1. Các giai đoạn của ung thư vú
Bệnh ung thư vú phát triển qua 5 giai đoạn tính từ giai đoạn 0 đến giai đoạn IV. Ở mỗi một giai đoạn, người bệnh sẽ có một khoảng thời gian kéo dài sự sống khác nhau và cơ hội chữa khỏi bệnh, kích thước khối u và mức độ di căn khác nhau.
- Ở giai đoạn tiền lâm sàng, các tế bào ung thư bắt đầu nhen nhóm xuất hiện, phát triển thành một khối u lớn có kích thước khoảng 1cm, thời gian sống sẽ kéo dài từ 8- 10 năm tùy vào quá trình điều trị và sức khỏe của mỗi người bệnh. Đây là thời điểm quan trọng để chị em phụ nữ khám, tầm soát phát hiện sớm tế bào ung thư vú tại các cơ sở y tế chuyên môn có uy tín, vì việc điều trị sẽ cho kết quả tốt nhất.
- Khi khối u ở vú phát triển từ 1cm lên 2cm là thời điểm giai đoạn thứ 2 của bệnh ung thư vú. Người bệnh hoàn toàn có thể dễ dàng sờ nắn thấy khối u.
- Thời gian phát triển của bệnh sang các giai đoạn tiếp theo khiến khối u tăng diện tích lên 4cm hoặc lớn hơn nhiều. Khi này các tế bào ung thư phát triển mạnh và khả năng điều trị cũng giảm bớt, thời gian sống rút ngắn lại thậm chí là tử vong nếu bệnh nhân không điều trị đúng cách.
2. Bệnh ung thư vú có chữa được không?
Bệnh ung thư vú hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm. Thực tế cho thấy 80% bệnh nhân ung thư vú có cơ hội chữa khỏi bệnh khi phát hiện ở giai đoạn đầu. Tỷ lệ chữa khỏi giảm xuống còn 60% khi ung thư vú chuyển sang giai đoạn thứ 2. Và khi đến các giai đoạn về sau thì cơ hội lại càng giảm xuống và việc điều trị chỉ mang đến tác dụng duy trì sự sống, chứ hoàn toàn không có khả năng chữa khỏi.
Bệnh nhân ung thư vú phát hiện giai đoạn đầu vẫn có thể sống khỏe mạnh đến 20 năm và lâu hơn thế nữa nếu tuân thủ đúng phác đồ điều trị bác sĩ đưa ra. Bởi vậy việc tầm soát, khám định kỳ sức khỏe là điều hết sức quan trọng để phát hiện sức khỏe bản thân.
Nếu ung thư vú được phát hiện sớm ở giai đoạn 0, tỷ lệ sống của người bệnh sau 5 năm lên đến 96%. Và tỷ lệ sống sau 5 năm ở các giai đoạn sau của bệnh giảm dần xuống, cụ thể ở giai đoạn 1 là 92%, 85% ở giai đoạn 2, 67% ở giai đoạn 3. Và nếu người bệnh phát hiện bệnh ở giai đoạn 4 thì tỷ lệ sống sau 5 năm chỉ còn hơn 20%.
3. Đối tượng nào cần tầm soát ung thư vú sớm?
Nữ giới thuộc các trường hợp sau cần tầm soát ung thư vú sớm:
- Phụ nữ từ 30 tuổi trở lên, đặc biệt độ tuổi từ 45- 50
- Phụ nữ có tiền sử cá nhân hoặc có gia đình có người mắc ung thư vú
- Phụ nữ từng tiếp xúc với bức xạ
- Phụ nữ có kinh sớm trước 10 tuổi và mãn kinh muộn sau 55 tuổi
- Phụ nữ không có con, có con đầu lòng trên 35 tuổi, không cho con bú
- Phụ nữ sử dụng các liệu pháp hormone sau mãn kinh
- Phụ nữ có lối sống không lành mạnh, sử dụng rượu bia, chất kích thích thường xuyên
Các đối tượng trên cần chủ động thực hiện sàng lọc ung thư vú hàng định kỳ để phát hiện sớm bệnh và chủ động điều trị, kéo dài thời gian sống.
4. Tầm soát ung thư vú bằng cách nào?
Hiện nay đã có rất nhiều phương pháp y học hiện đại giúp phát hiện sớm chính xác ung thư vú. Chị em phụ nữ cần thực hiện các phương pháp tầm soát ung thư vú sau đây theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Trong đó bao gồm:
- Xét nghiệm lâm sàng: khi xuất hiện các cục u cứng ở vú, tiết dịch núm vú hoặc có sự thay đổi bất thường, chị em cần phải thực hiện các Xét nghiệm lâm sàng dưới sự chỉ định của bác sĩ để có định hướng điều trị tiếp theo
- Chụp X- quang tuyến vú: phát hiện những bất thường nhỏ nhất ở tuyến vú, cũng như sự thay đổi mật độ bất thường hoặc vôi hóa ở vú
- Siêu âm vú: sử dụng khi phát hiện ở một khu vực cụ thể ở vú có những bất thường mà trên ảnh chụp quang tuyến không thể thấy rõ
- Chụp cắt lớp vi tính CT: trong các trường hợp vẫn không thể đưa ra kết luận cụ thể thì bác sĩ có thể chỉ định chụp cắt lớp CT để kiểm tra sâu hơn
- Sinh thiết: lấy sinh thiết tế bào vú tại vùng có bất thường để Xét nghiệm và đưa ra kết luận có phải ung thư vú hay không
5. Các phương pháp điều trị ung thư vú
Phương pháp điều trị tại chỗ cho ung thư vú giai đoạn 2 gồm có phẫu thuật và xạ trị. Các phương pháp này giúp loại bỏ hoặc phá hủy trực tiếp tế bào ung thư bên trong hoặc mô lân cận tuyến vú.
