1. Giới thiệu kỹ thuật chụp cộng hưởng từ
Chụp cộng hưởng từ (MRI) là một kỹ thuật Chẩn đoán hình ảnh hiện đại trong y học ngày nay sử dụng từ trường và sóng radio.
Hình ảnh chụp cộng hưởng từ (MRI) có độ tương phản cao, chi tiết giải phẫu tốt cho phép phát hiện chính xác các tổn thương hình thái, cấu trúc các bộ phận trong cơ thể. Điều này giúp cho các bác sĩ đánh giá chi tiết các tổn thương và chẩn đoán bệnh chính xác, trong nhiều trường hợp là tốt hơn so với các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh khác như siêu âm, X-Quang và chụp cắt lớp CT.
Khả năng tái tạo hình ảnh 3D, không có tác dụng phụ nên đang ngày càng được chỉ định rộng rãi cho nhiều ứng dụng chuyên khoa khác nhau. MRI cho phép phát hiện ra các điểm bất thường ẩn sau các lớp xương mà các phương pháp tạo ảnh khác khó có thể nhận ra. MRI có thể cung cấp nhanh và chuẩn xác hơn so với tia X trong việc chẩn đoán các bệnh về tim mạch.
2.Cộng hưởng từ mật tụy (MRCP) là gì?
Cộng hưởng từ mật tụy hay viết tắt là MRCP (Magnetic Resonance Cholangiopancreatography) là kỹ thuật sử dụng hình ảnh cộng hưởng từ (MRI) để tạo ra hình ảnh của gan, ống dẫn mật, túi mật và tuyến tụy.
Chụp cộng hưởng từ mật tụy (MRCP) còn được gọi là chụp cộng hưởng từ đường mật hoặc chụp MRI đường mật.
Cộng hưởng từ mật - tụy là kỹ thuật có giá trị trong khảo sát bệnh lý đường mật tụy. Cộng hưởng từ mật - tụy là kỹ thuật không xâm phạm có thể so sánh với chụp đường mật - tụy ngược dòng qua Nội soi trong phát hiện và xác định vị trí tắc nghẽn đường mật, phát hiện sỏi mật.
2.1 Chỉ định chụp cộng hưởng từ mật tụy
Về cơ bản, chụp cộng hưởng từ mật tụy chủ yếu được chỉ định cho những trường hợp dưới đây:
Tuyến tụy
● Đánh giá giãn hoặc tắc ống tụy
● Nghi ngờ hoặc phát hiện có bất thường ở ống tụy
● Đánh giá viêm tụy cấp tính biến chứng, viêm tụy mãn tính hoặc viêm tụy nói chung;
● Phát hiện u tụy bằng các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác với đặc trưng hóa các tổn thương nghi ngờ hoặc to lên nhưng không thể giải thích được;
● Theo dõi sau phẫu thuật hoặc điều trị tụy;
● Đánh giá tình trạng Tụ dịch hoặc rò dịch tụy, quanh tụy;
Túi mật, đường mật
● Đánh giá giãn đường mật
● Đánh giá cholangiocarcinoma trước khi phẫu thuật
● Phát hiện và theo dõi sau điều trị Ung thư túi mật hoặc đường mật
● Phát hiện sỏi ở đường mật hoặc túi mật
● Đánh giá trường hợp nghi ngờ có bất thường bẩm sinh ở túi mật hoặc đường mật.
2.2 Ưu điểm của chụp cộng hưởng từ mật tụy
● Không xâm phạm
● Không nhiễm xạ
● Bệnh không cần gây tê
● Xác định tốt hơn đường mật phía trên chỗ tắc nghẽn
● Kết hợp với hình T1W, T2W giúp đánh giá tổn thương ngoài đường mật
3.Cộng hưởng từ mật tụy (MRCP) dùng để làm gì?
