1. Bệnh suy thận mạn là gì?
Suy thận mạn tính là bệnh lý thể hiện sự mất dần các chức năng hoạt động của thận, khi bệnh đến giai đoạn phát triển thì quá trình lọc chất thải và chất lỏng dư thừa ra khỏi máu bị đình trệ, dẫn đến hệ quả là chất lỏng chất điện giải và chất thải trong cơ thể bị tích tụ. Khi tình trạng bệnh lý kéo dài sẽ gây nên tổn thương suy thận mạn tính.
Những bệnh nhân mắc phải bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp sẽ có nguy cơ mắc bệnh suy thận mạn tính cao hơn người bình thường. Ngoài ra, nguyên nhân gây bệnh suy thận mạn tính còn là do: Viêm thận kẽ, viêm cầu thận, bệnh thận đa nang, tắc nghẽn đường tiết niệu, từ các tình trạng như sỏi thận, phì đại tuyến tiền liệt, phản ứng trào ngược, rối loạn Tự miễn dịch Lupus ban đỏ hệ thống...
2. Triệu chứng của bệnh suy thận mạn tính
Thận là bộ phận nội tạng đóng vai trò quan rất trọng trong cơ thể, giúp lọc máu, cân bằng nội môi, cân bằng điện giải, điều hòa áp suất thẩm thấu, đào thải các chất độc ra khỏi cơ thể. Chính vì có vai trò quan trọng nên khi thận suy yếu, khả năng thanh lọc và đào thải kém khiến cho chất độc tích tụ lại trong người và gây rối loạn toàn bộ hoạt động của cơ quan tuần hoàn.
Triệu chứng của suy thận mạn tính thường âm thầm, không rõ ràng cho đến khi xuất hiện các tổn thương thận nặng nề, chúng có thể là:
- Mệt mỏi, buồn nôn, chóng mặt, ăn kém.
- Cảm thấy không khỏe
- Da xanh, thiếu máu, hoặc da xạm và khô.
- Sút cân hoặc ăn không ngon
- Tiểu nhiều hoặc ít hơn bình thường, nước tiểu có màu sậm (màu cocacola)
- Nặng mi mắt, hoặc sưng nề hai chi dưới (sưng nề được gọi là phù)
- Tiểu bọt
- Ngứa hoặc nổi ban.
Những triệu chứng của suy thận mạn gần giống với biểu hiện của một số bệnh lý khác nên việc chẩn đoán dễ bị bỏ sót.
Suy thận mạn tính nếu không phát hiện và điều trị kịp thời thường dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng tới sức khỏe và tính mạng người bệnh. Phát hiện và điều trị càng sớm thì sẽ càng nâng cao hiệu quả điều trị bệnh.
3. Phòng bệnh suy thận mạn tính bằng cách nào?
Để phòng ngừa suy thận mạn, ngoài việc thăm khám sức khỏe định kỳ, thường xuyên thì mọi người cần phải:
- Kiểm soát huyết áp và đường huyết chặt chẽ
- Chế độ ăn uống lành mạnh (giảm đạm hoặc giảm muối), sử dụng nhiều rau xanh, chất xơ
- Duy trì cân nặng ở mức ổn định
- Luyện tập thể dục, thể thao hàng ngày ở mức độ vừa sức
- Nói không với thuốc lá
- Cẩn trọng khi sử dụng thuốc điều trị bệnh.
Khi có những triệu chứng nghi ngờ của suy thận mạn nhưng không chắc chắn, cách tốt nhất là bạn nên đi khám tại bệnh viện để xác định tình trạng bệnh chính xác nhất và có phác đồ điều trị cụ thể nếu chẳng may mắc bệnh. Điều này rất quan trọng vì việc phát hiện sớm sẽ giúp quá trình điều trị trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều so với phát hiện bệnh muộn.