến là do một số vật gây tổn thương như vật sắc nhọn bao gồm dao, kéo, mảnh vỡ thủy tinh, đạn, kim khí có khả năng xuyên thủng, do Chấn thương dẫn đến tình trạng gãy xương đâm vào gây tổn thương mạch máu, do tai nạn lao động, tai nạn giao thông...
Về mặt giải phẫu bệnh, vết thương mạch máu có thể bao gồm một số thể bệnh như sau:
- Vết thương làm mất đoạn hoặc gãy đôi mạch máu: Lúc này 2 đầu của động mạch sẽ co lại, hình thành cục máu đông làm tắc nghẽn lòng mạch.
- Vết thương mạch máu bên: Là khi mép của vết thương mạch máu bị toác rộng khiến khả năng cầm máu giảm rất nhiều.
- Vết thương mạch máu khiến lớp nội mạc bị bong
- Vết thương làm xuyên động mạch và tĩnh mạch
- Vết thương là co thắt mạch máu.
Một số kỹ thuật, Xét nghiệm có thể giúp cho việc chẩn đoán những vết thương mạch máu, đặc biệt là vết thương mạch đốt sống đó là:
- Xét nghiệm máu, xét nghiệm sinh hóa máu
- Siêu âm Doppler hoặc siêu âm Doppler liên tục để khảo sát mức độ của vết thương mà không cần can thiệp xâm lấn
- Chụp động mạch được dùng trong những trường hợp vết thương có chảy máu, có thể chụp động mạch bằng phương pháp chọc trực tiếp hoặc dùng ống thông để luồn. Chụp động mạch cho phép thăm dò được mạch máu có bị đứt toàn bộ hay không, có hình thành huyết khối trong lòng mạch hay không, mạch máu có bị co thắt hay không hay thậm chí là động mạch và tĩnh mạch có thông với nhau do vết thương mạch máu gây ra hay không...
2. Phẫu thuật điều trị vết thương mạch đốt sống
Đối với những vết thương mạch đốt sống khó cầm máu được như vết thương tại động mạch đốt sống gai ngang ở những đốt sống cổ thì cần phải thực hiện phẫu thuật điều trị vết thương mạch đốt sống cho bệnh nhân để ngăn chặn những biến chứng nguy hiểm do bệnh gây ra trong đó có thiếu máu lên não.
Một số chỉ định cụ thể hơn cho loại phẫu thuật này đó là:
- Vết thương mạch đốt sống có hiện tượng chảy máu đang xảy ra.
- Vết thương mạch đốt sống có hình thành khối máu đông ở vùng cổ gây ra triệu chứng chèn ép các cơ quan xung quanh như chèn ép thực quản, khí quản và thần kinh.
- Vết thương mạch đốt sống chảy máu quá nhiều hoặc làm cho bệnh nhân có các triệu chứng như liệt hay có những hình ảnh tổn thương khi siêu âm và chụp cắt lớp vi tính.
Trường hợp bệnh nhân bị hôn mê sâu vì thiếu máu lên Não thì không được phẫu thuật điều trị vết thương mạch đốt sống.
Trước khi phẫu thuật thì cần chuẩn bị một số bước như sau:
- Cho bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm cần thiết như xét nghiệm máu, xét nghiệm nhóm máu, xét nghiệm chức năng đông máu, xét nghiệm 10 thông số nước tiểu, xét nghiệm Thăm dò chức năng của gan và thận, điện giải đồ, chụp X quang ngực thẳng...
- Thông báo với bệnh nhân và gia đình bệnh nhân về kỹ thuật chuẩn bị áp dụng lên bệnh nhân và những khả năng có thể xảy ra sau phẫu thuật.
Phẫu thuật điều trị vết thương mạch đốt sống được thực hiện theo quy trình bao gồm những bước như sau:
- Gây mê nội khí quản trên bệnh nhân
- Theo dõi chỉ số huyết áp và đo điện tim cho bệnh nhân trong suốt quá trình phẫu thuật.
