1. Nguyên nhân trẻ bị Viêm tiểu phế quản cấp
- Viêm tiểu phế quản cấp là bệnh do virus gây ra, nguyên nhân chiếm đa số là tác nhân virus Hô hấp hợp bào (RSV: respiratory syncytial virus), chiếm tới 2/3 các trường hợp và có thể gây thành dịch.
- Ngoài ra còn phải kể đến Adenovirus, một tác nhân gây bệnh cảnh viêm tiểu phế quản cấp nặng hơn, kéo dài hơn và có khả năng diễn tiến thành viêm tiểu phế quản cấp tắc nghẽn (đặc biệt các type 3, 7, 21).
- Một số loại virus khác cũng gây viêm tiểu phế quản cấp như: parainfluenza virus, influenza virus, rhinovirus, human metapneumovirus, bocavirus, enterovirus, ...
Adenovirus là một những tác nhân chính gây Tình trạng viêm tiểu phế quản cấp ở trẻ nhỏ
2. Trẻ nhỏ bị viêm tiểu phế quản cấp bao lâu thì khỏi?
- Là bệnh lý do virus gây ra nên với các trẻ bình thường, nếu được chăm sóc và điều trị hỗ trợ đúng cách, bệnh sẽ tự giới hạn trong vòng 1- 2 tuần và đa số có thể điều trị và chăm sóc tại nhà. Các triệu chứng khò khè có thể kéo dài từ một đến bốn tuần
- Tuy nhiên, vấn đề quan trọng cần lưu ý trong giai đoạn viêm tiểu phế quản cấp, cơ thể trẻ đặc biệt là phổi, rất dễ bị bội nhiễm với các vi khuẩn khác dẫn đến tổn thương phổi và kéo dài thời gian lành bệnh. Đặc biệt là với trẻ nhỏ, Sinh non và có các bệnh lý nền đi kèm như bệnh Tim bẩm sinh (đặc biệt là Tim bẩm sinh tím, bệnh tim có kèm tăng áp phổi), bệnh phổi mãn tính, bệnh thần kinh-cơ, suy giảm miễn dịch, bất thường nhiễm sắc thể. Vì vậy các bậc phụ huynh nên đặc biệt lưu ý vấn đề chăm sóc trẻ đúng cách và nhận diện dấu hiệu nặng cho trẻ.
3. Cách chăm sóc trẻ bị viêm tiểu phế quản cấp
Đa số trẻ viêm tiểu phế quản cấp có thể điều trị tại nhà, nhưng cha mẹ cần lưu ý đưa trẻ tới bệnh viện thăm khám và nhập viện ngay khi có 1 trong các dấu hiệu:
- Trẻ dưới 3 tháng tuổi.
- Trẻ có tiền sử sinh non, nhất là dưới 32 tuần.
- Có bệnh nền: bệnh tim bẩm sinh (đặc biệt là tim bẩm sinh tím, bệnh tim có kèm tăng áp phổi), bệnh phổi mãn tính, bệnh thần kinh-cơ, suy giảm miễn dịch, bất thường nhiễm sắc thể.
- Suy Dinh dưỡng nặng.
- Trẻ có tím tái, thở co lõm lồng ngực, thở nhanh trên 70 lần / phút
- Bỏ bú / bú kém, không uống được
- Có dấu hiệu mất nước, không tiểu ướt tã trong vòng 12 giờ
Cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời
Với những trẻ có thể điều trị tại nhà, gia đình cần đảm bảo:
- Cho trẻ uống thuốc theo toa của bác sĩ nhằm hỗ trợ triệu chứng, nâng đỡ thể trạng của trẻ.
- Cho trẻ uống đủ nước theo nhu cầu và bù lượng nước đã thiếu trong những ngày trước đó. Tuy nhiên, không ép trẻ uống quá no trong 1 lần, cha mẹ có thể chia nhỏ cữ nhằm tránh nôn ói gây tăng nguy cơ hít sặc cho trẻ.
- Luôn giữ cho môi trường xung quanh trẻ được thoáng mát, sạch sẽ.
- Cho trẻ cách ly với các trẻ khỏe mạnh cũng như bị bệnh khác.
- Hạn chế người thăm nuôi và chăm sóc trẻ.
- Rửa tay trước khi chăm sóc trẻ là biện pháp đơn giản và quan trọng nhất