Trào ngược dạ dày thực quản: Triệu chứng và biến chứng nguy hiểm

Trào ngược dạ dày thực quản là 1 căn bệnh cực kỳ phổ biến, hay ở lứa tuổi 30 – 50. Đa số các trường hợp mắc trào ngược dạ dày thực quản đều là bệnh nhẹ, ít gây nguy hiểm. Tuy nhiên, tổn thương niêm mạc thực quản do acid trào ngược thực quản có thể tiến triển trên 1/3 số bệnh nhân. Trào ngược acid dạ dày thực quản là nguyên nhân chính dẫn đến phần lớn các triệu chứng gây tổn thương cho niêm mạc thực quản.
Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

1. Triệu chứng của trào ngược dạ dày

  • Ợ nóng là triệu chứng phổ biến nhất. Người bệnh cảm nhận cơn nóng rát ở ngực, bắt đầu từ phía sau xương ức và di chuyển về phía cổ, họng. Hiện tượng này thường xuất hiện sau ăn 30 phút- 2 giờ, nhất là sau bữa ăn có gia vị cay, nóng, rượu, cafein, mỡ, đồ uống có ga. Ợ nóng nhiều hơn khi cúi gập người và khi nằm.
  • Một triệu chứng Trào ngược dạ dày thực quản phổ biến khác là cảm giác thức ăn hoặc nước trào ngược lên cổ họng hoặc miệng, đặc biệt là khi cúi hoặc nằm xuống. Điều này có thể để lại vị đắng ( do trào ngược dịch mật) hoặc vị chua (do trào ngược dịch vị) trong miệng.
  • Bạn cũng có thể gặp một số triệu chứng ít phổ biến hơn, bao gồm đau họng dai dẳng, khàn tiếng, Ho mãn tính, khó nuốt hoặc nuốt đau, hen suyễn, đau ngực không giải thích được, hơi thở hôi, cảm giác một khối u trong cổ họng.

Trào ngược dạ dày thực quản: Triệu chứng và biến chứng nguy hiểm - ảnh 1

Cảm giác thức ăn hoặc nước trào ngược lên cổ họng hoặc miệng

2. Biến chứng nguy hiểm từ trào ngược dạ dày

Phần lớn bệnh nhân bị bệnh trào ngược dạ dày thực quản sẽ không bị các biến chứng nghiêm trọng, đặc biệt là khi điều trị đầy đủ. Tuy nhiên, một số biến chứng nghiêm trọng có thể phát sinh ở những bệnh nhân bị bệnh Trào ngược dạ dày thực quản nặng.

  • Loét - Axit dạ dày rò rỉ vào thực quản có thể làm tổn thương lớp niêm mạc thực quản (viêm thực quản), thậm chí dẫn đến loét thực quản. Các vết loét này có thể chảy máu, gây đau đớn và khó nuốt. Các loại thuốc được sử dụng để điều trị trào ngược dạ dày thực quản, chẳng hạn như thuốc ức chế bơm proton (PPI), có thể giúp vết loét lành bằng cách giảm lượng axit rò rỉ vào thực quản.
  • Hẹp và Sẹo thực quản - pH acid dạ dày có thể làm cho thực quản tổn thương để lại sẹo, gây tắc nghẽn nặng làm thức ăn hoặc thuốc bị kẹt trong thực quản. Các mô Sẹo xuất hiện do thực quản liên tục bị tổn thương và sau đó lành lại trong thực quản khiến thực quản ngày càng hẹp lại, càng làm việc nuốt trở nên khó khăn và đau đớn hơn.
  • Biểu hiện ngoài thực quản - Mòn răng, viêm họng, viêm thanh quản, khàn giọng, loét dây thanh, viêm tai giữa, Ho kéo dài, viêm phổi hoặc các triệu chứng hen suyễn. Sự trào ngược axit mạn tính vào phổi có thể gây tổn thương phổi vĩnh viễn, được gọi là xơ hóa phổi hoặc giãn phế quản.
  • Thực quản Barrett - Thực quản Barrett là tình trạng mô vảy của đoạn dưới thực quản (ngay trên đường Z) bị biến đổi thành mô dạng cột với các tế bào giống như ở ruột (dị sản ruột). Quá trình này thường là kết quả của sự tổn thương liên tục đến lớp lót thực quản, và nguyên nhân phổ biến nhất là do bệnh trào ngược dạ dày thực quản lâu dài. Người ta ước tính khoảng 1 trong 10 người với trào ngược dạ dày thực quản sẽ phát triển thực quản Barrett, thường là sau nhiều năm. Các tế bào đã bị biến đổi này có thể tiềm ẩn nguy cơ trở thành tế bào ung thư. Do đó, những người bị thực quản Barrett được khuyên nên có Nội soi định kỳ để theo dõi các dấu hiệu cảnh báo sớm về ung thư.
  • Ung thư thực quản - Có hai loại ung thư thực quản chính: Ung thư biểu mô tuyến và ung thư biểu mô tế bào vảy. Trong đó, một yếu tố nguy cơ chính của Ung thư thực quản là thực quản Barrett, như đã nói ở trên. Người ta ước tính rằng cứ 10-20 người có thực quản Barrett thì sẽ có 1 người bị Ung thư thực quản sau 10-20 năm.

Trào ngược dạ dày thực quản: Triệu chứng và biến chứng nguy hiểm - ảnh 2

Các triệu chứng của bệnh ung thư thực quản bao gồm:
  • Khó nuốt
  • Giảm cân không rõ nguyên nhân
  • Khó tiêu trong 1 thời gian dài
  • Khàn tiếng
  • Ho, ho dai dẳng
  • Ói mửa

Phẫu thuật điều trị ung thư thực quản có thể thực hiện hiệu quả nếu bệnh được chẩn đoán ở giai đoạn sớm. Vì vậy, hãy đi khám bác sĩ nếu bạn thấy khó nuốt hoặc các triệu chứng nói trên xảy ra dai dẳng.

Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Đã kiểm duyệt nội dung