- Đặt ống thông tiểu cho bệnh nhân.
- Đặt bệnh nhân ở tư thế nằm ngửa, kê gối ngay dưới vai, cho bệnh nhân gối và nghiêng đầu về đối diện với vết thương mạch đốt sống.
- Thực hiện rạch da dọc theo đường bờ trước cơ ức đòn chũm chính là đường đi của động mạch cảnh, hoặc có thể rạch da theo miệng vết thương nếu có.
- Bộc lộ phần trên và dưới của động mạch đốt sống bị tổn thương nhằm cầm máu, bước này thường được thực hiện khi vết thương ở vị trí động mạch đốt sống nằm ngoài gai ngang của cột sống cổ. Đối với trường hợp tổn thương động mạch đốt sống nằm trong gai ngang thì cần dùng cơ giãn và những vật liệu giúp cầm máu như Surgicel và Spongel để cầm máu vết thương.
- Sử dụng thuốc chống đông Heparin toàn thân với liều lượng 50- 100UI/kg.
- Dùng kẹp để kẹp mạch máu phía trên và dưới của vết thương, đồng thời lúc này đặt tư thế bệnh nhân đầu thấp và điều chỉnh huyết áp tăng lên 130- 140 mmHg.
- Tiến hành lưu thông mạch máu bị tổn thương bằng cách nối mạch máu một cách trực tiếp, ghép hoặc khâu vá đoạn mạch tổn thương bằng cách dùng tĩnh mạch hiển đảo chiều hoặc tĩnh mạch đùi nông, có thể dùng động mạch đùi chậu trong đối với một số trường hợp. Hoặc có thể dùng đoạn mạch nhân tạo để phục hồi mạch máu đã bị đứt và tổn thương.
- Nếu cần thì có thể tiến hành đặt dẫn lưu
- Đóng vết mổ theo trình tự đầy đủ các lớp giải phẫu.
Sau khi kết thúc phẫu thuật, bệnh nhân cần được theo dõi một số biến chứng có thể xảy ra sau khi phẫu thuật điều trị vết thương mạch đốt sống như sau:
- Theo dõi sinh hiệu của bệnh nhân sau phẫu thuật, bao gồm nhịp tim, mạch, nhiệt độ và huyết áp
- Điều trị kháng sinh dự phòng nhiễm khuẩn.
- Trong một số trường hợp có thể truyền máu hoặc những dung dịch có khả năng thay thế máu.
- Theo dõi những triệu chứng về tri giác và Thần kinh khu trú trên bệnh nhân.
- Dùng thuốc chống đông Heparin sau 6- 8 giờ hậu phẫu.
- Điều chỉnh vấn đề đông cầm máu hoặc mổ lại nếu bệnh nhân xuất hiện triệu chứng chảy máu, có huyết khối kích thước lớn và huyết động bệnh nhân trong tình trạng rối loạn.
- Sau phẫu thuật, nếu bệnh nhân bị tắc mạch máu thì có thể phẫu thuật phục hồi lại mạch máu và điều chỉnh liều lượng thuốc chống đông.
- Một số bệnh nhân có thể gặp phải những biến chứng nặng nề sau phẫu thuật như phù não, Tăng áp lực nội sọ thì cần được bác sĩ chuyên khoa ngoại Thần kinh thăm khám và đưa ra phương pháp điều trị hợp lý.
- Nếu bệnh nhân bị nhiễm trùng có thể cắt chỉ ngắt quãng, phẫu thuật lại hoặc thay mạch tráng bạc.
Phẫu thuật điều trị mạch đốt sống là phương pháp hiệu quả trong việc điều trị vết thương mạch đốt sống khó cầm máu. Đây là bệnh lý vô cùng nguy hiểm, có thể gây ảnh hưởng đến việc cấp máu đến Não bộ nên khi có những dấu hiệu của vết thương mạch đốt sống thì cần đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế để phẫu thuật kịp thời.