1. Những lo lắng của bệnh nhân nữ khi mắc ung thư
Điều băn khoăn đầu tiên của bệnh nhân khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư là còn sống thêm được bao lâu và kế hoạch điều trị ra sao. Song, sau khi đã hiểu rõ về bệnh và hiệu quả điều trị, bệnh nhân sẽ đặt tiếp câu hỏi “Sẽ phải trở lại cuộc sống thường ngày như thế nào cùng với căn bệnh này?”; hay thậm chí “Căn bệnh sẽ ảnh hưởng thế nào đối với sinh hoạt vợ chồng?”
Các bệnh nhân nữ khi điều trị ung thư thường phải đối mặt với nhiều vấn đề làm ảnh hưởng tới nhu cầu sinh hoạt giới tính. Có bệnh nhân cảm thấy tự ti về hình ảnh bản thân do thiếu đi một phần nào đó của cơ thể hoặc bị ám ảnh rằng họ không còn khả năng sinh con; số khác cảm thấy sợ vì bị đau mỗi khi quan hệ; phần còn lại bệnh nhân đều thấy giảm ham muốn.
2. Sinh hoạt giới tính và sinh hoạt tình dục
Sinh hoạt tình dục là khái niệm để chỉ những hành động giao cấu đơn thuần về mặt sinh lý, thể chất. Sinh hoạt giới tính bao hàm nghĩa rộng hơn, không chỉ là sinh hoạt Tình dục mà còn bao hàm các khía cạnh về tinh thần, cảm xúc và xã hội liên quan tới giới tính của bệnh nhân. Nó được biểu hiện ở cách bệnh nhân tự chăm sóc, làm đẹp bản thân; cách “đối tác” chăm sóc, gần gũi bệnh nhân; cách bệnh nhân cởi mở trao đổi để được tư vấn về nhu cầu giới tính...
3. Có thể sinh hoạt giới tính khi đang điều trị ung thư không?
Nhìn chung, trong quá trình điều trị, bệnh nhân vẫn có thể sinh hoạt giới tính nếu có ham muốn và điều kiện sức khỏe cho phép. Những bệnh nhân u Não hoặc tủy sống thường không còn ham muốn tình dục do bị tổn thương các sợi thần kinh cảm giác và chi phối vận động cơ vùng đáy chậu.
Sau phẫu thuật hoặc trong khi xạ trị, hóa chất, bệnh nhân thường ngại gần gũi do đau, mệt mỏi, giảm ham muốn. Tuy nhiên, những hành động đơn giản như ôm, cầm tay, xoa bóp cũng có thể khiến họ cảm thấy được quan tâm và giải tỏa nỗi lo âu, đau đớn của bệnh tật.
Các bệnh nhân ung thư vùng chậu (tử cung - phần phụ, đại trực tràng hay ống hậu môn) khi đang điều trị nên hạn chế sinh hoạt tình dục do có thể gây đau, chảy máu và nhiễm khuẩn. Đặc biệt, các bệnh nhân này sau phẫu thuật sẽ cần thêm thời gian để liền vết mổ mới có thể sinh hoạt tình dục được.
Bệnh nhân ung thư khoang miệng cũng cần lưu ý hạn chế sinh hoạt bằng đường miệng khi đang điều trị.
Các bệnh nhân bị hạ bạch cầu và tiểu cầu do tác dụng phụ của xạ trị, hóa chất cần ngưng sinh hoạt tình dục qua đường âm đạo và hậu môn do làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng và chảy máu. Có thể thử các cách sinh hoạt giới tính khác như vuốt ve, kích thích các bộ phận sinh dục ngoài.
4. Đánh giá chức năng sinh dục
Hiện nay, có một số bảng sàng lọc đánh giá chức năng sinh dục khác nhau như: SSF-A, FSFI, hay SEX. Dưới đây là bảng sàng lọc, đánh giá theo hướng dẫn của mạng lưới ung thư toàn diện Hoa Kỳ 2018:
5. Nguyên tắc điều trị suy giảm chức năng sinh dục
Sau khi đánh giá bệnh nhân có suy giảm chức năng sinh dục, bác sỹ sẽ tư vấn các phương pháp điều trị khác nhau theo nguyên nhân:
- Bệnh nhân bị khô, teo, chảy máu âm đạo: sử dụng các thuốc làm ẩm niêm mạc âm đạo, vitamin D hoặc E, chất bôi trơn khi quan hệ hoặc có thể sử dụng estrogen.
- Bệnh nhân bị lo lắng, trầm cảm sẽ được điều trị thuống chống lo âu, chống trầm cảm và các bài tập phối hợp như yoga, thiền.
- Bệnh nhân bị đau khi quan hệ sẽ được tư vấn nong, Gây tê âm đạo.
