Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Răng sâu vào tủy là gì?, dấu hiệu nhận biết, các biến chứng, điều trị và Phòng tránh

11/10/2021
Răng sâu vào tủy là gì?, dấu hiệu nhận biết, các biến chứng, điều trị và Phòng tránh

Răng sâu vào tủy là tình trạng sâu răng tiến triển nặng, lan tới tủy răng gây viêm tủy. Nếu không được điều trị sớm sẽ gây nhiều biến chứng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe răng miệng và toàn thân.

1. Sâu răng vào tủy là gì?

Để biết rõ hơn thế nào là răng sâu vào tủy, chúng ta nên tìm hiểu răng gồm có những phần nào?

Một chiếc răng gồm có: thân răng là phần bạn nhìn thấy trong miệng và chân răng là phần ở trong xương hàm, bạn không nhìn thấy được. Đỉnh của mỗi chân răng, nơi mạch máu và Thần kinh đi vào trong răng gọi là vùng chóp (cuống) răng.

Cấu tạo của thân răng gồm các lớp: lớp ngoài cùng là men răng có đặc điểm rất cứng, lớp thứ 2 là ngà răng, mềm hơn men răng và ở giữa răng là 1 buồng rỗng ở cả thân răng (buồng tủy) và chân răng (ống tủy), trong đó chứa mạch máu, Thần kinh của mỗi răng gọi là tủy răng. Tủy răng ở phần thân răng gọi là tủy buồng. Tủy răng ở phần chân răng gọi là tủy chân. Tổ chức cứng của răng gồm men và ngà răng.

Sâu răng là tình trạng tổ chức cứng của răng bị tấn công, tiêu dần đi và tạo lỗ trên mặt răng. Nếu không được điều trị, tổ chức cứng của răng sẽ bị phá hủy nhiều hơn, ăn sâu xuống dưới và vào tủy răng gây ra tình trạng Sâu răng vào tủy hay gọi là viêm tủy răng. Răng viêm tủy không được điều trị sẽ gây ra những biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng và toàn thân.

Răng sâu vào tủy là gì?, dấu hiệu nhận biết, các biến chứng, điều trị và Phòng tránh - ảnh 1
Hình ảnh giải phẫu răng

2. Dấu hiệu nhận biết răng sâu vào tủy và những biến chứng do nó gây ra

  • Ở giai đoạn đầu: bạn thấy răng ê buốt lâu hơn khi ăn đồ nóng, lạnh, khi hít gió hoặc khi thay đổi về áp suất. Thỉnh thoảng bạn thấy răng đau nhức theo cơn thoáng qua. Bạn cố tránh nhai sang bên có răng ê buốt. Ở giai đoạn này, có thể bạn bỏ qua.
  • Ở giai đoạn tiếp theo: răng của bạn đau nhức nhiều hơn. Đau có thể âm ỉ cả một vùng, kéo dài cả ngày hoặc đau theo từng cơn dữ dội, lan lên nửa đầu. Đau nhiều về đêm. Dùng thuốc giảm đau không đỡ hoặc đỡ ít. Cơn đau dữ dội và lan cả một vùng nên bạn không xác định rõ được răng nào bị đau. Răng đau nhức nhiều khiến bạn mất ngủ, không ăn nhai được, ảnh hưởng rất lớn đến ăn uống, sinh hoạt và làm việc.
  • Ở giai đoạn sau: nếu răng viêm tủy không được điều trị, bạn không thấy răng đau nữa vì tủy răng đã chết. Miệng hôi do thức ăn giắt trong lỗ sâu. Viêm lợi xung quanh răng sâu và các răng xung quanh do bạn không nhai sang bên răng đã gây cho bạn đau. Sau một thời gian, răng của bạn có thể bị vỡ, gãy do sâu răng vẫn tiếp tục phát triển gây mất nhiều tổ chức cứng của răng. Bạn thấy có nốt trắng ở lợi, có ổ mủ hay mủ chảy ra ở vùng lợi ngang chân răng, răng lung lay, mặt sưng. Lúc này bạn có thể đau răng hoặc không.
Răng sâu vào tủy là gì?, dấu hiệu nhận biết, các biến chứng, điều trị và Phòng tránh - ảnh 2
Khi răng sâu vào tủy, dấu hiệu điển hình là răng đau

3. Các biến chứng của răng sâu vào tủy

Trong hốc răng sâu có nhiều mảnh vụn thức ăn đọng lại, kết hợp với vi khuẩn gây bệnh tạo thành ổ viêm. Khi tổ chức sâu răng chạm tới tủy sẽ tạo phản ứng viêm ở tủy răng gây đau. Phản ứng viêm của tủy răng xảy ra ở cả tủy buồng và tủy chân khiến cơn đau càng dữ dội hơn.

