1. Sơ lược về chụp cộng hưởng từ Nội soi ảo khung đại tràng
1.1 Các khái niệm liên quan
Về giải phẫu, đại tràng (ruột già) là đoạn cuối cùng của ống tiêu hóa, có hình chữ U ngược, dài khoảng 1.5 - 2m. Đại tràng có nhiệm vụ tiếp nhận thức ăn không tiêu hóa được như chất xơ và một số vi khuẩn ở đây có thể sản xuất các vitamin cho cơ thể, hấp thụ lại nước từ thức ăn, tạo thành phân để đào thải ra ngoài. Đại tràng gồm có 4 phần là manh tràng và ruột thừa, kết tràng (gồm kết tràng lên, kết tràng ngang, kết tràng xuống và kết tràng sigma), trực tràng, ống hậu môn và hậu môn.
Chụp cộng hưởng từ (còn gọi là MRI - viết tắt của từ magnetic resonance imaging) là kỹ thuật Chẩn đoán hình ảnh sử dụng từ trường và sóng radio. Khi thực hiện chụp MRI, dưới tác động của từ trường và sóng radio, nguyên tử Hydrogen trong cơ thể sẽ hấp thụ và phóng thích năng lượng sóng RF. Các mô cơ thể khác nhau sẽ hấp thụ, phóng thích năng lượng khác nhau. Máy chụp cộng hưởng từ sẽ thu nhận, xử lý quá trình phóng thích năng lượng và chuyển đổi thành các tín hiệu hình ảnh.
Hình ảnh thu được từ kỹ thuật chụp cộng hưởng từ có độ tương phản cao, chi tiết, khảo sát nhiều mặt cắt, có khả năng tái tạo hình 3D cho phép bác sĩ quan sát rõ ràng, chính xác hơn. Đặc biệt, chụp MRI không có tác dụng phụ như X-quang nên ngày càng được chỉ định sử dụng rộng rãi trong việc chẩn đoán bệnh lý thần kinh, tim mạch, bụng, cơ - xương - khớp,...
1.2 Chụp cộng hưởng từ nội soi ảo đại tràng là gì?
Chụp cộng hưởng từ nội soi ảo khung đại tràng là kỹ thuật thăm khám không xâm nhập, thực hiện bằng cách bơm thuốc đối quang vào lòng đại tràng, tạo ảnh rồi tái tạo lại cấu trúc bên trong lòng đại tràng. Phương pháp này có tác dụng rất lớn trong việc chẩn đoán một số bệnh lý khối choán chỗ trong lòng đại tràng và chẩn đoán phân biệt với các khối u có nguồn gốc từ bên ngoài đại tràng.
2. Chỉ định và chống chỉ định kỹ thuật
2.1 Chỉ định
Chụp cộng hưởng từ nội soi ảo khung đại tràng được chỉ định thực hiện để kiểm tra, đánh giá bệnh lý các khối choán chỗ trong lòng đại tràng như U đại tràng hoặc khối u chèn ép vào đại tràng.
2.2 Chống chỉ định
Chống chỉ định tuyệt đối:
- Người mắc bệnh nặng cần phải có thiết bị hồi sức bên người;
- Người mang kẹp phẫu thuật bằng kim loại ở nội sọ, mạch máu hoặc hốc Mắt dưới 6 tháng;
- Người bệnh có các thiết bị điện tử trên người như cấy ghép ốc tai, máy điều hòa nhịp tim, máy chống rung, thiết bị bơm thuốc tự động dưới da,...
Chống chỉ định tương đối:
- Bệnh nhân có kẹp phẫu thuật bằng kim loại trên người trong thời gian trên 6 tháng;
- Người bệnh bị sợ bóng tối hoặc sợ cô độc.
