1. Gãy đầu dưới xương quay là gì?
Gãy đầu dưới xương quay là một trong những chấn thương xương chi trên thường gặp nhất, chủ yếu do té ngã ở tư thế chống bàn tay duỗi hết mức, mặt đất và sức nặng cơ thể tác động lực lớn đè ép đầu dưới xương quay, thường gặp ở người lớn tuổi. Tổn thương này ở người cao tuổi cũng có thể là do các bệnh lý về xương gây ra như giòn xương, loãng xương, hoặc u xương và một số bệnh lý khác như tiểu đường, hay việc lạm dụng corticoid để điều trị bệnh ...
Ở người trẻ tuổi, gãy đầu dưới xương quay là do tai nạn (lao động, giao thông, sinh hoạt, ...). Ngoài gãy xương, các tai nạn này còn khiến các tổ chức phần mềm xung quanh bị tổn thương nghiêm trọng.
2. Chẩn đoán gãy đầu dưới xương quay
Chẩn đoán gãy đầu dưới xương quay cần phân biệt với gãy đầu dưới xương trụ, hoặc trật khớp quay trụ dưới hoặc trật khớp cổ tay với đầu dưới xương quay.
2.1 Dấu hiệu gãy đầu dưới xương quay
- Sưng nề vùng cổ tay
- Đau khớp cổ tay
- Gãy đầu dưới xương quay làm biến dạng nếu có di lệch, nếu nhìn thẳng sẽ thấy bàn tay bị vẹo ra phía ngoài, trục ngón tay không đi qua ngón giữa như bình thường, thay vào đó đi qua ngón áp út hoặc ngón út, trục cổ tay và bàn tay tạo thành hình lưỡi lê, nếu nhìn nghiêng sẽ thấy trục cổ tay và bàn tay tạo thành hình dĩa.
- Các ngón tay cứng.
2.2 Phương pháp chẩn đoán gãy đầu dưới xương quay
Chụp X-quang là phương pháp giúp chẩn đoán chính xác gãy đầu dưới xương quay. Cụ thể, kết quả chụp X-quang cho phép phát hiện kiểu gãy xương và tổn thương khác phối hợp nếu có như:
- Gãy ngoài khớp
- Gãy di lệch phía trên hoặc phía sau, ra ngoài
- Có gãy đầu dưới xương trụ kèm theo
- Có gãy mẻ mỏm Trâm trụ kèm theo
- Có Gãy xương thuyền kèm theo
- Trật khớp quay – trụ dưới
- Gãy bong sụn phát triển đầu dưới xương quay (thường gặp ở trẻ em)
Chẩn đoán xác định gãy đầu dưới xương quay dựa vào kết quả chụp X-quang kết hợp tiền sử Chấn thương và các dấu hiệu như đau, sưng nề vùng cổ bàn tay, trục khớp cổ tay bị biến dạng lệch, chức năng vận động cổ tay giảm hoặc mất đi.
3. Điều trị gãy đầu dưới xương quay
3.1 Mục tiêu điều trị gãy đầu dưới xương quay
- Mục tiêu ngắn hạn (1 tháng sau chấn thương): người bệnh có thể tự sinh hoạt (ăn uống, vệ sinh cá nhân, ...) và cầm nắm, nắm chặt tay.
- Mục tiêu dài hạn (4-5 tháng sau chấn thương): người bệnh có thể tự điều khiển phương tiện giao thông (xe đạp, xe máy, oto), có thể dùng tay chống đẩy để chuyển từ trạng thái ngồi sang đứng, có thể quay trở lại làm việc bình thường và chơi thể thao được.
3.2 Điều trị gãy đầu dưới xương quay
- Giảm đau bằng cách Gây tê tại chỗ với Novocain.
- Kéo nắn
- Bó bột vùng xương bị tổn thương trong 4 tuần
- Có thể áp dụng phẫu thuật đặt nẹp ốc nhỏ hoặc phẫu thuật xuyên kim Kirschner.
