Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Bị nấc khi mắc bệnh trào ngược dạ dày

08/06/2021
Bị nấc khi mắc bệnh trào ngược dạ dày

Nấc là một triệu chứng thường gặp ở người mắc bệnh trào ngược dạ dày. Thông thường nấc chỉ diễn ra trong vòng vài phút tuy nhiên cũng có trường hợp kéo dài trong 1-2 ngày, cá biệt có trường hợp trào ngược dạ dày bị nấc kéo dài nhiều năm.

1. Vì sao bị nấc khi trào ngược dạ dày?

Nấc xảy ra khi có sự co thắt ngoài ý muốn của cơ hoành, một cơ nằm giữa ngực và bụng. Khi cơ hoành co thắt, dây âm thanh sẽ bị đóng lại nhanh gây ra âm thanh đặc trưng của nấc. Nấc là phản ứng tự nhiên của cơ thể, bất kỳ ai cũng sẽ bị nấc nhiều lần trong đời. Thông thường nấc chỉ diễn ra trong vòng vài phút tuy nhiên cũng có trường hợp kéo dài trong 1-2 ngày, cá biệt có trường hợp nấc kéo dài nhiều năm. Tần số Nấc cũng rất khác nhau giữa khác trường hợp, dao động từ 2 đến 60 lần mỗi phút.

Nếu nấc chỉ xảy ra trong vài phút tới dưới 24 giờ thì đây là hiện tượng bình thường, có thể do các nguyên nhân như nuốt thức ăn quá nhanh, lượng không khí nuốt vào dạ dày quá nhiều, thiếu nước, thiếu cân bằng điện giải, uống quá nhiều đồ uống có cồn, dùng thức uống lạnh khi ăn đồ nóng, cười lớn, ho,...Hiện tượng này không ảnh hưởng đến sức khỏe và không cần bất cứ can thiệp nào. Có thể áp dụng một số mẹo dân gian để rút ngắn thời gian nấc. Tuy nhiên nếu nấc kéo dài hơn 48 giờ hoặc tái phái theo chu kỳ thì nấc có thể do nguyên nhân bệnh lý.

Nấc là một hiện tượng thường gặp ở bệnh nhân mắc bệnh trào ngược dạ dày. Người mắc trào ngược dạ dày bị nấc do dịch dạ dày khi trào ngược từ dạ dày lên thực quản, bị ợ nóng, đầy hơi kích thích cơ hoành co thắt gây nấc. Ngoài nấc, người bệnh sẽ có các triệu chứng đặc trưng của Trào ngược dạ dày thực quản như ợ hơi, ợ nóng, ợ chua, nóng cồn cào trong bụng, khó nuốt, đau tức ngực, khàn giọng, ho, buồn nôn, nôn, đắng miệng,...

Bị nấc khi mắc bệnh trào ngược dạ dày - ảnh 1
Bệnh nhân Trào ngược dạ dày thực quản có thể bị đau ngực hoặc khó nuốt

2. Trào ngược dạ dày bị nấc phải làm gì?

2.1. Điều trị bệnh trào ngược dạ dày

Triệu chứng nấc ngoài gây cảm giác mệt mỏi, khó chịu thì không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Nhưng nếu nguyên nhân gây nấc là trào ngược dạ dày không được kiểm soát tốt thì có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm Loét dạ dày thực quản, hẹp thực quản, bệnh Barrett thực quản, ung thư thực quản,...Điều trị triệt để bệnh trào ngược dạ dày là vô cùng cần thiết, khi bệnh được kiểm soát tốt, nấc và các triệu chứng khác của bệnh sẽ được cải thiện.

Việc điều trị trào ngược dạ dày là sự kết hợp giữa điều trị nội khoa bằng thuốc và thay đổi lối sống. Quá trình điều trị thường kéo dài, để việc điều trị đạt kết quả tốt, người bệnh phải tuyệt đối tuân thủ sự hướng dẫn của bác sĩ.

