Tên gọi khác: Đau ngực
Chẩn đoán
Bác sĩ sẽ tiến hành một số xét nghiệm, bao gồm:
Điện tâm đồ (ECG): giúp bác sĩ chẩn đoán cơn nhồi máu cơ tim đã hoặc đang trong quá trình xảy ra bằng cách ghi lại hoạt động điện của tim thông qua các điện cực gắn trên da;
Bác sĩ có thể yêu cầu bạn xét nghiệm máu để kiểm tra mức độ gia tăng của một số enzym trong cơ tim;
Chụp X-quang ngực sẽ cho phép các bác sĩ kiểm tra tình trạng của phổi, kích thước, hình dạng tim và mạch máu lớn. Hơn nữa, bác sĩ có thể nhận ra vấn đề về viêm phổi hoặc phổi bị xẹp;
Chụp cắt lớp vi tính (CT scan) giúp tìm kiếm máu đông trong phổi hoặc kiểm tra động mạch chủ để đảm bảo bạn không bị bóc tách động mạch chủ.
Tùy thuộc vào kết quả từ những xét nghiệm, bạn có thể phải theo dõi và làm thêm một số xét nghiệm kiểm tra khác như:
Siêu âm tim: sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh động khi tim đang bơm máu. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể siêu âm tim qua thực quản bằng cách đưa đầu dò siêu âm luồn qua hầu họng đến thực quản. Siêu âm tim bằng phương pháp này giúp bác sĩ có thể nhìn rõ hơn một số vùng của tim;
Chụp cắt lớp vi tính (CT scan):bác sĩ có thể dùng nhiều loại CT scan khác nhau để kiểm tra các động mạch cung cấp máu cho tim. Bác sĩ sẽ tìm các dấu hiệu của lắng đọng canxi, thường là khu vực động mạch bị nghẽn từ những hình ảnh này;
Xét nghiệm tim gắng sức: cho bác sĩ biết hệ tim mạch sẽ đáp ứng như thế nào với tình trạng vận động mạnh, xét nghiệm này sẽ tìm ra được nguyên nhân của những cơn đau ngực liên quan đến tim. Tùy thuộc vào tình trạng của bạn sẽ có rất nhiều loại xét nghiệm tim gắng sức khác nhau;
Chụp động mạch vành: xét nghiệm này giúp bác sĩ xác định động mạch cung cấp máu cho tim có hẹp hoặc tắt không. Bác sĩ cũng tiêm chất cản quang vào các động mạch này thông qua ống thông. Khi động mạch chứa đầy chất cản quang, hình ảnh của nó sẽ hiện rõ trên màn hình chiếu X-quang.
Tổng quan
Đau ngực là bệnh gì?
Đau ngực là cảm giác bóp nghẹt hoặc nóng rát ở ngực. Một số trường hợp, cơn đau lan lên cổ, tới hàm, sau lưng và một hoặc cả hai tay.
Nhiều nguyên nhân gây ra đau ngực. Nếu liên quan đến tim hoặc phổi, bệnh sẽ rất nguy hiểm. Bạn nên đến khám bác sĩ để được kiểm tra cẩn thận vì rất khó xác định nguyên nhân gây bệnh.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh đau ngực là gì?
Một số triệu chứng của bệnh đau ngực bao gồm:
Nặng ngực;
Cảm giác cơn đau như đè ép hoặc xé ở sau lưng, cổ, hàm, vai và cánh tay, đặc biệt là tay trái;
Đau hơn một vài phút và sẽ tăng khi hoạt động thể lực. Cơn đau có thể tự hết và xuất hiện trở lại;
Khó thở;
Vã mồ hôi lạnh;
Cảm thấy yếu và chóng mặt;
Buồn nôn hoặc nôn;
Ợ chua;
Khó nuốt;
Cơn đau có thể giảm hoặc tồi tệ hơn khi bạn thay đổi vị trí cơ thể;
Đau nặng thêm khi bạn hít thở sâu hoặc ho;
Đau khi bạn ấn vào ngực.
Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Bạn nên được cấp cứu nếu cơn đau ngực có các tính chất sau:
Cảm giác đè, ép, hoặc nghiền đột ngột trước xương ức;
Đau ngực lan đến xương hàm, cánh tay trái hoặc sau lưng;
Đau ngực đột ngột kèm khó thở, đặc biệt khi bạn đang nghỉ ngơi;
Buồn nôn, chóng mặt, tim đập nhanh hoặc thở nhanh, lơ mơ, lú lẫn, mặt tái mét hoặc đổ mồ hôi quá nhiều;
Huyết áp rất thấp hoặc nhịp tim rất chậm.
Trong trường hợp bạn mới bị đau ngực nhưng không rõ lí do, vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau. Vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.
Nguyên nhân
Những nguyên nhân nào gây ra bệnh đau ngực?
