Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Vô sinh nam: Béo phì, Tuổi tác, Xét nghiệm, Phương pháp điều trị

27/08/2022
Vô sinh nam: Béo phì, Tuổi tác, Xét nghiệm, Phương pháp điều trị

Mặc dù một số người vẫn nghĩ khả năng sinh sản là "vấn đề ở phụ nữ", tuy nhiên, có tới 20% cặp vợ chồng vô sinh có nguyên nhân là do nam giới. Vô sinh nam có thể là lý do duy nhất khiến cặp vợ chồng không thể thụ thai.

1. Dấu hiệu vô sinh nam

Trong vô sinh nam, triệu chứng chủ yếu khiến nam giới phải đi khám là không có khả năng thụ thai. Có thể nam giới không có dấu hiệu hoặc triệu chứng rõ ràng nào khác. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nam giới có các vấn đề tiềm ẩn như rối loạn di truyền, mất cân bằng nội tiết tố, Giãn tĩnh mạch thừng tinh hoặc có tình trạng chặn đường đi của tinh trùng.

Mặc dù hầu hết nam giới bị vô sinh nam không nhận thấy các triệu chứng khác ngoài việc không thể thụ thai, nhưng một số người bệnh có thể có các dấu hiệu và triệu chứng liên quan đến vô sinh nam như sau:

  • Các vấn đề về chức năng Tình dục - ví dụ, khó xuất tinh hoặc giảm số lượng tinh dịch xuất tinh, giảm ham muốn Tình dục hoặc khó duy trì cương cứng (rối loạn cương dương).
  • Đau, sưng hoặc xuất hiện cục ở tinh hoàn
  • Nhiễm trùng đường hô hấp tái phát
  • Mất khả năng ngửi
  • Tăng trưởng vú bất thường (gynecomastia)
  • Giảm lông mặt hoặc lông trên cơ thể hoặc các dấu hiệu khác do bất thường nhiễm sắc thể hoặc nội tiết tố
  • Số lượng tinh trùng thấp hơn bình thường (ít hơn 15 triệu tinh trùng trên một mililit tinh dịch hoặc tổng số tinh trùng dưới 39 triệu mỗi lần xuất tinh)

Bạn cần gặp bác sĩ ngay nếu không thể thụ thai sau một năm quan hệ thường xuyên và không sử dụng bất kỳ biện pháp bảo vệ nào hoặc sớm hơn, nếu bạn có bất kỳ vấn đề nào sau đây:

  • Vấn đề cương cứng hoặc xuất tinh, Giảm ham muốn tình dục hoặc gặp các vấn đề khác với chức năng tình dục
  • Đau, khó chịu, xuất hiện cục hoặc sưng ở tinh hoàn
  • Bệnh lý về tinh hoàn, tuyến tiền liệt hoặc các vấn đề tình dục
  • Đã từng trải qua phẫu thuật ở háng, tinh hoàn, dương vật hoặc ở bìu
Vô sinh nam: Béo phì, Tuổi tác, Xét nghiệm, Phương pháp điều trị - ảnh 1
Cần gặp bác sĩ sớm nếu bạn có vấn đề cương cứng hoặc xuất tinh

2. Béo phì ở nam giới và vô sinh

Nam giới mắc thừa cân hoặc béo phì có nguy cơ vô sinh cao hơn so với người có cân nặng bình thường. Nguyên nhân là do, so với những người đàn ông có cân nặng bình thường, những người đàn ông thừa cân và Béo phì có nhiều khả năng có số lượng tinh trùng thấp hoặc ít tinh trùng khỏe mạnh.

Các nhà nghiên cứu đã xem xét số lượng tinh trùng của người tham gia và chỉ số khối cơ thể (hoặc BMI), đây là thước đo độ béo của cơ thể và được tính dựa trên cân nặng và chiều cao. Đàn ông có chỉ số BMI trên 25 được xem là thừa cân và những người có chỉ số BMI trên 30 là béo phì.

Nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra rằng trong số những người đàn ông cân nặng bình thường có 24% có số lượng tinh trùng thấp và 2,6% không có tinh trùng khỏe mạnh. Trong số những người đàn ông thừa cân có 25,6% có số lượng tinh trùng thấp và 4,7% không có tinh trùng khỏe mạnh. Trong số những người đàn ông béo phì có 32,4% có số lượng tinh trùng thấp và 6,9% không có tinh trùng khỏe mạnh.

Nhóm tác giả giải thích mối liên hệ giữa béo phì và khả năng sinh sản của nam giới là do mô mỡ có thể chuyển đổi nội tiết tố nam từ Testosterone thành nội tiết tố nữ estrogen. Và Hormon leptin được sản xuất bởi các tế bào mỡ có thể làm hỏng các tế bào tinh trùng hoặc các tế bào sản xuất ra tinh trùng. Hoặc có thể là do nhiệt độ tăng cao trong bìu, do mô mỡ nhiều hơn, gây hại cho các tế bào tinh trùng.

Vô sinh nam: Béo phì, Tuổi tác, Xét nghiệm, Phương pháp điều trị - ảnh 2
Nam giới mắc thừa cân hoặc béo phì có nguy cơ vô sinh cao hơn so với người có cân nặng bình thường

3. Xét nghiệm vô sinh nam

3.1 Hỏi bệnh và khám

Bác sĩ sẽ bắt đầu bằng việc kiểm tra thể chất và hỏi bạn về những câu hỏi liên quan đến lối sống và tiền sử bệnh lý, chẳng hạn như:

  • Phẫu thuật mà bạn từng thực hiện
  • Loại thuốc đang sử dụng
  • Thói quen tập thể dục
  • Bạn có hút thuốc hay sử dụng các chất kích thích

Bác sĩ cũng sẽ hỏi về đời sống tình dục của bạn, bao gồm các vấn đề bạn đang gặp phải hoặc liệu bạn có hoặc đã từng mắc STDs (bệnh lây truyền qua đường tình dục).

3.2 Xét nghiệm

Phân tích tinh dịch (hay tinh dịch đồ): là kỹ thuật phổ biến nhất khi xét nghiệm khả năng sinh sản của nam giới và giúp xác định xem có yếu tố vô sinh nam hay không. Tinh trùng được cho vào lọ đựng mẫu và đưa cho kỹ thuật viên phòng thí nghiệm kiểm tra tinh trùng dưới kính hiển vi nhằm đánh giá số lượng, hình dạng, ngoại hình và khả năng di chuyển của tinh trùng.

Xét nghiệm máu: Nếu số lượng tinh trùng thấp, bác sĩ có thể sẽ kiểm tra thêm nồng độ testosterone, FSH, LH và prolactin trong máu.

Phân tích nước tiểu có thể được sử dụng để tìm kiếm các tế bào bạch cầu đẻ chỉ ra dấu hiệu nhiễm trùng có thể xảy ra. Phân tích nước tiểu cũng sẽ cho thấy sự hiện diện của tinh trùng trong nước tiểu, triệu chứng này có thể do xuất tinh ngược.

Sự ngưng kết tinh trùng (Sperm agglutination): Xét nghiệm này kiểm tra tinh trùng dưới kính hiển vi để xác định xem tinh trùng có bị vón lại với nhau không. Sự vón cục sẽ ngăn không cho tinh trùng bơi qua chất nhầy cổ tử cung.

Xét nghiệm Hemizona (Acrosome reaction): Mục đích của xét nghiệm là để kiểm tra xem liệu tinh trùng có thể xâm nhập vào lớp bảo vệ ngoài cùng của trứng hay không.

Phản ứng Acrosome (Acrosome reaction): Xét nghiệm này giúp xác định xem đầu tinh trùng có thể trải qua các thay đổi hóa học cần thiết để hòa tan lớp vỏ cứng bên ngoài trứng hay không.