3. Quy trình chụp cộng hưởng từ nội soi ảo khung đại tràng
3.1 Chuẩn bị
- Nhân sự thực hiện: Bác sĩ chuyên khoa, điều dưỡng làm nhiệm vụ hỗ trợ và kỹ thuật viên điện quang;
- Thuốc: Gồm thuốc đối quang từ, thuốc sát trùng da, niêm mạc và thuốc an thần;
- Phương tiện kỹ thuật: Gồm máy chụp cộng hưởng từ 1 Tesla trở lên và phim, máy in phim cùng hệ thống lưu trữ hình ảnh;
- Vật tư y tế: Gồm găng tay, bông, gạc, băng dính vô trùng, nước muối sinh lý hoặc nước cất, bơm tiêm 10ml, kim luồn chọc tĩnh mạch 18G và hộp thuốc, dụng cụ cấp cứu khi xảy ra tai biến thuốc đối quang;
- Bệnh nhân: Được giải thích chi tiết về thủ thuật; được kiểm tra các chống chỉ định (mảnh ghép kim loại, hội chứng sợ khoang kín,...); cần nhịn ăn để làm sạch ống tiêu hóa; thay quần áo của phòng chụp cộng hưởng từ, tháo bỏ các vật dụng trong danh mục chống chỉ định; chuẩn bị sẵn giấy yêu cầu chụp MRI nội soi ảo khung đại tràng của bác sĩ hoặc có hồ sơ bệnh án đầy đủ nếu cần, làm sạch đường tiêu hóa (dùng thuốc nhuận tràng hoặc thụt nước kết hợp với thụt thuốc).
3.2 Thực hiện chụp MRI
Chụp cộng hưởng từ nội soi ảo khung đại tràng thường được thực hiện vào buổi sáng với quy trình sau:
- Tư thế bệnh nhân: Nằm sấp trên bàn chụp, tiêm 20mg Scopolamine theo đường tĩnh mạch để làm giảm nhu động ruột. Tiếp theo, bệnh nhân được truyền dịch chứa thuốc đối quang vào trong khung đại tràng qua đường hậu môn - trực tràng. Sau đó, bác sĩ lựa chọn và định vị cuộn thu tín hiệu rồi di chuyển bàn chụp vào vùng từ trường của máy chụp cộng hưởng từ, định vị vùng chụp;
- Chụp định vị trên 3 mặt ngang, đứng dọc và đứng ngang;
- Chụp các chuỗi xung 1 - 2 - 3 - 4 đúng theo yêu cầu kỹ thuật. Chuỗi xung 1 - 2 chụp trước khi tiêm thuốc đối quang từ, chuỗi xung 3 - 4 sau tiêm thuốc đối quang từ;
- Thực hiện phân tích dữ liệu trên hình gốc;
- Áp dụng kỹ thuật dựng hình cường độ tối đa;
- Tái tạo đa mặt phẳng;
- Nội soi ảo khung đại tràng;
- Bác sĩ thực hiện phân tích hình ảnh và đưa ra chẩn đoán.
3.3 Nhận định kết quả chụp MRI
- Kỹ thuật chụp MRI dựng hình được các cấu trúc giải phẫu của khung đại tràng;
- Sau khi thực hiện chụp MRI, bác sĩ phát hiện được tổn thương, đánh giá được tình trạng ngấm thuốc của tổn thương nếu có.
3.4 Nguy cơ tai biến và biện pháp xử trí
- Người bệnh có thể bị sợ hãi hoặc kích động. Trong trường hợp này, nhân viên y tế nên thực hiện động viên, an ủi bệnh nhân;
- Với người bệnh quá lo lắng hoặc sợ hãi, bác sĩ có thể cho bệnh nhân sử dụng thuốc an thần dưới sự theo dõi của bác sĩ gây mê;
- Các tai biến liên quan tới thuốc đối quang như nổi mề đay, buồn nôn, tụt huyết áp, sốc phản vệ,... rất hiếm khi xảy ra. Nếu gặp các tai biến này, cần xử trí đúng theo phác đồ điều trị.
Chụp cộng hưởng từ nội soi ảo khung đại tràng là thủ thuật không quá phức tạp, cần sự phối hợp tốt của bệnh nhân theo các chỉ định của bác sĩ để thu được kết quả chẩn đoán nhanh, chính xác và hạn chế được nguy cơ xảy ra các rủi ro không mong muốn.