Lợi xung quanh răng đau sưng, viêm gây hôi miệng.

Sâu răng lan rộng gây vỡ thân răng. Lúc này răng không còn đảm nhận được chức năng ăn nhai nữa. Thân răng vỡ to lan xuống cả phần chân răng khiến răng không thể giữ lại được. Nếu tổ chức tủy bị viêm không được lấy bỏ đi ngay, hiện tượng viêm nhiễm sẽ đi sâu xuống chân răng, tới vùng chóp (cuống) răng gây viêm nhiễm ở vùng chóp.

Viêm nhiễm ở vùng chóp sẽ tạo thành ổ mủ ở vùng chóp răng gây sưng mặt, đau, răng lung lay, abscess chóp răng. Có khi răng phải nhổ bỏ. Viêm nhiễm vùng chóp lâu ngày, ổ nhiễm trùng sẽ lan rộng ảnh hưởng đến các răng xung quanh. Tùy tình trạng ổ nhiễm trùng lan đến đâu mà các răng lân cận có thể chữa được để giữ lại hay cũng phải nhổ gây mất nhiều răng.

Ổ nhiễm trùng từ chóp răng lan rộng gây viêm xương hàm, lan ra phần mềm và các tổ chức lân cận tạo một ổ nhiễm trùng khó kiểm soát.

Ổ nhiễm trùng lan rộng, tạo nang to phá hủy xương hàm làm xương hàm bị gãy, tổn thương thần kinh, mạch máu,...

Răng sâu vào tủy là gì?, dấu hiệu nhận biết, các biến chứng, điều trị và Phòng tránh - ảnh 3
Các biến chứng của răng sâu vào tủy

4. Răng sâu vào tủy có nguy hiểm không?

Răng sâu vào tuỷ là một bệnh lý khá nghiêm trọng có thể dẫn đến những hậu quả rất đáng lo ngại. Khi răng sâu vào tủy nếu không được điều trị sớm thì sẽ nhanh chóng dẫn đến các vấn đề như sau:

  • Sâu răng tạo hốc cùng với việc răng bị vỡ, mẻ làm thành những chỗ lưu giữ thức ăn làm miệng hôi. Mặt khác khi răng bị vỡ, mẻ, lợi ở kẽ răng dễ bò vào lấp kín hốc sâu răng. Phần lợi này dễ sưng, dễ chảy máu do bị chà sát khi ăn nhai gây viêm và cũng là nguyên nhân gây hôi miệng.
  • Viêm tủy răng dẫn đến làm viêm lợi chân răng, áp-xe chóp răng gây đau nhức hết sức khó chịu, thậm chí sưng mặt nhiều ngày ảnh hưởng lớn đến sức khỏe răng miệng, sức khỏe toàn thân và công việc.
  • Răng sâu vào tủy dần làm chết tủy, phá hủy toàn bộ phần thân răng, chân răng và gây mất răng vĩnh viễn.
  • Răng sâu vào tủy nếu không điều trị thì ngoài việc mất răng bị sâu còn dẫn đến hiện tượng sâu và viêm nhiễm ở các răng kế cận.
  • Nếu răng sâu vào tủy không được điều trị ngay, viêm nhiễm đi sâu xuống chóp răng và lan rộng ra các tổ chức lân cận gây nhiều biến chứng nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng ăn nhai và Thẩm mỹ thậm chí có thể tử vong.
  • Từ viêm tủy dẫn đến viêm nhiễm ổ xương hàm.
  • Nhiễm trùng chóp răng tạo thành nang chân răng. Với những nang to trong xương hàm sẽ gây phá hủy tổ chức xương nhiều, việc chữa trị cực kỳ phức tạp và để lại nhiều di chứng nặng nề, thậm chí không thể hồi phục lại được chức năng ăn nhai, không thể tạo lại được nhức năng thẩm mỹ cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống.
  • Những ổ viêm trong xương hàm gây ra do biến chứng của răng sâu vào tủy sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn lưu hành trên những bệnh nhân có bệnh lý về tim mạch, tiểu đường,... Điều này làm cho tình trạng bệnh tiến triển nặng hơn, khó kiểm soát
  • Không chỉ mang đến những hậu quả về bệnh lý nghiêm trọng, răng sâu vào tủy còn làm cho bạn ăn uống kém, suy giảm sức khỏe thể chất và tinh thần.