Bác sĩ mổ sẽ phẫu thuật lấy đi toàn bộ khối u và nạo hạch nách. Bác sĩ sẽ thảo luận cùng bạn về phương pháp phẫu thuật tốt nhất và phù hợp nhất với hoàn cảnh của bạn dựa trên giai đoạn bệnh, kích thước khối u, tuổi tác, hoàn cảnh sinh hoạt và mong muốn của bạn.
Nếu khối u nhỏ, bác sĩ có thể chỉ lấy đi một phần tuyến vú có khối u, gọi là phẫu thuật bảo tồn. Với phẫu thuật này, sau đó vài tuần bạn sẽ phải Xạ trị thêm vào tuyến vú.
Với khối u lớn hơn, bạn cũng có thể được cắt bỏ toàn bộ tuyến vú, gọi là phẫu thuật đoạn nhũ. Bạn có thể được tạo hình lại tuyến vú mới ngay trong một cuộc mổ hoặc một thời gian sau cuộc phẫu thuật đoạn nhũ lần đầu bằng cách đặt túi silicon hoặc một phần mô của chính cơ thể bạn. Sau phẫu thuật này, bạn có thể cần hoặc không cần phải xạ vào nền thành ngực, nhưng bạn bắt buộc phải xạ trị vào vùng nách nếu hạch nách bị di căn.
Việc điều trị đa mô thức – kết hợp nhiều phương pháp điều trị đóng vai trò quan trọng ở giai đoạn này. Với ung thư vú giai đoạn 2, bạn cần được phối hợp ít nhất từ 2 phương pháp điều trị trở lên.
Thuốc điều trị tùy thuộc vào nhiều yếu tố như: tuổi tác, kết quả xét nghiệm khối u như tình trạng thụ thể Nội tiết và thụ thể HER-2. Dựa vào đó, bác sĩ sẽ ra toa gồm các loại:
♦ Hóa trị: Bạn có thể được điều trị trước hoặc sau phẫu thuật. Thuốc hóa trị có thể sử dụng qua nhiều cách như đường uống dạng viên hay dạng nước, hoặc dạng tiêm dưới da, nhưng phần lớn là sử dụng đường tiêm tĩnh mạch. Các thuốc hóa trị có nhiều tác dụng phụ, từ nhẹ đến nặng, đôi khi có thể trầm trọng. Do đó, bạn cần thảo luận với bác sĩ về lợi ích cũng như những khó chịu, nguy cơ sẽ gặp phải trong quá trình hóa trị.
♦ Thuốc điều trị nội tiết: Thuốc điều trị nội tiết sau phẫu thuật được sử dụng cho những trường hợp ung thư có thụ thể nội tiết dương tính. Bạn sẽ được uống các thuốc như Tamoxifen, thuốc ức chế Aromatase… kéo dài đến 5 hoặc 10 năm. Tác dụng phụ của thuốc nội tiết thì ít hơn hóa trị, tuy nhiên cũng vẫn có thể có một số biến cố không mong muốn, nếu gặp khó chịu khi uống thuốc nội tiết, bạn cần báo ngay cho bác sĩ của bạn.
♦ Thuốc điều trị sinh học hay thuốc điều trị đích: là loại thuốc mới hiện nay. Khoảng 25% phụ nữ ung thư vú có gia tăng biểu sinh protein HER2 tại khối u làm cho khối u của bạn phát triển và lan tràn rất nhanh. Thuốc sinh học ức chế protein này làm cho tế bào ung thư chậm phát triển và làm cho thuốc hóa trị hiệu quả hơn, do đó các thuốc này thường được sử dụng phối hợp với hóa trị.
Các thuốc hiện tại thường gặp trên thị trường là: Ado-trastuzumab emtansine (Kadcyla), Lapatinib (Tykerb), neratinib (Nerlynx), pertuzumab (Perjeta) và Trastuzumab (Herceptin).
♦ Các thuốc thử nghiệm lâm sàng: Hiện nay một số phụ nữ ung thư vú đang tham gia vào các thử nghiệm lâm sàng. Các thuốc này được thử nghiệm ở những nhóm lớn phụ nữ ung thư vú tham gia nghiên cứu, mục đích để tìm ra những thuốc mới, phương pháp mới hay cách phối hợp mới giúp điều trị bệnh hiệu quả hơn và ít tác dụng phụ hơn. Tuy chưa được khuyến cáo một cách chính thống trong các hướng dẫn điều trị trên thế giới, tuy nhiên bạn cần biết rằng tất cả các thuốc bạn được sử dụng điều trị hiện nay đều bắt nguồn từ các thử nghiệm lâm sàng trước đây.