1. Tổng quan về xương - xương chi
1.1 Khái quát về hệ thống xương
Xương là những bộ phận rắn, tạo thành một bộ khung vững chắc nâng đỡ toàn bộ cơ thể, làm chỗ dựa cho các thành phần khác của cơ thể. Hệ thống xương gồm tất cả các xương, sụn, gân và dây chằng trong cơ thể. Bộ xương chiếm khoảng 20% trọng lượng cơ thể. Ở người trưởng thành, bộ xương có 206 xương. Ở trẻ em, bộ xương chứa nhiều xương hơn vì khi chúng lớn hơn, các xương có thể hợp nhất với nhau.
Một số xương có khả năng che chở, bảo vệ những cơ quan chứa đựng bên trong như hộp sọ, lồng ngực, ống sống, khung chậu,... Đồng thời, xương còn là chỗ bám của các cơ, hoạt động như đòn bẩy trong bộ máy vận động. Ngoài ra, xương còn có các chức năng khác như: Tủy xương tạo huyết, sản sinh hồng cầu; là kho dự trữ chất khoáng (canxi, photpho,...) khi cơ thể cần có thể huy động tới.
1.2 Đặc điểm của xương chi
Xương chi bao gồm các xương chi trên và các xương chi dưới, cụ thể:
● Các xương chi trên: Mỗi cánh tay chứa 30 xương, gồm có xương cánh tay, xương quay, xương trụ, xương cổ tay, xương bàn tay và xương ngón tay;
● Các xương chi dưới: Mỗi chân có 30 xương, gồm xương đùi, xương chày, xương mác, xương bánh chè, xương cổ chân, xương bàn chân và xương ngón chân.
1.3 Các bệnh lý hay gặp ở xương
● Gãy xương: Thường xảy ra do Chấn thương như tai nạn lao động, tai nạn xe cộ, ngã,...
● Bệnh xương chuyển hóa: Là một nhóm các vấn đề gây ảnh hưởng tới sức mạnh hoặc tính toàn vẹn của xương. Nguyên nhân gây bệnh xương chuyển hóa có thể là do thiếu vitamin D, mất khối lượng xương, tác dụng phụ của một số loại thuốc,...
● Ung thư: Có thể phát triển từ các mô của xương hoặc trong các tế bào do xương tạo ra
● Cong cột sống: Tình trạng cột sống có đường cong không bình thường. Có 3 loại cong cột sống phổ biến là gù cột sống, ưỡn cột sống và vẹo cột sống.
Với các bệnh lý ở xương, có thể thực hiện phương pháp chụp cắt lớp vi tính xương chi không tiêm thuốc cản quang để khẳng định chẩn đoán và có hướng điều trị thích hợp.
2. Chi tiết quy trình chụp cắt lớp vi tính xương chi không tiêm thuốc cản quang
Chụp cắt lớp vi tính xương chi không tiêm thuốc đối quang thực hiện bởi các lớp cắt theo hướng cắt ngang bao phủ vùng tổn thương hoặc cắt toàn bộ theo chiều dài của xương, chiều dài toàn bộ chi. Phương pháp này sử dụng các phần mềm chuyên dụng để tái tạo hình ảnh theo các hướng đứng ngang, đứng dọc và ảnh 3D, giúp bác sĩ đưa ra kết luận chẩn đoán chính xác.
2.1 Chỉ định và chống chỉ định
● Chỉ định: Đánh giá các bất thường bẩm sinh xương chi, các tổn thương xương do Chấn thương hoặc tổn thương u, viêm xương, thoái hóa.
● Chống chỉ định: Phương pháp Chẩn đoán hình ảnh này không có chống chỉ định tuyệt đối. Tuy nhiên, có chống chỉ định tương đối chụp cắt lớp vi tính xương chi đối với phụ nữ có thai.
2.2 Chuẩn bị thực hiện
● Người thực hiện: Bác sĩ chuyên khoa, điều dưỡng, kỹ thuật viên điện quang
● Phương tiện: Máy chụp cắt lớp vi tính, phim, máy in phim và hệ thống lưu trữ hình ảnh
● Bệnh nhân: Được giải thích kỹ về thủ thuật để phối hợp với bác sĩ. Nếu bệnh nhân quá kích thích, không nằm yên thì sẽ được cho dùng thuốc an thần
● Phiếu xét nghiệm: Có phiếu chỉ định chụp cắt lớp vi tính xương chi.
2.3 Tiến hành kỹ thuật
● Thiết lập thông số máy: Nhập đầy đủ dữ liệu thông tin của bệnh nhân; cắt theo chương trình xoắn với độ dày lớp cắt 1,25 - 2,5mm; tốc độ vòng quay bóng dưới 1 giây; Kv 120, mAs 150 - 250; FOV thay đổi tùy từng bệnh nhân và cần chọn FOV phù hợp với vùng thăm khám
● Tư thế bệnh nhân: Nằm ngửa, tư thế chụp các chi giống tư thế chụp động mạch các chi
● Tiến hành chụp: Cắt định hướng theo 2 mặt phẳng đứng dọc và đứng ngang; thực hiện các lớp cắt ngang đúng theo chương trình đã chọn
● Dựng ảnh: Sử dụng các phần mềm chuyên dụng để tái tạo ảnh xương chi theo các hướng, ưu tiên bộc lộ tại vị trí tổn thương
● In phim: Theo cửa sổ xương, theo cửa sổ mô mềm tùy theo chỉ định.
Kết quả thu được: Hình ảnh thấy được các cấu trúc giải phẫu của hệ thống xương chi, giúp bác sĩ phát hiện được tổn thương nếu có.
Phương pháp chụp cắt lớp vi tính xương chi không tiêm thuốc cản quang không có tai biến kỹ thuật. Tuy nhiên, trong quá trình chụp có thể xảy ra một số sai sót như người bệnh không giữ bất động, không bộc lộ rõ nét hình ảnh,... nên cần phải thực hiện lại kỹ thuật.