Kỹ thuật HOS-Test (Hypo-osmotic Swelling Test): Xét nghiệm sử dụng loại dung dịch đặc biệt gồm đường và muối để đánh giá đuôi tinh trùng và khả năng tinh trùng xâm nhập vào trứng. Đuôi của tinh trùng khỏe mạnh có xu hướng phồng lên trong dung dịch và ngược lại với tinh trùng chết hoặc bất thường.

Sinh thiết tinh hoàn: Một mảnh mô nhỏ được lấy ra khỏi ống trong tinh hoàn và kiểm tra để xác định tinh trùng được sản xuất như thế nào.

Chụp cắt lớp: Chụp x-quang được sử dụng để xác định xem có tắc nghẽn hoặc rò rỉ tinh trùng trong ống dẫn tinh hay không.

Siêu âm: Kỹ thuật này sử dụng để xác định vị trí tổn thương hoặc tắc nghẽn trong đường sinh sản của nam giới, bao gồm tuyến tiền liệt, túi tinh và ống phóng tinh.

Vô sinh nam: Béo phì, Tuổi tác, Xét nghiệm, Phương pháp điều trị - ảnh 3
Khi khám bệnh, bác sĩ sẽ khai thác một số thông tin như: tiền sử bệnh, loại thuốc đang sử dụng, tình trạng hút thuốc,...

4. Phương pháp điều trị vô sinh đang được thực hiện ở nam giới

Điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra vô sinh của nam giới.

4.1 Hỗ trợ sinh sản

Điều trị này liên quan đến việc giúp vợ của bạn có thai thông qua:

  • Thụ tinh nhân tạo: Phương pháp này thực hiện bằng cách đặt nhiều tinh trùng khỏe mạnh của nam giới ở lối vào của cổ tử cung hoặc phần đầu của tử cung. Sau đó, tinh trùng có thể đi đến ống dẫn trứng.
  • Sử dụng các phương pháp như IVF, GIFT và các kỹ thuật khác. Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) và chuyển giao tử vào ống dẫn trứng (GIFT) hoạt động giống như thụ tinh nhân tạo. Bác sĩ thu thập tinh trùng của nam giới. Sau đó, trộn trứng của vợ với rất nhiều tinh trùng có chất lượng cao. Quá trình trộn trứng và tinh trùng có thể diễn ra trong phòng thí nghiệm hoặc trong ống dẫn trứng.
  • Tiêm tinh trùng vào bào tương trứng (tên tiếng Anh là intra cytoplasmic sperm injection và viết tắt là ICSI). Bác sĩ sẽ tiêm một tinh trùng vào trứng và sau đó, quá trình thụ tinh sẽ được theo dõi dưới kính hiển vi. Bước tiếp theo, bác sĩ sẽ đặt trứng đã thụ tinh vào tử cung của vợ hoặc người Mang thai hộ.

4.2 Thuốc

Điều trị nội tiết tố có thể hiệu quả nếu bạn bị rối loạn nội tiết tố dẫn đến vô sinh. Mất cân bằng nội tiết tố có thể ảnh hưởng đến cách tinh trùng phát triển. Điều trị có thể bao gồm liệu pháp gonadotropin hoặc thuốc kháng sinh.

Vô sinh nam: Béo phì, Tuổi tác, Xét nghiệm, Phương pháp điều trị - ảnh 4
Nếu nguyên nhân vô sinh là rối loạn nội tiết thì có thể điều trị bằng thuốc

4.2 Phẫu thuật

Phẫu thuật được sử dụng để khắc phục các vấn đề khiến tinh trùng không được tạo ra, trưởng thành hoặc xuất tinh. Ngoài ra, phẫu thuật còn được dùng để loại bỏ các tĩnh mạch bị xoắn, Giãn tĩnh mạch thừng tinh nhằm giúp cải thiện chất lượng tinh trùng.

Nguồn tham khảo: webmd.com, mayoclinic.org, livescience.com