1. Thế nào là thụ tinh ống nghiệm?
Thụ tinh ống nghiệm là một trong những phương pháp hỗ trợ điều trị sinh sản dành cho các cặp vợ chồng hiếm muộn. Phương pháp được thực hiện bằng cách cho tinh trùng và trứng kết hợp với nhau ở bên ngoài cơ thể, thường là trong ống nghiệm và sẽ trở thành phôi thai.
Phôi thai sau khi được hình thành sẽ được đặt vào trong buồng tử cung của người phụ nữ. Phôi tiếp tục làm tổ và phát triển thành thai giống như các trường hợp thụ thai tự nhiên khác.
2. Quy trình thực hiện thụ tinh ống nghiệm
Quy trình thực hiện thụ tinh ống nghiệm được thực hiện như sau:
- Khám tổng quát để đánh giá sức khỏe sinh sản của hai vợ chồng.
- Dựa vào kết quả khám ban đầu để quyết định có đưa ra chỉ định thụ tinh ống nghiệm hay không.
- Người phụ nữ ở ngày thứ 2 của chu kỳ kinh nguyệt sẽ được tiến hành siêu âm và các xét nghiệm nội tiết, đồng thời bắt đầu dùng thuốc để kích thích buồng trứng.
- Bác sĩ tiến hành tiêm thuốc nội tiết tố kích trứng 9 – 12 ngày cho người phụ nữ.
- Trước khi chọc hút noãn từ 36 – 40 giờ, bác sĩ sẽ tiêm thuốc gây rụng trứng.
- Tiến hành chọc hút noãn, ICSI và nuôi cấy phôi.
- Khi phôi hình thành chuyển lại vào tử cung của người phụ nữ ngày 3 – 5.
- Sau 14 ngày chuyển phôi sẽ tiến hành thử thai và siêu âm khi đủ 28 ngày.
3. Xét nghiệm nội tiết E2 trong thụ tinh ống nghiệm
Có thể thấy, xét nghiệm nội tiết là một trong những yếu tố quan trọng góp phần tạo nên sự thành công của phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Với các xét nghiệm nội tiết, bác sĩ có thể đánh giá sức khỏe sinh sản và có phương pháp điều trị phù hợp.
2.1 Xét nghiệm nội tiết E2
E2 hay Estradiol là một loại hormone được tiết ra bởi các tế bào hạt trong buồng trứng. Hormone này hỗ trợ quá trình phát triển của trứng cũng như niêm mạc tử cung. Cùng với progesteron, Estradiol giúp tạo thành kinh nguyệt. Theo đó, giới hạn bình thường của hormone E2 là từ 46 – 607 pmol/L.
Kết quả xét nghiệm nội tiết E2 có thể phản ánh phần nào tình trạng hoạt động của buồng trứng. Những người có chỉ số E2 đầu kỳ thấp thường bị teo hoặc suy buồng trứng. Không chỉ vậy, nồng độ E2 quá thấp còn gia tăng nguy cơ teo niêm mạc tử cung không thể chuyển phôi khiến cho việc Mang thai gặp khó khăn.
Bên cạnh chỉ số E2, còn có các yếu tố khác quyết định đến sự thành công của thụ tinh trong ống nghiệm, bao gồm các chỉ số AMH, FSH, LH,...
2.2 Xét nghiệm FSH
FSH là một hormone kích thích nang được tuyến yên trong Não sản xuất ra. Trong giai đoạn nang trứng của chu kỳ kinh nguyệt, FSH kích thích sự phát triển và trưởng thành của trứng trong buồng trứng. Chỉ số FSH bình thường nằm trong khoảng từ 3,03 – 8,08 mlU/mL.
Xét nghiệm FSH là cần thiết trong thụ tinh ống nghiệm bởi thuốc kích trứng được tiêm vào cơ thể người phụ nữ thực chất chính là thành phần hormone FSH.
Dựa vào kết quả xét nghiệm FSH có thể biết người đó có đang bị suy buồng trứng hay không. Với những người có nồng độ FSH quá thấp thì siêu âm buồng trứng gần như không thấy hình ảnh do buồng trứng đã teo hết.
2.3 Xét nghiệm LH
LH cũng là một hormon được tuyến yên trong Não sản xuất ra. Nồng độ LH cao ở giữa chu kỳ dẫn đến sự rụng trứng. LH cũng là tác nhân kích thích quá trình tiết steroid (chủ yếu là estradiol) tại buồng trứng. Chỉ số LH bình thường nằm trong khoảng từ 2,4 – 12,6 mU/mL.
Nồng độ hormone LH cao chính là dấu hiệu quá trình rụng trứng sẽ diễn ra trong vài ngày tới (thường chỉ 1 – 2 ngày).
2.4 Xét nghiệm AMH
Hiện nay, xét nghiệm AMH là một xét nghiệm nội tiết có độ chính xác cao và có thể thực hiện thay thế cho LH, FSH hay estradiol trong việc đánh giá khả năng dự trữ ở buồng trứng. Xét nghiệm AMH có thể được tiến hành vào bất kỳ thời điểm nào chứ không cần bắt buộc vào ngày 2 hay 3 của kỳ kinh. Chỉ số AMH thông thường nằm trong khoảng từ 2,0 – 6,8 ng/ml.
Nồng độ AMH trong máu cho biết khả năng dự trữ buồng trứng, khả năng sinh sản càng cao khi dự trữ buồng trứng càng tốt. Nếu một người có chỉ số AMH quá thấp thì cần phải tiến hành điều trị tăng AMH để cải thiện chất lượng noãn trước rồi mới có thể xem xét có thụ tinh ống nghiệm được hay không.
Bên cạnh xét nghiệm nội tiết, trước khi làm thụ tinh ống nghiệm thì người bệnh cũng có thể được chỉ định làm một số xét nghiệm khác như xét nghiệm bây lây nhiễm qua đường Tình dục hay siêu âm phụ khoa,...
Với sự tiến bộ của nền y học tiên tiến, xét nghiệm nội tiết được coi là phương pháp đánh giá chính xác nhất tình trạng hoạt động và khả năng dự trữ của buồng trứng. Thông qua các xét nghiệm này, quá trình điều trị vô sinh, hiếm muộn bằng cách thụ tinh ống nghiệm có thể đạt hiệu quả tốt hơn.