Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Sàng lọc ung thư cổ tử cung bằng phương pháp Thinprep

11/11/2021
Sàng lọc ung thư cổ tử cung bằng phương pháp Thinprep

Phương pháp xét nghiệm Papmear thông thường với nhiều nghiên cứu cho thấy 80% các tế bào bị loại bỏ sau khi phết lên slide, chính vì vậy sẽ tăng tỉ lệ bỏ sót các tế bào bất thường. Ngoài ra, đối với phương pháp Papsmear thông thường, tế bào không được bảo tồn tốt và mẫu quan sát có nhiều chất nhầy. Phiến đồ hay mắc lỗi phết dầy, các tế bào chồng chất lên nhau. Để khắc phục những hạn chế này, năm 1996 cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã công nhận phương pháp Liquid-based cytology (Thinprep) là một phương pháp trong sàng lọc ung thư cổ tử cung.

1.Xét nghiệm Thinprep là gì?

Xét nghiệm ThinPrep ( Thinprep PAP) là một phương pháp xét nghiệm sàng lọc cổ tử cung dựa trên chất lỏng, bệnh phẩm được lấy từ cổ tử cung bằng chổi mềm sau đó cho vào lọ đựng chất lỏng ( dung dịch cố định và bảo quản mẫu) và chuyển về phòng Xét nghiệm xử lý mẫu bằng máy bằng máy ThinPrep để làm tiêu bản một cách hoàn toàn tự động.

2.Ưu và nhược điểm của xét nghiệm Thinprep Sàng lọc ung thư cổ tử cung bằng phương pháp Thinprep - ảnh 1

Hình ảnh lấy mẫu xét nghiệm Pap

2.1 Ưu điểm Xét nghiệm ThinPrep

Xét nghiệm Pap thông thường có thể có kết quả âm tính giả và dương tính giả do các yếu tố khách quan và chủ quan gây ra như phiến đồ dàn quá dày, nhiều tế bào viêm, nhiều dịch nhầy, chảy máu...dẫn đến bỏ sót tổn thương. Phương pháp xét nghiệm Thinprep khắc phục được những vấn đề đó

Xét nghiệm ThinPrep cải thiện độ nhạy của xét nghiệm sàng lọc bằng phương pháp làm ra những tiêu bản đạt tiêu chuẩn, các tế bào được dàn đều trên phiến đồ, chất nhầy được đánh tan làm cho phiến đồ sạch hơn, tuy nhiên vẫn lưu giữ lại tất cả bằng chứng của viêm đặc hiệu hay tổn thương vốn có của người được làm xét nghiệm.

Những điều kiện thuận lợi này giúp các bác sỹ Giải phẫu bệnh phân tích kết quả một cách chính xác, tránh bỏ sót tổn thương do các yếu tố khách quan gây ra. Các nghiên cứu cho thấy xét nghiệm ThinPrep Pap có nhiều khả năng phát hiện các tổn thương nội biểu mô độ cao nhiều hơn so với Xét nghiệm Pap thông thường.

Sàng lọc ung thư cổ tử cung bằng phương pháp Thinprep - ảnh 2
Xét nghiệm Thinprep

2.2 Nhược điểm Xét nghiệm ThinPrep

  • Để thực hiện phương pháp xét nghiệm này cần phải có bộ kit xét nghiệm Thinprep bao gồm chổi lấy mẫu, dung dịch cố định và bảo quản mẫu, màng lọc, lam kính và máy Thinprep để làm tiêu bản.
  • Giá thành của xét nghiệm Thinprep cao hơn xét nghiệm Papsmear.

Cả hai xét nghiệm Thinprep và Xét nghiệm Pap đều là phương pháp sàng lọc và phát hiện sớm Ung thư cổ tử. Phương pháp ra đời sau được nghiên cứu và cải tiến để khắc phục những nhược điểm của phương pháp cũ. Tuy nhiên đó chỉ là những công cụ hỗ trợ cho bác sỹ chẩn đoán tốt hơn, không thể thay thế được bác sỹ. Dù là xét nghiệm Thinprep hay Papsmear: mẫu có đủ yêu cầu để chẩn đoán hay không? Có phát hiện được những tổn thương sớm cho người được sàng lọc hay không? hoàn toàn phụ thuộc vào bác sỹ.