1. Các loại cấy ghép tế bào gốc
Trong phương pháp cấy ghép tế bào gốc, bệnh nhân nhận được các tế bào gốc tạo máu qua đường truyền tĩnh mạch. Khi đã vào cơ thể, các tế bào gốc này di chuyển đến tủy xương và thay thế các tế bào hư hỏng trong quá trình điều trị ung thư. Các tế bào gốc tạo máu được sử dụng trong cấy ghép có thể lấy từ tủy xương, trong máu hoặc dây rốn. Các loại cấy ghép Tế bào gốc bao gồm:
- Ghép tự thân (“Tự ghép”): Lấy nguồn tế bào gốc từ người bệnh truyền trở lại cho chính họ.
- Ghép đồng loại (“Dị ghép”): Các tế bào gốc lấy từ người khác. Người hiến tặng có thể là người có quan hệ huyết thống nhưng cũng có thể là người không có quan hệ máu mủ ruột thịt, nhưng bắt buộc phải phù hợp về gen.
- Cùng hệ: Nguồn tế bào gốc đến từ anh chị em sinh đôi của bệnh nhân.
Để giảm thiểu các tác dụng không mong muốn và cải thiện khả năng thành công trong dị ghép tế bào gốc, người hiến tặng phải mang nguồn tế bào gốc tạo máu phù hợp với bệnh nhân.
2. Cơ chế chữa ung thư bằng ghép tế bào gốc
Ghép tế bào gốc thường không có tác dụng trực tiếp trong quá trình điều trị ung thư. Thay vào đó, việc ghép này giúp bệnh nhân phục hồi khả năng sản xuất tế bào gốc sau những đợt hóa trị, Xạ trị hoặc cả hai. Chẳng hạn trong điều trị các ung thư hệ tạo máu, sau đợt điều trị hóa chất liều cao, tiêu diệt các tế bào ung thư, nhưng đồng thời cũng tiêu diệt các tế bào gốc tạo máu của bản thân người bệnh. Nhờ việc ghép (truyền) các tế bào gốc vào, mà tế bào tạo máu phục hồi, sản xuất lại như cũ các tế bào máu, tế bào miễn dịch, từ đó giúp người bệnh khỏi bệnh.
Tuy nhiên, trong ghép tế bào gốc đồng loại, có thể trực tiếp chống lại ung thư. Điều này xảy ra do một cơ chế gọi là “Tế bào ghép chống lại khối u” (hiệu ứng “Ghép chống u”) sau khi tiến hành dị ghép. Cơ chế này xảy ra khi các tế bào bạch cầu từ người hiến tặng tấn công vào tế bào ung thư còn sót lại trong cơ thể bệnh nhân sau những đợt điều trị ung thư với các thuốc liều cao. Qua đó, ghép tế bào gốc còn có khả năng cải thiện hiệu quả của các phương pháp điều trị.
Chữa ung thư bằng tế bào gốc thường được sử dụng cho những người mắc bệnh bạch cầu, ung thư hạch, u nguyên bào Thần kinh và đa u tủy.
3. Tác dụng phụ của ghép tế bào gốc
Trước khi thực hiện ghép tế bào gốc, bệnh nhân thường được điều trị ung thư với hóa trị liều cao, và / hoặc xạ trị. Quá trình này có thể gây ra các tác dụng phụ nguy hiểm, như xuất huyết và tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Khi tiến hành dị ghép tế bào gốc, bệnh nhân có khả năng mắc phải một vấn đề nghiêm trọng gọi là bệnh “Ghép chống chủ”(tế bào ghép chống lại người nhận ghép). Hiện tượng này xảy ra khi các tế bào bạch cầu từ người hiến tặng nhận diện các tế bào trong cơ thể người nhận ghép là “kẻ ngoại lai” và tấn công chúng. Điều này có thể gây tổn hại cho da, gan, ruột và nhiều cơ quan khác của người bệnh, thường xảy ra từ vài tuần sau khi cấy ghép. Tình trạng này được điều trị bằng các thuốc chống thải ghép, như steroid hoặc một số loại thuốc khác nhằm ức chế hệ thống miễn dịch của bệnh nhân.