Cơn đau ngực do tim gây ra như là:
Nhồi máu cơ tim: xảy ra khi cục máu đông ngăn máu chảy tới cơ tim;
Đau thắt ngực: do mảng xơ vữa tích tụ trong mạch máu làm hẹp lòng mạch;
Bóc tách động mạch chủ: tình trạng này do các lớp động mạch chủ bị tách ra, máu sẽ len lỏi vào các lớp trong thành của động mạch chủ, nếu tình trạng này tiếp diễn sẽ gây vỡ động mạch chủ;
Viêm màng ngoài tim: do màng bao bên ngoài tim bị viêm, cơn đau sẽ nặng hơn khi bạn hít vào hoặc khi nằm xuống.
Cơn đau ngực liên quan đến tiêu hóa, chẳng hạn như :
Chứng ợ nóng: xảy ra khi axit dạ dày trào ngược lên thực quản (ống tiêu hóa nối họng đến dạ dày);
Rối loạn nuốt: rối loạn thực quản sẽ gây khó khăn, thậm chí đau đớn đối với hoạt động nuốt.
Bệnh túi mật hoặc tụy: sỏi mật, viêm túi mật hoặc bệnh tuyến tụy có thể gây đau bụng và lan đến ngực.
Cơn đau ngực do cơ bắp và xương, bao gồm :
Viêm sụn sườn: sụn của khung xương sườn, đặc biệt là sụn sườn gắn với xương ức, sẽ trở nên đau khi viêm;
Đau cơ: những rối loạn ở cơ và khớp có thể gây đau kéo dài;
Gãy xương sườn: cũng có thể gây đau ngực;
Nhiều bệnh phổi có thể gây ra đau ngực, chẳng hạn như:
Thuyên tắc động mạch phổi do cục máu đông, ngăn chặn máu lưu thông đến mô phổi;
Màng phổi bị viêm có thể gây đau ngực và cơn đau sẽ nặng hơn khi bạn hít vào hoặc ho;
Đau ngực do một bên phổi bị tổn thương thường bắt đầu đột ngột và có thể kéo dài trong nhiều giờ;
Cao huyết áp cũng có thể gây đau ngực.
Những nguyên nhân khác gây bệnh đau ngực, bao gồm :
Bệnh về tâm lý: nếu tâm trạng sợ hãi hoảng loạn có thể kèm theo đau ngực, nhịp tim nhanh, thở nhanh, ra mồ hôi, khó thở, buồn nôn, chóng mặt;
Bệnh zona: do virus thủy đậu tái hoạt và có thể gây đau, xuất hiện các bóng nước trên ngực hoặc lưng.
Nguy cơ mắc phải
Những ai thường mắc bệnh đau ngực ?
Đau ngực xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng bệnh hiếm khi liên quan đến tim hoặc đe dọa tính mạng. Bạn có thể kiểm soát bệnh bằng cách giảm các yếu tố nguy cơ. Hãy thảo luận với bác sĩ để biết thêm thông tin.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh đau ngực ?
Có bốn lý do làm tăng khả năng bị đau ngực của bạn, bao gồm tuổi tác, hút thuốc lá, lối sống không lành mạnh và di truyền.
Phòng ngừa
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế bệnh đau ngực?
Bạn nên khám sức khỏe tổng quát hằng năm để phát hiện các vấn đề ngay khi chúng mới xuất hiện. Khi các triệu chứng xảy ra, bệnh đã ở giai đoạn trễ hoặc thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Đau ngực do bệnh lý tim mạch như thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim, phình động mạch chủ có thể phòng ngừa được bằng cách thay đổi lối sống ngay từ khi còn trẻ. Tập luyện thể thao ít nhất 30 phút mỗi ngày; chế độ ăn ít mỡ, nhiều rau xanh và trái cây; tránh xa rượu bia thuốc lá; tránh ăn mặn và kiểm soát tốt huyết áp là những biện pháp phòng tránh xơ vữa mạch máu đã được công nhận là hiệu quả. Nguyên nhân đau ngực rất đa dạng, do đó bạn hãy đến khám bác sĩ ngay khi có những dấu hiệu bất thường để kịp thời chẩn đoán và điều trị. Bạn có thể thảo luận thêm với bác sĩ để nhận biết những trường hợp đau ngực nguy hiểm để mình hoặc người thân có thể kịp thời đến viện cấp cứu. Những phương tiện xét nghiệm hình ảnh cao cấp như CT scan, chụp mạch vành đôi khi cần thiết để giúp loại trừ những bệnh nguy hiểm như thuyên tắc động mạch phổi, phình động mạch chủ, nhồi máu cơ tim.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
Điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế, vậy nên tốt nhất là bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh đau ngực?
