1. Tắc sữa ở bà mẹ cho con bú
Tắc sữa là tình trạng khá phổ biến sau sinh, với các dấu hiệu như căng đau hai vú, sữa ra ít, có khối tắc lớn nhỏ rải rác hai vú, có thể có mảng đỏ trên da và đau nhiều, một số trường hợp có sốt. Nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến áp-xe vú và sẽ phải phẫu thuật. Phòng ngừa tắc tia sữa là điều rất quan trọng mà sản phụ nên biết để tránh các biến chứng, khó chịu xảy ra trong quá trình cho con bú.
2. Phòng ngừa tắc tia sữa như thế nào?
Để phòng ngừa tắc tia sữa, các sản phụ có thể sử dụng một trong các cách sau đây:
- Massage vú: Sau khi sinh, bà mẹ thường xuyên xoa bóp nhẹ nhàng hai bầu vú, xoa theo vòng tròn theo chiều kim đồng hồ, đồng thời xoa nhẹ đầu vú để kích thích vú tiết sữa. Cũng có thể dùng khăn ấm massage bầu vú khi thấy hai vú căng tức.
- Cho con bú: Các bà mẹ cần cho con bú theo nhu cầu trong 1 tháng đầu, sau đó sẽ cho bú 2-3 giờ mỗi lần và nên giữ đều khoảng cách cho bú cũng như hút sữa. Không nên để khoảng cách quá dài sẽ dễ gây tắc sữa do ứ đọng sữa quá lâu
- Hút sữa: Sau khi cho con bú nếu thấy vú còn căng thì dùng máy hút sữa hút hết sữa còn lại để tránh ứ đọng sữa gây tắc, hút cho đến khi nào thấy hai vú mềm đi thì có thể dừng lại.
- Vệ sinh đầu vú: Đây là vấn đề rất quan trọng và cũng là nguyên nhân gây Viêm tuyến vú và abces vú, vì vậy các bà mẹ cần lưu ý vấn đề này. Cần vệ sinh đầu vú và bầu vú trước và sau khi cho con bú. Có thể dùng gạc vô khuẩn và nước muối sinh lý để vệ sinh đầu vú trước và sau khi cho con bú. Hạn chế dùng khăn sữa lau vú nhiều lần trong ngày. Khi vệ sinh đầu vú, cần lau vú từ trong ra ngoài, lau sạch kẽ đầu vú, sau khi trẻ bú xong lau khô và sạch đầu vú.
Khi thấy vú căng tức và đau nhiều thì thực hiện massage vú, đồng thời dùng tay ép bầu vú lên thành ngực, vừa ép vừa day để tạo lực làm tan sữa đông kết, vón cục bên trong. Ép nhẹ nhàng trong mức đau mẹ có thể chịu được, day từ từ theo chiều kim đồng hồ, khoảng 20-30 lần, sau đó làm ngược lại. Thực hiện nhiều lần cho đến khi cảm thấy dễ chịu, bớt căng tức ngực. Sau khi ép và massage vú thì cho trẻ bú, sau đó dùng máy hút sữa hết lượng sữa còn đọng lại. Nếu sau khi làm như vậy vẫn còn đau thì các sản phụ nên đến đến phòng khám, bệnh viện để kiểm tra vú vì có trường hợp phần tắc quá sâu, massage không hiệu quả thì phải dùng máy để làm tan chỗ tắc. Các bà mẹ không nên để tắc quá lâu vì có thể gây abces vú và phải phẫu thuật rất nguy hiểm
Nếu bà mẹ thấy đau nhói hai bầu vú nhưng vú vẫn không căng nhiều đồng thời có sốt, ớn lạnh, có hạch nách thì khả năng bị viêm tuyến vú. Do đó, trong trường hợp này chúng ta không nên massage hay dây ép hai vú mà nên đến các cơ sở Khám bệnh để thăm khám, nếu càng massage vú thì Tình trạng viêm sẽ càng nặng hơn.
Tắc sữa là bệnh thường gặp và có thể xử lý tại nhà. Tuy nhiên nếu thấy đau nhiều kèm có sốt, sữa có màu vàng khác thường, ớn lạnh, có hạch nách thì bạn nên đến các cơ sở khám chữa bệnh để tìm nguyên nhân và có hướng điều trị kịp thời, tránh gây abces vú. Ngoài ra, người mẹ cũng không nên tự ý mua thuốc điều trị để tránh tình trạng ảnh hưởng đến sự tiết sữa và chất lượng sữa cho bé.