1. Tìm hiểu về ung thư cổ tử cung?
Tử cung chia thành 3 phần: Đáy, thân và cổ, trong đó cổ tử cung nằm ở phần thấp nhất của tử cung. Ung thư cổ tử cung xảy ra khi các tế bào bình thường trong cổ tử cung thay đổi thành các tế bào bất thường, sau đó phát triển và nhân lên mà không kiểm soát. Các tế bào mới này phát triển quá nhanh chóng và tạo ra khối u trong cổ tử cung.
Hầu hết phụ nữ bị ung thư cổ tử cung được phát hiện và điều trị sớm có kết quả tốt. Tại Việt Nam thường phát hiện ung thư cổ tử cung ở giai đoạn muộn. Có thể phát hiện sớm ung thư cổ tử cung nếu làm Xét nghiệm Pap thường xuyên.
Điều trị ung thư cổ tử cung rất phức tạp, tùy thuộc vào vị trí, giai đoạn bệnh, kết quả giải phẫu bệnh, mong muốn sinh thêm con của bệnh nhân mà có các phương pháp điều trị hợp lý nhất để bảo vệ sức khỏe cũng như sức khỏe sinh sản của người bệnh.
Hiện nay có 3 phương pháp điều trị ung thư cổ tử cung gồm: Phẫu thuật, tia xạ trị liệu (dùng tia X liều cao hoặc tia có năng lượng cao khác để tiêu diệt Tế bào ung thư), hóa trị liệu (sử dụng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư). Thông thường, phẫu thuật được thực hiện với hóa trị hoặc Xạ trị để hỗ trợ và nâng cao hiệu quả điều trị.
2. Phương pháp phẫu thuật ung thư cổ tử cung
Phẫu thuật trong điều trị ung thư cổ tử cung là phương pháp điều trị ung thư cổ tử cung triệt để và hiệu quả, có thể loại bỏ khối u ra khỏi cơ thể và giảm thiểu khả năng tái phát.
Phẫu thuật có thể áp dụng cho phần lớn các trường hợp ung thư cổ tử cung. Nếu được phát hiện ung thư cổ tử cung giai đoạn 1 và điều trị hiệu quả, bệnh nhân hoàn toàn có khả năng thoát khỏi căn bệnh ung thư quái ác này.
- Phẫu thuật Wertheim là gì?
Phẫu thuật Wertheim là phẫu thuật cắt toàn bộ tử cung, 1/3 trên âm đạo, tổ chức thành bên vùng đáy chậu và các hạch bạch huyết thành bên hố chậu (việc cắt hay để lại hai buồng trứng tùy thuộc vào tuổi người bệnh) để điều trị ung thư cổ tử cung.
Chỉ định: Ung thư cổ tử cung giai đoạn Ia hoặc Ib
Chống chỉ định: Ung thư cổ tử cung từ giai đoạn II trở lên (cần xạ trị và hóa chất trước khi phẫu thuật)
Các bước tiến hành:
- Thì 1:Mở bụng: Mở bụng đường trắng giữa dưới rốn, có thể kéo lên trên rốn nếu cần, thăm dò toàn bộ ổ bụng
- Thì 2: Vét hạch chậu
- Cắt dây chằng tròn càng xa tử cung càng tốt, sát về phía thành chậu
- Cắt dây chằng tử cung - buồng trứng, nếu có chỉ định cắt buồng trứng thì cắt
- dây chằng thắt lưng –buồng trứng
- Mở phúc mạc song song với hướng đi của động mạch chậu ngoài
- Bộc lộ niệu quản
- Vét hạch chậu dọc theo động mạch chậu ngoài, tĩnh mạch chậu ngoài, động mạch chậu trong, tĩnh mạch chậu trong cho tới hố bịt đến dây Thần kinh bịt
- Thì 3: Cắt tử cung
- Mở lá phúc mạc ở túi cùng trước, đẩy bàng quang xuống thấp
- Phẫu tích niệu quản đến chỗ cắm vào bàng quang
- Cắt động mạch tử cung từ chỗ phân nhánh ở động mạch chậu trong
- Cắt 2 dây chằng tử cung - cùng, đẩy trực tràng xuống
- Cắt tử cung hoàn toàn khỏi âm đạo kèm theo cắt âm đạo sâu xuống 1 -2 cm
- Khâu mỏm âm đạo
- Kiểm tra cầm máu, kiểm tra niệu quản, bàng quang
- Đóng bụng theo các lớp giải phẫu
Các biến chứng có thể gặp sau phẫu thuật điều trị ung thư cổ tử cung như: Chảy máu trong và sau mổ. Phát hiện sớm chảy máu để mổ lại cầm máu, viêm phúc mạc, tổn thương đường tiêu hóa, tổn thương đường tiết niệu, tổn thương mạch máu...
Khám sàng lọc ung thư Phụ khoa của chị em phụ nữ có thể phát hiện sớm ung thư phụ khoa, giúp phát hiện sớm 4 bệnh: Ung thư cổ tử cung, ung thư vú, Ung thư tử cung và Ung thư buồng trứng ngay cả khi người bệnh chưa có triệu chứng.
Những đối tượng nên sử dụng Gói tầm soát và phát hiện sớm ung thư phụ khoa bao gồm:
- Những khách hàng nữ, trên 40 tuổi
- Khách hàng có nhu cầu có thể sàng lọc bệnh lý về ung thư vú- phụ khoa (cổ tử cung, tử cung, buồng trứng)
- Khách hàng có nguy cơ cao mắc các bệnh về ung thư – đặc biệt là khách hàng tiền sử gia đình có bệnh lý ung thư vú, phụ khoa
- Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, tiền mãn kinh và mãn kinh
- Phụ nữ đang có triệu chứng nghi ngờ ung thư vú, phụ khoa như : đau ở vú, có cục u ở vú, chảy máu ngoài chu kỳ kinh nguyệt, đau vùng bụng, vv...