Mục lục:

Trào ngược mật: Nguyên nhân, triệu chứng

Trào ngược mật xảy ra thường liên quan đến rối loạn trong hoạt động của van môn vị và cơ thắt thực quản. Triệu chứng của trào ngược mật tương tự với trào ngược dạ dày như đau vùng bụng trên, ợ nóng, nôn, buồn nôn.
Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

1. Tổng quát

Trào ngược mật xảy ra khi mật - một chất lỏng có tác dụng tiêu hóa thức ăn được sản xuất tại gan trào ngược vào dạ dày, hầu họng và thực quản.

Trào ngược dịch mật có thể xảy ra cùng lúc với trào ngược axit dạ dày vào thực quản. Trào ngược dạ dày có thể dẫn đến bệnh trào ngược dạ dày - thực quản (GERD), làm tăng nguy cơ gây viêm mô thực quản (viêm thực quản).

Trào ngược dịch mật và trào ngược axit dạ dày là 2 bệnh riêng biệt. Mật thường bị nghi ngờ có liên quan đến GERD khi mọi người phản ứng không đặc trưng hoặc hoàn toàn không dùng thuốc ức chế axit mạnh. Nhưng có rất ít bằng chứng xác định chính xác ảnh hưởng của trào ngược mật ở người.

Không giống như trào ngược axit dạ dày, trào ngược dịch mật không thể được kiểm soát hoàn toàn bởi những thay đổi trong chế độ ăn uống hoặc lối sống. Điều trị được thực hiện bằng thuốc hoặc trong trường hợp nghiêm trọng là phẫu thuật.

2. Triệu chứng

Các dấu hiệu và triệu chứng của trào ngược mật là tương tự với trào ngược axit dạ dày, và hai bệnh có thể xảy ra cùng một lúc. Cụ thể:

  • Đau vùng bụng trên, có thể đau ở mức độ nghiêm trọng
  • Chứng ợ nóng thường xuyên, cảm giác nóng rát ở ngực đôi khi lan đến cổ họng, cùng với vị chua trong miệng
  • Buồn nôn
  • Nôn ra một chất lỏng màu vàng xanh (mật)
  • Thỉnh thoảng Ho hoặc khàn giọng
  • Giảm cân
Trào ngược mật: Nguyên nhân, triệu chứng - ảnh 1
Đau vùng bụng trên là triệu chứng của trào ngược mật

3. Nguyên nhân

Mật là một chất lỏng màu vàng lục rất cần thiết cho việc tiêu hóa chất béo và loại bỏ các tế bào hồng cầu đã bị thoái hóa và một số độc tố khỏi cơ thể. Mật được sản xuất trong gan và được lưu trữ trong túi mật.

Thức ăn có chứa một lượng nhỏ chất béo kích thích túi mật giải phóng mật, chảy qua hai ống nhỏ (ống túi mật và ống mật chung) vào phần trên của ruột non (tá tràng).

3.1 Trào ngược dịch mật vào dạ dày

Mật đổ vào tá tràng, hòa vào thức ăn và được đẩy xuống ruột non nhờ lực đẩy của van môn vị - vòng cơ dày nằm ở phần cuối dạ dày. Van môn vị thường chỉ mở một ít đủ để giải phóng khoảng 1/8 ounce (khoảng 3,5 ml) thực phẩm hóa lỏng tại một thời điểm, không đủ rộng để cho phép dịch tiêu hóa trào ngược vào dạ dày. Đa số trường hợp trào ngược mật xảy ra là do chức năng van môn vị bị rối loạn. Việc trào ngược này có thể dẫn đến viêm niêm mạc dạ dày (viêm dạ dày trào ngược dịch mật).

3.2 Trào ngược dịch mật vào thực quản

Mật và axit dạ dày trào ngược lên thực quản là do rối loạn chức năng của cơ thắt thực quản dưới - cơ ngăn cách thực quản và dạ dày. Thông thường, van chỉ mở trong thời gian ngắn đủ cho thức ăn từ thực quản xuống dạ dày. Tuy nhiên, khi van yếu đi và co giãn bất thường, mật có thể trào lên thực quản.

3.3 Nguyên nhân gây trào ngược dịch mật

Trào ngược dịch mật có thể do:

  • Biến chứng phẫu thuật: Phẫu thuật dạ dày, bao gồm cắt bỏ hoàn toàn dạ dày (cắt dạ dày) và phẫu thuật Cắt dạ dày để giảm cân có thể gây trào ngược dịch mật.
  • Loét dạ dày: Loét dạ dày có thể làm van môn vị mở không đủ lâu để thức ăn trôi xuống tá tràng. Thức ăn bị ứ đọng trong dạ dày có thể dẫn đến tăng áp lực dạ dày, tăng nguy cơ dịch mật và axit dạ dày tràn vào thực quản.
  • Phẫu thuật cắt túi mật: Những người đã cắt bỏ túi mật có nguy cơ trào ngược mật cao hơn nhiều so với những người chưa phẫu thuật.
Trào ngược mật: Nguyên nhân, triệu chứng - ảnh 2
Loét dạ dày có thể là nguyên nhân gây trào ngược dịch mậ

4. Biến chứng

Viêm dạ dày trào ngược mật có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày. Sự kết hợp giữa trào ngược mật và axit dạ dày cũng làm tăng nguy cơ mắc một số biến chứng sau:

  • GERD: GERD xảy ra là do axit dư thừa. Trào ngược mật được xác định là có liên quan, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng của nó đến trào ngược axit dạ dày vẫn chưa được xác định rõ.
  • Barrett thực quản: Barrett xảy ra khi dạ dày tiếp xúc trong thời gian dài với axit dạ dày và axit mật, gây ra tổn thương các mô ở thực quản dưới. Các tế bào thực quản bị tổn thương có nguy cơ tiến triển thành ung thư.
  • Ung thư thực quản: Ung thư thực quản thường ít khi được chẩn đoán kịp thời ở giai đoạn sớm. Mối liên hệ giữa trào ngược mật, trào ngược axit dạ dày với Ung thư thực quản vẫn còn gây tranh cãi. Trong các nghiên cứu trên động vật đã chứng minh trào ngược mật có liên quan đến ung thư thực quản.

Bài viết tham khảo nguồn: Mayoclinic.org

Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Đã kiểm duyệt nội dung