1. Triệu chứng của trào ngược dạ dày thực quản
Trào ngược dạ dày thực quản còn gọi là Viêm thực quản trào ngược, là bệnh lý xảy ra khi axit dạ dày trào ngược lên thực quản. Những cơn trào ngược thường xảy ra sau ăn, trong thời gian ngắn, không kèm theo các triệu chứng khác và hiếm xảy ra khi ngủ.
Trong trường hợp các cơn trào ngược tiến triển thành bệnh Trào ngược dạ dày thực quản khi các triệu chứng bệnh xảy ra thường xuyên (2 - 3 lần/tuần) hoặc làm thực quản bị tổn thương.
Triệu chứng bệnh trào ngược thực quản bao gồm: Cảm giác khó nuốt, hay bị nấc, ợ nóng, nóng và đau rát trước xước ức, nếm thấy vị chua, khàn giọng, viêm họng, Ho hoặc thở khò khè,... Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do sự đóng mở bất thường của cơ vòng thực quản dưới, thoát vị dạ dày, có áp lực đè lên dạ dày (mang thai, thừa cân).
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản có thể được điều trị bằng cách thay đổi chế độ ăn uống và lối sống, kết hợp với việc sử dụng một số loại thuốc chống trào ngược. Trong một số trường hợp, bệnh nhân Trào ngược dạ dày thực quản được chỉ định điều trị bằng phương pháp phẫu thuật.
2. Phương pháp mổ Nội soi tạo van chống trào ngược dạ dày thực quản
Với phương pháp mổ mở, phẫu thuật vùng thực quản phải thao tác trong vùng sâu nên rất khó tiếp cận và thao tác. Khi phương pháp phẫu thuật nội soi ra đời, bác sĩ có cách tiếp cận dễ dàng hơn, điều trị hiệu quả cho các trường hợp trào ngược dạ dày thực quản.
2.1 Chỉ định/chống chỉ định
Chỉ định:
- Người được xác định mắc Viêm thực quản trào ngược, đã được điều trị nội khoa trong ít nhất 6 tháng nhưng không đáp ứng điều trị;
- Người bị thoát vị khe hoành;
- Bệnh nhân loét thực quản.
Chống chỉ định:
- Bệnh nhân có thể trạng quá yếu, không chịu được phẫu thuật;
- Bệnh nhân lớn tuổi và có nhiều bệnh phối hợp;
- Người mắc ung thư thực quản;
- Các chống chỉ định chung của phẫu thuật nội soi: Bệnh nhân không đồng ý phẫu thuật, có vấn đề về đông máu,...
2.2 Chuẩn bị phẫu thuật
- Nhân sự thực hiện: Bác sĩ phẫu thuật tiêu hóa, ekip gây mê hồi sức;
- Phương tiện kỹ thuật: Bộ thiết bị đồng bộ mổ nội soi;
- Bệnh nhân: Được trao đổi về mục đích phẫu thuật, các bước thực hiện, nguy cơ tai biến có thể xảy ra; được làm các Xét nghiệm cơ bản, nội soi, chụp X-quang, siêu âm ổ bụng; bồi phụ nước và điện giải, sử dụng kháng sinh dự phòng trước mổ; nhịn ăn, vệ sinh vùng phẫu thuật và toàn thân;
- Hồ sơ bệnh án: Chuẩn bị đúng theo quy định gồm bệnh án chi tiết, biên bản hội chẩn, biên bản khám trước gây mê và giấy cam đoan chấp thuận phẫu thuật.