Tế bào gốc tạo máu của người hiến tặng càng tương đồng với tế bào của người nhận thì càng ít khả năng xảy ra hiện tượng thải ghép. Vì vậy, người hiến tặng nên là người thân trong gia đình, có quan hệ họ hàng với bệnh nhân.
4. Thời gian thực hiện cấy ghép tế bào gốc
Việc chữa trị ung thư bằng ghép tế bào gốc có thể mất đến vài tháng để hoàn thành. Quá trình điều trị ung thư thường bắt đầu bằng việc lập kế hoạch như: Có thể ghép được không, nguồn tế bào gốc để ghép (chuẩn bị tự thân hay đi tìm người cho phù hợp kiểu gen,...), thu thập tế bào gốc đảm bảo cho cuộc ghép, sau đó tiến hành những đợt hóa trị, Xạ trị hoặc kết hợp cả hai. Giai đoạn này diễn ra trong một hoặc hai tuần, sau đó là thời gian nghỉ ngơi.
Tiếp theo, bệnh nhân sẽ nhận được các tế bào gốc tạo máu truyền qua theo đường tĩnh mạch, tương tự như truyền máu. Tuy nhiên, phải mất từ 1 đến 5 tiếng mới nhận được toàn bộ lượng tế bào gốc.
Sau khi nhận được các tế bào gốc, người bệnh bắt đầu giai đoạn phục hồi. Trong thời gian này, các tế bào gốc máu sẽ tạo ra các tế bào máu mới. Có một giai đoạn người bệnh phải ở phòng cách ly, với điều kiện vô trùng và an toàn cao nhất, vì nguy cơ nhiễm trùng, xuất huyết nặng. Ngay cả khi số lượng máu của bệnh nhân đã trở lại bình thường, hệ thống miễn dịch của bệnh nhân cũng phải mất vài tháng để hồi phục hoàn toàn đối với cấy ghép tự thân hoặc từ 1 đến 2 năm đối với dị ghép.
5. Ghép tế bào gốc ảnh hưởng đến bệnh nhân như thế nào?
Cấy ghép tế bào gốc ảnh hưởng đến mọi trường hợp theo những cách khác nhau, phụ thuộc vào:
- Loại cấy ghép được thực hiện
- Liều điều trị đã có trước khi cấy ghép
- Hiệu quả đáp ứng với các phương pháp điều trị liều cao
- Loại ung thư mà bệnh nhân mắc phải và mức độ tiến triển
- Tình hình sức khỏe trước khi cấy ghép
Bác sĩ sẽ theo dõi hiệu quả ghép tế bào gốc bằng cách thường xuyên kiểm tra số lượng máu của bệnh nhân. Khi các tế bào gốc mới được cấy ghép bắt đầu tạo ra các tế bào máu, lượng máu của người nhận ghép sẽ tăng lên.
6. Lưu ý sau khi cấy ghép tế bào gốc
6.1. Chế độ Dinh dưỡng đặc biệt sau ghép
Một số tác dụng phụ bệnh nhân có thể gặp phải trong quá trình điều trị ghép tế bào gốc là chán ăn, khó ăn, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, loét niêm mạc (họng miệng, đường tiêu hóa,...) Thành công của cuộc ghép phụ thuộc rất nhiều vào chế độ Dinh dưỡng đặc biệt dành cho bệnh nhân ghép.
6.2. Vấn đề làm việc trong quá trình cấy ghép tế bào gốc
Việc bệnh nhân có thể làm việc trong quá trình cấy ghép tế bào gốc hay không còn tùy thuộc vào loại công việc cần thực hiện. Toàn bộ quá trình cấy ghép tế bào gốc, cùng với các bước điều trị liều cao với hóa trị, xạ trị và cuối cùng là phục hồi có thể mất đến vài tháng. Bệnh nhân sẽ phải nhập viện nhiều lần trong thời gian này. Ngay cả khi không nằm lại bệnh viện, người bệnh đôi khi cũng phải ở gần đó, thay vì cư trú ở nơi làm việc hoặc nhà riêng cách xa bệnh viện. Do đó, nếu công việc cho phép, bệnh nhân nên thu xếp để làm việc từ xa.
Bài viết tham khảo nguồn: Cancer.gov