1. Đám rối Thần kinh cánh tay là gì?
Đám rối thần kinh cánh tay là một mạng lưới được tạo từ các nhánh trước của bốn thần kinh sống cổ và một thần kinh sống ngực (C5, C6, C7, C8, T1). Đám rối trải dài từ tủy sống, qua ống cổ - nách chui vào nách. Nó cho các sợi thần kinh vận động và các sợi thần kinh cảm giác và chi phối vùng ngực, vai, cánh tay và bàn tay.
2. Nguyên nhân chủ yếu gây liệt đám rối thần kinh cánh tay
Nguyên nhân chính gây liệt đám rối thần kinh cánh tay là do trong quá trình sinh trẻ đẻ ngôi mông (tức mông ra trước đầu ra sau), mẹ đẻ khó, thường hay yếu cơ chi trên và mất cảm giác, sau đó là xuất hiện những thay đổi về thần kinh giao cảm, co rút mô mềm và biến dạng chi.
Ở người lớn, nguyên nhân gây ra liệt đám rối thần kinh cánh tay là do tai nạn giao thông, do tai nạn trong quá trình sinh hoạt, do hung khí đâm vào như kéo dao đâm gây tổn thương. Trong đó, theo số liệu thống kê, bệnh nhân bị liệt đám rối cánh tay nguyên nhân chính tại Việt Nam là do tai nạn giao thông.
3. Phân chia mức độ liệt đám rối thần kinh cánh tay
Liệt đám rối thần kinh cánh tay được chia thành 2 mức độ là liệt hoàn toàn và liệt không hoàn toàn.
- Liệt không hoàn toàn: Được phân ra thành nhiều phân loại nhỏ trên lâm sàng và thường phân thành 2 loại thường gặp là liệt ở thân nhất trên và liệt thân nhất dưới. Liệt không hoàn toàn tức là một trong những sợi của đám rối thần kinh cánh tay vẫn còn hoạt động được.
- Liệt hoàn toàn là tình trạng liệt toàn bộ đám rối thần kinh cánh tay.
4. Liệt đám rối thần kinh cánh tay có phục hồi được không?
Liệt đám rối thần kinh cánh tay đa số bệnh nhân sẽ phục hồi.
Đối với trẻ sơ sinh, thời gian hồi phục thường chủ yếu xảy ra ở những tuần đầu ngay sau khi sinh. Có thể phục hồi tốt nhất ở những trường hợp nhẹ (chỉ tổn thương myelin, sợi thần kinh nhỏ). Với những trường hợp nặng hơn có thể để lại di chứng cho trẻ như bị yếu tay, teo cơ, thậm chí liệt thực sự.
Việc theo dõi và đánh giá mức độ liệt và sự hồi phục vận động ở đối tượng trẻ sơ sinh rất khó nên bé cần được đánh giá bởi các bác sĩ chuyên khoa phục hồi chức năng. Ngoài ra, có thể theo dõi sơ bộ sự phục hồi vận động bằng cách theo dõi khả năng dang tay, gấp duỗi tay của bé.
5. Phục hồi chức năng liệt đám rối thần kinh cánh tay bằng cách nào?
5.1 Phục hồi chức năng
Phục hồi chức năng là biện pháp điều trị liệt đám rối thần kinh cánh tay chủ yếu hiện nay. Liệt đám rối thần kinh cánh tay thường không đồng đều vì có cơ bị liệt có cơ vẫn hoạt động bình thường. Hiện tượng co cứng có thể xảy ra ở những cơ không bị liệt.
Các bác sĩ sẽ hướng dẫn thực hiện những thao tác vận động tay cho bé để giúp làm giảm co cứng cơ. Những ngày đầu sau sinh cần cố định tay bé vào người để giảm đau cho trẻ.
Đến khi trẻ lớn lên cần khuyến khích trẻ tham gia những trò chơi có sự linh hoạt, sử dụng phối hợp giữa cả hai tay như bơi để duy trì chức năng tốt cho tay bị tổn thương.
Ngoài ra, còn có một số biện pháp để điều trị khác khi bị liệt đám rối thần kinh cánh tay như kích thích điện qua da, châm cứu.
5.2 Phẫu thuật
Phẫu thuật cũng là phương pháp nhằm giúp phục hồi chức năng liệt đám rối thần kinh cánh tay. Biện pháp phẫu thuật để điều trị liệt đám rối thần kinh cánh tay đã được áp dụng tại một số nước phát triển như Mỹ, Châu Âu. Thời gian phẫu thuật cho trẻ là từ 3-4 tháng đầu sau sinh. Tuy nhiên ở Việt Nam vẫn chưa phát triển và thực hiện. Tiên lượng
Đa số bệnh nhân bị liệt đám rối thần kinh cánh tay sẽ tự phục hồi, tuy nhiên vẫn bị yếu tay, hạn chế vận động. Với trường hợp nặng như dây thần kinh bị đứt rời thì bắt buộc phải phẫu thuật, nếu không được phẫu thuật sẽ không thể tự hồi phục được.
Liệt một phần đám rối thần kinh cánh tay, thời gian phẫu thuật sớm dưới 6 tháng, chức năng cơ tốt có thể phục hồi hoàn toàn. Còn liệt toàn bộ chỉ đưa lại một phần chức năng gấp khuỷu và dang vai, sau này có thể nắm được các ngón tay, trường hợp này không hi vọng phục hồi hoàn toàn. Cần đi khám định kỳ thường xuyên để bác sĩ theo dõi quá trình phục hồi đám rối thần kinh cánh tay.