2.3 Tiến hành phẫu thuật
- Kiểm tra hồ sơ và kiểm tra người bệnh, đảm bảo đúng người và đúng bệnh;
- Vô cảm: Gây mê nội khí quản;
- Tư thế: Bệnh nhân nằm ngửa, đầu cao, chân thấp, 2 chân dạng và được đặt ống thông dạ dày trước phẫu thuật. Ekip mổ đứng ở vị trí phù hợp để thuận lợi khi thao tác;
- Đặt trocar: Trocar 10mm đặt tại vùng rốn, trocar 10mm đặt tại cạnh phải mũi ức, trocar 5mm đặt trên đường vú phải và dưới bờ sườn 5cm, trocar 10mm đặt ngang rốn trên đường trắng bên trái;
- Bộc lộ vùng mổ: Nâng gan trái lên để bộc lộ vùng mặt trước thực quản tâm vị, dùng dao đốt điện hình móc hoặc kéo mở mạc nối nhỏ dọc theo bờ cong nhỏ tới sát cột trụ hoành phải. Tiếp theo tạo khoảng trống sau thực quản đủ rộng để đưa phình vị trái sang, tạo van chống trào ngược;
- Làm van chống trào ngược: Thực hiện theo quy trình phẫu thuật Nissen-Rossetti (kỹ thuật tạo van toàn bộ 360°) hoặc phẫu thuật Toupet (tạo van không toàn bộ 270°) và cố định van vào chân cơ hoành;
- Kiểm tra lại xem có chảy máu hoặc các biến chứng khác không, thực hiện hút sạch vùng dưới hoành trái và phải, tháo các trocar, tháo hơi, đóng lại các lỗ trocar và kết thúc phẫu thuật.
2.4 Theo dõi sau phẫu thuật
- Truyền dịch và nuôi ăn qua đường ống thông dạ dày trong vòng 24 giờ sau mổ nội soi trào ngược dạ dày thực quản. Sau đó, bệnh nhân có thể ăn nhẹ;
- Chụp lưu thông thực quản dạ dày bằng cách sử dụng thuốc cản quang tan trong nước trong vòng 36 - 48 giờ nhằm kiểm tra đồ lưu thông và chức năng của van;
- Bệnh nhân được cho ra viện sau khi kết quả chụp phim tốt và trở lại chế độ ăn uống bình thường sau phẫu thuật 1 tuần.
2.5 Tai biến và cách xử trí
2.5.1 Tai biến trong phẫu thuật
- Chảy máu: Là tai biến rất thường gặp. Nguồn chảy máu thường do cắt phải các mạch vị ngắn hoặc khi bác sĩ tạo đường hầm sau thực quản. Khi xử trí cần xác định rõ vị trí chảy máu để cầm máu nhanh;
- Tràn khí màng phổi: Gây ra bởi tình trạng thủng màng phổi trái khi làm đường hầm do đi lạc khỏi khoang phẫu tích. Cách xử trí là luồn 1 ống thông lên khoang màng phổi, thực hiện hút hết khí, thở áp lực dương và khâu kín khoang màng phổi. Vì khí CO2 dễ hấp thu nên hầu như các bệnh nhân bị tràn khí màng phổi không cần phải dẫn lưu màng phổi.
2.5.2 Tai biến sau phẫu thuật
- Viêm phúc mạc: Do thủng thực quản, phình vị dạ dày do nguyên nhân phẫu tích hoặc đốt phải. Đây là biến chứng hiếm gặp và khi gặp phải sẽ xử trí theo phác đồ của bác sĩ chuyên khoa;
- Hẹp thực quản: Do nguyên nhân van quá chặt. Biện pháp xử trí là nhịn ăn, sử dụng thuốc chống viêm, chống phù nề. Trường hợp bệnh nhân bị hẹp thực quản quá lâu có thể nong thực quản qua đường nội soi để điều trị;
- Viêm thực quản trào ngược tái phát: Nguyên nhân vì van quá rộng. Biến chứng này thường xảy ra sau một thời gian không có triệu chứng. Khi gặp tình trạng trào ngược dạ dày thực quản tái phát, biện pháp xử trí trước tiên là dùng thuốc. Nếu không đỡ thì bệnh nhân sẽ được chỉ định phẫu thuật lại.
Ngoài việc tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ khi thực hiện mổ nội soi tạo van chống trào ngược dạ dày thực quản, bệnh nhân còn cần chú ý thay đổi lối sống, chế độ ăn uống, sinh hoạt của mình theo hướng lành mạnh, tích cực để sớm hồi phục sức khỏe, giảm nguy cơ biến chứng, tái phát.
Tổng hợp theo: Vinmec.com