Thay đổi lối sống bao gồm các biện pháp như:

  • Tránh dùng các sử dụng các thực phẩm và thức uống như: cà phê, chocolate, nước chanh, nước uống có gas, giấm, cà chua,...
  • Tránh ăn ít nhất 2 giờ trước khi đi ngủ, nằm đầu cao khi ngủ.
  • Chia nhỏ ra nhiều bữa ăn, không nên ăn quá no.
  • Không nên lao động, tập luyện, cúi người ra trước sau khi ăn.
  • Ngưng hút thuốc lá, tránh tăng cân.
  • Không xiết hoặc mặc quần áo quá chật.

Các thuốc thường được sử dụng để điều trị trào ngược dạ dày gồm:

  • Nhóm thuốc trung hòa acid: giúp giảm nhanh triệu chứng, uống sau ăn 1-3 giờ để đạt hiệu quả tốt nhất. Loại hiện được sử dụng nhiều nhất là dạng thuốc phối hợp giữa nhôm hydroxyd và magie hydroxyd, thuốc có nhiều dạng bào chế như dạng viên nén, dạng gel, bột cốm,...
  • Nhóm thuốc ức chế bơm proton gồm các thuốc như Omeprazol, Lantoprazol, Pantoprazol, Esomeprazol,... Liều chuẩn là 1 viên/ngày, uống trước ăn 30 phút, dùng trong 4-8 tuần. Nếu bệnh nhân không đáp ứng điều trị, có thể tăng liều dùng gấp đôi trong 4-8 tuần. Nếu tình trạng bệnh nhân tiến triển tốt sau 4-8 tuần điều trị, bác sĩ có thể áp dụng các phương pháp hạ bậc điều trị như giảm liều, dùng thuốc khi cần thiết hoặc ngưng sử dụng.
  • Nhóm thuốc ức chế thụ thể H2 như Ranitidin, Cimetidin, Famotidin,...có tác dụng tốt trong trào ngược dạ dày thể nhẹ và trung bình. Liều thường dùng là 1 viên x 2 lần/ngày, uống trước ăn 15-30 phút.

Nếu điều trị bằng thuốc kết hợp thay đổi lối sống không mang lại hiệu quả, bệnh nhân có thể được chỉ định phẫu thuật ngoại khoa để chống trào ngược. Phương pháp thường được áp dụng là phẫu thuật Nissen qua Nội soi ổ bụng, hiệu quả chống trào ngược của phương pháp này là 80-90%.

Bị nấc khi mắc bệnh trào ngược dạ dày - ảnh 2
Hạn chế tăng cân là một trong những cách điều trị trào ngược thực quản

2.2. Một số phương pháp giúp kiểm soát nấc hiệu quả

Khi người bệnh trào ngược dạ dày bị nấc, để rút ngắn những cơn nấc kéo dài gây mệt mỏi, khó chịu, người bệnh có thể áp dụng một số phương pháp sau đây:

  • Uống từng ngụm nước nhỏ: Đây là phương pháp được lưu truyền lâu đời trong dân gian, giúp ngăn chặn hiệu quả những cơn nấc cụt. Uống từng ngụm nước nhỏ làm những cơn co thắt cơ hoành bị ngắt quãng, cơ hoành không co thắt làm chấm dứt nhanh chóng cơn nấc.
  • Điều chỉnh hơi thở: đây cũng là một trong những phương pháp thường được áp dụng. Hít vào một hơi thật sâu, nín thở trong khoảng 15 giây, sau đó nhẹ nhàng thở ra.
  • Bịt tai: Dùng hai ngón tay trỏ bịt chặt tai trong khoảng ba phút, sau đó uống một ngụm nước lạnh. Việc bịt tai liên tục giúp thay đổi áp lực ở khoang ngực, nước lạnh giúp thay đổi đột ngột nhiệt độ. Hai tác động này giúp chặn các cơn co thắt của cơ hoành, giúp kiểm soát cơn nấc.
  • Ngửi tiêu bột để gây hắt hơi giúp ngăn cơn co thắt cơ hoành và gây rối loạn nhịp thở tại thời điểm đó, giúp kiểm soát nhanh chóng cơn nấc.

Ngoài ra, có thể áp dụng các biện pháp Tâm lý như cố gắng tập trung vấn đề gì đó thật phức tạp hoặc lý thú như giải một bài toán, xem bóng đá, bóng chuyền,... cũng có thể làm giảm nấc cụt.