Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Phụ nữ trên 26 tuổi có tiêm được vắc-xin HPV ngừa ung thư cổ tử cung không?

24/06/2021
Phụ nữ trên 26 tuổi có tiêm được vắc-xin HPV ngừa ung thư cổ tử cung không?

Tất cả phụ nữ đều có nguy cơ mắc phải ung thư cổ tử cung khi bắt đầu có quan hệ tình dục. Nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến ung thư cổ tử cung là do virus HPV. Đây là căn bệnh hiện vẫn chưa tìm được phương pháp chữa trị dứt điểm mà chỉ có thể phòng ngừa bằng vacxin.

1. Vài nét về vắc-xin HPV

Ung thư cổ tử cung là 1 trong 2 loại ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ. Nguyên nhân chủ yếu gây ung thư cổ tử cung là do nhiễm virus HPV (human papilloma virus) chiếm 95% trường hợp mắc bệnh. Theo Kế hoạch Dự phòng và Kiểm soát ung thư cổ tử cung giai đoạn 2016 - 2025 của Bộ Y tế, có khoảng 80% phụ nữ có nguy cơ nhiễm HPV ít nhất 1 lần trong đời, tỉ lệ nhiễm cao nhất ở độ tuổi từ 20 - 30, lên đến 20 - 25%. Mỗi ngày ở Việt Nam có 7 phụ nữ qua đời vì Ung thư cổ tử cung và có 14 ca mắc mới. Nhiễm HPV thường gặp và có thể gây:

  • Ung thư và các tổn thương tiền ung thư cổ tử cung, âm hộ, âm đạo (chủ yếu là HPV tuýp 16, 18, 31 và 45).
  • Mụn cóc sinh dục (chủ yếu là HPV tuýp 6, 11).

Hiện nay trên thị trường Việt Nam có 2 loại vắc-xin dự phòng nhiễm HPV:

  • Vắc-xin nhị giá Cervarix: phòng ngừa hai type HPV 16 và 18. Tiêm ba lần (0, 1, 6 tháng).
  • Vắc-xin tứ giá Gardasil: phòng ngừa bốn type HPV 6, 11, 16 và 18. Tiêm ba lần (0, 2 và 6 tháng).

Vắc-xin được dung nạp tốt, tác dụng phụ thường gặp nhất là đau tại chỗ tiêm (18%), Chóng mặt (11%), xây xẩm (11%), Sốt (9%) và buồn nôn (9%). Tuổi được Bộ Y tế Việt Nam khuyến cáo tiêm hiện nay là 9 - 26 tuổi. Thời điểm hiệu quả nhất để tiêm ngừa cho bé gái và phụ nữ trẻ là trước khi bắt đầu có quan hệ tình dục.

2. 26 tuổi có tiêm phòng HPV được không? Phụ nữ trên 26 tuổi có tiêm được vắc-xin HPV ngừa ung thư cổ tử cung không? - ảnh 1

Bộ Y tế Việt Nam khuyến cáo tiêm Vắc-xin HPV là 9-26 tuổi

Tuổi được Bộ Y tế Việt Nam khuyến cáo tiêm vắc-xin HPV là 9-26 tuổi. Tuy nhiên một vài nước trên thế giới vẫn áp dụng tiêm ngừa cho lứa tuổi trên 26 chưa nhiễm HPV (test HPV âm tính) nhưng hiệu không cao bằng. Cho dù tiêm ngừa hay không, việc khám Phụ khoa định kỳ và Xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung là rất cần thiết đối với phụ nữ.

3. Vắc-xin ngừa HPV có hiệu lực bảo vệ mãi mãi không?

Có từ 90 - 95% người nhiễm virus HPV có khả năng tự đào thải virus hoặc tiêu diệt hoàn toàn virus nhờ hệ thống miễn dịch và sự thay đổi pH trong âm đạo. Tuy nhiên, hầu hết mọi phụ nữ đều bị nhiễm virus HPV ít nhất 1 lần trong đời. Không có gì đảm bảo virus HPV có tự đào thải được hay không. Vì vậy, tiêm vắc-xin phòng HPV không chỉ giúp phụ nữ giảm nguy cơ ung thư cổ tử cung trên 90% mà còn làm giảm các tổn thương tiền ung thư trên 60%.

Tuy nhiên, các nghiên cứu chỉ ra rằng vắc-xin chỉ có hiệu quả nhất khi phụ nữ chưa bị lây HPV (test HOV âm tính) hoặc chưa có quan hệ Tình dục trong lứa tuổi từ 9 - 26 tuổi. Vắc-xin phòng HPV có thời gian bảo vệ phụ nữ kéo dài từ 4 - 6 năm và sau thời gian này, chưa có nghiên cứu chính thức nào khẳng định vắc-xin còn hiệu lực bảo vệ tối đa. Do vậy, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo, cho dù đã tiêm phòng vắc-xin HPV thì phụ nữ vẫn cần sàng lọc định kỳ để phát hiện tổn thương tiền ung thư và ung thư ở giai đoạn sớm.