- Bệnh nhân không thỏa mãn khi quan hệ: tập luyện các bài tập cơ sàn chậu hoặc có thể sử dụng các dụng cụ kích thích âm đạo.
- Bệnh nhân giảm ham muốn, không muốn gần gũi: có thể cân nhắc sử dụng thuốc hormone.
6. Xử trí những tác dụng phụ trên âm đạo sau điều trị
Các bệnh nhân khi điều trị thường gặp các triệu chứng như Khô âm đạo và teo âm đạo. Nguyên nhân của tình trạng này là do thiếu hụt estrogen. Ngoài ra, phẫu thuật có thể làm ngắn âm đạo; xạ trị có thể gây xơ hóa âm đạo. Để hạn chế các tác dụng phụ trên cần lưu ý như sau:
- Sử dụng thuốc bôi trơn âm đạo khi quan hệ. Lưu ý một số sản phẩm có chứa chất tạo mùi hương hoặc thành phần thảo mộc (lô hội, oải hương) có thể gây kích ứng cho niêm mạc âm đạo.
- Sử dụng chất dưỡng ẩm âm đạo hay Gel chứa vitamin E. Chúng không có thành phần estrogen, có tác dụng tạo độ ẩm và môi trường acid tự nhiên cho âm đạo. Thường được sử dụng bôi vào buổi tối khi đi ngủ và không sử dụng khi quan hệ. Có thể bôi 2-3 lần/tuần.
- Tránh sử dụng vaseline hoặc các sản phẩm ngoài da để bôi trơn âm đạo. Những chất này có thể làm hỏng bao cao su và làm tăng nguy cơ nhiễm nấm. Cần lưu ý các loại gel và bao cao su có thành phần nonoxylol – 9 (N-9), đây là chất diệt tinh trùng nhưng cũng có thể gây kích ứng âm đạo.
- Đôi khi, bệnh nhân có thể sử dụng estrogen. Trên thị trường có nhiều loại như dạng kem bôi, dạng viên đặt và vòng đặt âm đạo giải phóng estrogen. Hầu hết estrogen được hấp thu tại chỗ, chỉ có một phần nhỏ vào máu. Tuy nhiên, bệnh ung thư liên quan yếu tố nội tiết không nên dùng thuốc này.
- Thực hiện các bài tập cơ vùng chậu (bài tập Kegel) để kiểm soát tốt hơn các cơ thắt âm đạo, giúp giảm đau khi quan hệ.
- Các bệnh nhân sau xạ trị vùng chậu có thể sử dụng dụng cụ nong âm đạo để hạn chế biến chứng xơ hóa và hẹp âm đạo. Nong âm đạo thường thực hiện sau xạ trị 4 tuần và phải duy trì lâu dài.
7. Lưu ý khi sinh hoạt tình dục
Hóa chất có thể được bài tiết một phần qua dịch âm đạo sau điều trị 48-72 giờ. Do đó, sau khi truyền hóa chất, bệnh nhân nên sử dụng bao cao su hoặc quan hệ bằng đường miệng trong thời gian này để tránh cho “đối tác” bị nhiễm hóa chất.
Luôn sử dụng phương tiện tránh thai khi quan hệ. Nó không những làm hạn chế nguy cơ có thai ngoài ý muốn mà còn giúp giảm đau và giữ vệ sinh cho bệnh nhân.
Ngoài những cách sinh hoạt thông thường qua đường âm đạo và đường miệng còn có rất nhiều cách khác để thỏa mãn “đối tác” như hôn, ôm, vuốt ve, chăm sóc...
Trao đổi một cách cởi mở với “đối tác” về cảm giác của mình khi quan hệ để được thoải mái nhất.
Bệnh nhân sau phẫu thuật, nhất là phẫu thuật vùng tiểu khung thường hay bị đau. Hãy thử những tư thế quan hệ khác nhau để không bị đau.
Thường xuyên luyện tập, có chế độ ăn hợp lý, duy trì cân nặng ở mức vừa phải. Nên mặc những trang phục mình cảm thấy thoải mái, tự tin, có thể chọn những bộ đồ lót quyến rũ và trang điểm thêm nếu cần.
Bệnh nhân có hậu môn nhân tạo có thể sử dụng các loại túi dán gọn nhẹ hoặc mặc áo yếm.
Bệnh nhân và chồng nên trao đổi với bác sỹ về những thay đổi của cơ thể và những vấn đề gặp phải khi sinh hoạt tình dục để được tư vấn.
Tham khảo
1. The American Cancer society’s Sexuality for the women with cancer. https://www.cancer.org/treatment/treatments-and-side-effects/physical-side-effects/fertility-and-sexual-side-effects/sexuality-for-women-with-cancer.html
2. NCCN clinical practice guidelines in Oncology – Survivorship, Version 2.2018