5. Răng sâu vào tủy, các biến chứng của răng sâu vào tủy điều trị như thế nào?

Khi răng được chẩn đoán là sâu vào tủy hay có những biến chứng do răng sâu vào tủy, tùy vào tình trạng hiện tại của răng và những biến chứng do răng gây ra, nha sĩ sẽ có những kế hoạch điều trị khác nhau. Cụ thể các cách điều trị là:

  • Chữa tủy răng: là cách điều trị phổ biến.
Răng sâu vào tủy là gì?, dấu hiệu nhận biết, các biến chứng, điều trị và Phòng tránh - ảnh 4
Các bước điều trị viêm tủy

Nha sĩ sẽ Gây tê để bạn không đau khi tiến hành mở buồng tủy, lấy sạch tủy nhiễm khuẩn ở buồng tủy và các ống tủy. Các ống tủy được làm sạch bằng cách bơm rửa và tạo hình để thuận lợi cho việc bơm rửa sạch và trám bít ống tủy. Các ống tủy sau khi được làm sạch và tạo hình sẽ được lấp đầy bởi các vật liệu trám bít ống tủy. Phần thân răng ở trên được hàn tạo hình lại. Bước cuối cùng là một chụp răng được làm để bảo vệ răng và phục hồi lại chức năng ăn nhai và thẩm mỹ cho răng.

  • Chữa tủy lại: một vài trường hợp, sau khi chữa tủy, tình trạng nhiễm trùng chóp răng vẫn xảy ra hoặc không hết, khi đó nha sĩ sẽ phải chữa tủy lại. Thủ thuật chữa tủy lại cũng như chữa tủy, nhưng chỉ hơi khác là nha sĩ sẽ phải lấy hết chất trám bít trong ống tủy trước khi các ống tủy được làm sạch lại và chất trám bít được đặt lại vào các ống tủy.
  • Cắt cuống (chóp) răng:

Gây tê được tiến hành trước khi làm thủ thuật để bạn không cảm thấy đau. Nha sĩ sẽ rạch lợi, bỏ xương để lộ phần chóp răng nhiễm trùng. Ổ viêm nhiễm và phần chân răng nằm trong ổ viêm sẽ được loại bỏ hoàn toàn. Ống tủy ở phần chân răng còn lại được hàn kín bằng vật liệu trám bít. Tùy trường hợp, lỗ hổng ở phần xương sẽ được lấp đầy bằng xương nhân tạo. Cuối cùng, niêm mạc bị rạch được khâu kín lại.

Bạn sẽ được nha sĩ dặn dò về cách chăm sóc và theo dõi sau khi làm thủ thuật.

  • Nhổ răng:
Răng sâu vào tủy là gì?, dấu hiệu nhận biết, các biến chứng, điều trị và Phòng tránh - ảnh 5
Nhổ răng

Tất nhiên, nha sĩ phải Gây tê để đảm bảo bạn hoàn toàn không đau và cảm thấy dễ chịu khi nhổ răng. Răng được lấy ra bằng các dụng cụ thích hợp. Ổ nhiễm trùng ở vùng chóp răng cũng được lấy đi. Trước khi bạn ra về, chỗ răng vừa nhổ sẽ phải đảm bảo chắc chắn là không chảy máu. Bạn sẽ được nha sĩ kê đơn thuốc và dặn dò cách chăm sóc sau khi nhổ răng. Việc làm Răng giả để bù vào chỗ răng vừa nhổ cũng sẽ được nha sĩ thảo luận với bạn.

Nạo nang xương hàm hay cắt đoạn xương hàm, ghép xương là những phẫu thuật phải tiến hành khi xương hàm bị mất nhiều tổ chức do nang nhiễm trùng chân răng gây ra.

6. Cách phòng tránh sâu răng vào tủy

Việc đầu tiên là bạn phải giữ gìn vệ sinh răng miệng sạch sẽ: chải răng và dùng chỉ tơ nha khoa đúng cách để loại bỏ hết mảnh vụn thức ăn bám trên mặt răng gây sâu răng.

Chế độ ăn uống cũng rất quan trọng: ăn đúng bữa, hạn chế ăn vặt, ăn đồ ngọt, đồ chua, tránh ăn đồ cứng. Chế độ ăn cân bằng, đủ chất.

Khi thấy răng có lỗ hay răng đau, bạn nên đi khám nha sĩ ngay, không nên trì hoãn.

Không nên trì hoãn hay bỏ điều trị vì bất kỳ nguyên nhân gì. Bạn có thể trao đổi với nha sĩ về kế hoạch điều trị cụ thể để đưa ra giải pháp tối ưu nhất cho mình.

Tốt nhất là bạn nên chủ động đặt hẹn khám răng định kỳ 6 tháng/lần, không chờ đến khi đau răng mới đi khám. Với việc khám răng định kỳ với nha sĩ cố định, mỗi chiếc răng của bạn sẽ được theo dõi tỉ mỉ, cặn kẽ và được chữa trị sớm, kịp thời tránh được những biến chứng không đáng có.