3.1 Đường mật và các cấu trúc lân cận
Để tìm hiểu về công dụng của MRCP trước tiên hãy cùng tìm hiểu về đường mật và các cấu trúc lân cận:
Mật được tạo ra trong gan. Gan nằm ở bụng trên phía bên phải. Mật được tiết ra từ tế bào gan và đổ vào các ống dẫn mật nhỏ. Các ống mật nhỏ hợp với nhau thành ống mật lớn hơn và cuối cùng đổ vào ống mật chủ. Dịch mật từ ống mật chủ đổ vào tá tràng (đoạn ruột đầu tiên tiếp sau dạ dày) qua một lỗ mở gọi là nhú tá tràng.
Túi mật nằm phía dưới gan bên phải của vùng bụng trên. Túi mật là nơi cô đặc và dự trữ dịch mật giữa các bữa ăn. Khi bạn ăn, túi mật co bóp để đẩy dịch mật qua ống túi mật vào ống mật chủ qua đó xuống tá tràng để giúp hòa tan và hấp thu chất béo trong thức ăn.
Tụy là 1 tuyến tiết các men tiêu hóa đóng vai trò quan trọng trong việc tiêu hóa mỡ và protein trong thức ăn. Các men tiêu hóa này được tiết từ tế bào tuyến tụy vào các ống tụy nhỏ rồi vào ống tụy chính và đổ vào tá tràng qua nhú tá tràng. Ngoài ra tụy còn tiết ra một số Nội tiết tố (hormone) như insulin, Glucagon tham gia vào quá trình điều hòa đường máu.
3.2 Cộng hưởng từ mật tụy (MRCP) dùng để làm gì?
Cộng hưởng từ mật tụy được dùng để:
● Kiểm tra các bệnh lý về gan, ống mật, túi mật, tuyến tụy như u, sỏi hay viêm nhiễm.
● Tìm nguyên nhân viêm tụy.
● Tìm nguyên nhân gây ra đau bụng.
● Sử dụng như một phương pháp chẩn đoán ít xâm lấn hơn so với nội soi đường mật ngược dòng (ERCP).
MRCP có thể giúp chẩn đoán sự hiện diện của tắc mật và mức độ tắc trong đa số các trường hợp. Sỏi canxi nhỏ dưới 2 mm cũng có thể thấy được. Viêm đường mật xơ hóa Nguyên phát có thể được chẩn đoán từ nhiều chỗ hẹp bất thường nhìn thấy trong ống mật.
Ở bệnh nhân có viêm tụy tái đi tái lại, MRCP có thể được thực hiện để tìm kiếm sỏi, sự phân chia tuyến tụy hoặc chỗ hẹp. Chụp cộng hưởng từ mật tụy có thể được sử dụng để đánh giá sự thay đổi nhu mô do viêm tụy hoặc để nhận biết ung thư tụy.
4. Những lưu ý khi thực hiện MRI ổ bụng
Hiện nay chưa ghi nhận bất kỳ tác dụng phụ nào liên quan khi tiến hành chụp MRI mật tụy. Tuy nhiên, vì máy chụp MRI tạo ra một từ lực rất lớn nên trước khi thực hiện, cần có những lưu ý sau:
● Bệnh nhân đã từng phẫu thuật cấy ghép kim loại như: Cấy van tim nhân tạo, đặt stent mạch vành, kẹp mạch vành...
● Bệnh nhân sợ các nơi chật hẹp, đóng kín, hội chứng sợ lồng kính (Claustrophobia)
● Chứa dị vật kim loại bên trong cơ thể như: Mảnh đạn, nẹp vít trong phẫu thuật xương, răng giả, niềng răng, chỏm xương nhân tạo...
● Có sử dụng các thiết bị hỗ trợ: Máy tạo nhịp tim, máy khử rung tim, máy trợ thính, thiết bị bơm thuốc tự động dưới da (với bệnh nhân điều trị đái tháo đường)...
● Bệnh nhân tâm thần, người có kích thước quá cỡ, trẻ nhỏ nghịch ngợm, không chịu hợp tác.
● Người bệnh lao động trực tiếp trong môi trường khai thác và sản xuất kim loại.
● Phản ứng với thuốc đối quang (rất hiếm)
Phòng khám Vietlife với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm trong khám điều trị, người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm thăm khám và điều trị.