Bác sĩ sẽ tiến hành một số xét nghiệm, bao gồm:
Điện tâm đồ (ECG): giúp bác sĩ chẩn đoán cơn nhồi máu cơ tim đã hoặc đang trong quá trình xảy ra bằng cách ghi lại hoạt động điện của tim thông qua các điện cực gắn trên da;
Bác sĩ có thể yêu cầu bạn xét nghiệm máu để kiểm tra mức độ gia tăng của một số enzym trong cơ tim;
Chụp X-quang ngực sẽ cho phép các bác sĩ kiểm tra tình trạng của phổi, kích thước, hình dạng tim và mạch máu lớn. Hơn nữa, bác sĩ có thể nhận ra vấn đề về viêm phổi hoặc phổi bị xẹp;
Chụp cắt lớp vi tính (CT scan) giúp tìm kiếm máu đông trong phổi hoặc kiểm tra động mạch chủ để đảm bảo bạn không bị bóc tách động mạch chủ.
Tùy thuộc vào kết quả từ những xét nghiệm, bạn có thể phải theo dõi và làm thêm một số xét nghiệm kiểm tra khác như:
Siêu âm tim: sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh động khi tim đang bơm máu. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể siêu âm tim qua thực quản bằng cách đưa đầu dò siêu âm luồn qua hầu họng đến thực quản. Siêu âm tim bằng phương pháp này giúp bác sĩ có thể nhìn rõ hơn một số vùng của tim;
Chụp cắt lớp vi tính (CT scan):bác sĩ có thể dùng nhiều loại CT scan khác nhau để kiểm tra các động mạch cung cấp máu cho tim. Bác sĩ sẽ tìm các dấu hiệu của lắng đọng canxi, thường là khu vực động mạch bị nghẽn từ những hình ảnh này;
Xét nghiệm tim gắng sức: cho bác sĩ biết hệ tim mạch sẽ đáp ứng như thế nào với tình trạng vận động mạnh, xét nghiệm này sẽ tìm ra được nguyên nhân của những cơn đau ngực liên quan đến tim. Tùy thuộc vào tình trạng của bạn sẽ có rất nhiều loại xét nghiệm tim gắng sức khác nhau;
Chụp động mạch vành: xét nghiệm này giúp bác sĩ xác định động mạch cung cấp máu cho tim có hẹp hoặc tắt không. Bác sĩ cũng tiêm chất cản quang vào các động mạch này thông qua ống thông. Khi động mạch chứa đầy chất cản quang, hình ảnh của nó sẽ hiện rõ trên màn hình chiếu X-quang.
Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh đua ngực?
Có nhiều nguyên nhân gây đau ngực. Một số loại thuốc thường gặp nhất dùng để điều trị nguyên nhân gây đau ngực bao gồm:
Thuốc giãn mạch: nitroglycerin là loại thuốc ngậm dưới lưỡi, có tác dụng làm giãn các mạch máu để giúp máu có thể lưu thông dễ dàng qua các không gian hẹp. Một số loại thuốc huyết áp cũng có tác dụng giãn mạch;
Aspirin: nếu bác sĩ nghi ngờ đau ngực có liên quan đến bệnh tim, bạn sẽ được sử dụng aspirin;
Thuốc tiêu sợi huyết: nếu đang bị nhồi máu cơ tim, bác sĩ sẽ cho bạn dùng thuốc tiêu sợi huyết để làm tan cục máu đông;
Thuốc kháng đông: nếu bạn có máu đông trong động mạch tim hoặc phổi, bác sĩ sẽ chỉ định bạn dùng các loại thuốc ức chế đông máu để giúp ngăn chặn cục máu đông hình thành hoặc phát triển to hơn;
Thuốc ức chế tiết axit: nếu nguyên nhân gây đau ngực là do axit dạ dày trào ngược lên thực quản, các bác sĩ có thể cho bạn uống các thuốc làm giảm lượng axit trong dạ dày;
Thuốc chống trầm cảm: nếu bạn đang hoảng loạn, bác sĩ có thể kê toa thuốc chống trầm cảm để giúp kiểm soát các triệu chứng.
Bác sĩ có thể tiến hành phẫu thuật và các thủ thuật khác để điều trị đau ngực, chẳng hạn như:
Nong mạch vành: bác sĩ thực hiện thủ thuật này trong trường hợp đau ngực do tắt nghẽn động mạch tim. Các bác sĩ sẽ chèn ống nhỏ vào trong mạch máu lớn ở đùi và luồn nó đến chỗ tắc nghẽn. Sau đó, họ sẽ nong rộng các động mạch bằng cách bơm quả bóng ở đầu ống thông. Trong nhiều trường hợp, bác sĩ có thể đặt lưới thép nhỏ để nâng đỡ chỗ hẹp, không cho động mạch hẹp lại;
Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành: trong phẫu thuật này, bác sĩ sẽ lấy mạch máu từ một phần khác của cơ thể để tạo ra con đường khác giúp máu lưu thông qua chỗ bị chặn;
Phẫu thuật sửa chữa động mạch bị bóc tách: bạn cần phải phẫu thuật khẩn cấp để trị bóc tách động mạch chủ – tình trạng đe dọa tính mạng có thể dẫn đến vỡ động mạch chủ (động mạch mang máu từ tim của bạn đến phần còn lại của cơ thể);
Làm nở phổi: nếu phổi bị xẹp, các bác sĩ có thể chèn ống vào ngực của bạn để rút và làm phổi nở ra lại