4. Phục hồi chức năng gãy đầu dưới xương quay
4.1 Giai đoạn bất động
Mục đích phục hồi chức năng gãy đầu dưới xương quay ở giai đoạn Bất động là:
- Chống rối loạn tuần hoàn
- Giảm đau, giảm sưng
- Chống teo cơ, dính khớp
- Duy trì tầm vận động các khớp
Thực hiện phục hồi chức năng gãy đầu dưới xương quay đối với trường hợp điều trị bó bột trong giai đoạn này như sau:
- Treo tay lên cao từ 1 - 2 tuần để phòng chống phù nề bàn tay
- Sau khi bột khô, tập co cơ tĩnh phần bất động để ngăn ngừa tình trạng teo cơ, dính khớp và góp phần thúc đẩy tiến trình liền xương.
- Tập vận động chủ động tự do các khớp như khuỷu, vai, khớp liên đốt bàn tay, ngón tay để duy trì tầm vận động các khớp.
4.2 Giai đoạn sau bất động
Sau giai đoạn bất động, người bệnh sẽ gặp tình trạng phù nề bàn tay, da khô, cơ teo, dính khớp rối loạn Dinh dưỡng và tuần hoàn, tầm hoạt động các khớp cổ tay bị hạn chế như gập, duỗi, quay. Do đó, mục đích phục hồi chức năng gãy đầu dưới xương quay ở giai đoạn sau bất động là:
- Giảm đau, giảm sưng nề.
- Gia tăng tuần hoàn và tầm hoạt động các khớp.
- Điều trị hội chứng Sudeck giai đoạn ba vùng bàn tay và cổ tay.
Thực hiện phục hồi chức năng gãy đầu dưới xương quay đối với trường hợp điều trị bó bột giai đoạn này như sau:
- Sử dụng các phương pháp như nhiệt, thủy hoặc điện trị liệu vùng bàn tay và cổ tay để giảm sưng nề và gia tăng tuần hoàn.
- Tập vận động chủ động các bài tập như gập, duỗi, quay cổ tay, nghiêng trụ, nghiêng quay, quay sấp và tiến dần đến quay ngửa cổ tay, cũng như các bài tập mạnh hơn về cơ cầm nắm để làm tăng tầm vận động khớp cổ tay, giúp phục hồi chức năng gãy đầu dưới xương quay.
- Tập vận động tự do có đề kháng các khớp khuỷu, vai, liên đốt bàn đốt. Khi tầm vận động gần đạt đến mức chức năng thì bắt đầu tập nhẹ nhàng với tạ từ 1⁄2 kg tới 1 kg. Tăng tiến bài tập tạ trong khoảng 10 - 12 tuần sau chấn thương (nếu người bệnh chịu được) và các bài tập liên quan đến nghề nghiệp của người bệnh sau 16 tuần (nếu người bệnh chịu được).
- Tăng cường các bài tập chức năng cổ bàn tay như cầm thả đồ vật, mở nắp chai, mặc cởi quần áo, lật sách, lăn bóng, phủi bụi, vắt khăn ...
Thực hiện phục hồi chức năng gãy đầu dưới xương quay đối với trường hợp điều trị phẫu thuật giai đoạn này như sau:
- Giai đoạn sau phẫu thuật từ 1 - 3 tuần: Nâng cao tay, tập vận động thụ động cổ tay và bàn tay nhẹ nhàng, tập vận động chủ động trợ giúp các khớp liên đốt bàn đốt, khớp khuỷu và vai.
- Giai đoạn sau phẫu thuật từ 4 - 7 tuần: Tập chủ động các bài tập cổ tay như gập, duỗi, quay sấp, quay ngửa, nghiêng trụ, nghiêng quay; tập các bài tập tăng cường sức mạnh nhóm cơ cầm nắm bàn tay; tập Hoạt động trị liệu điều phối kết hợp bàn tay, ngón tay như cầm, nắm, nhặt đồ vật.
Phục hồi chức năng gãy đầu dưới xương quay được thực hiện trong cả giai đoạn bất động và sau bất động để giúp giảm đau, giảm sưng và tăng tuần hoàn cũng như tầm vận động các khớp.