1. U nang dây thanh quản là gì?
U nang dây thanh quản còn được gọi là u nang nếp gấp thanh quản, là một tổn thương tại chỗ lành tính, không phải là ung thư. Tình trạng này thường phát triển khi người bệnh lạm dụng quá nhiều giọng nói của mình. Tỷ lệ mắc bệnh U nang dây thanh là không rõ nhưng thường ít gặp. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc bệnh cao sẽ hơn nhiều ở những người sử dụng giọng nói như một phần trong nghề nghiệp.
Bên cạnh u nang, tại vị trí dây thanh âm còn có polyp dây thanh, vốn là sự phát triển quá mức của mô phát sinh từ màng nhầy và các u nhú dây thanh, một khối mô không xác định nhưng thường không phải là ung thư, cũng có thể hình thành trên dây thanh âm. Trong khi các nốt và polyp khó phân biệt, u nang dây thanh âm lại dễ xác định hơn so với hai loại kia.
Hiện tại có ba loại u nang dây thanh âm thường được tìm thấy. Có cùng bản chất là các nang lưu giữ chất tiết trong suốt bắt nguồn từ các tế bào niêm mạc trên đường hô hấp, các loại u nang dây thanh được phân loại theo bản chất tế bào, bao gồm: u nang biểu mô, u nang vảy và u nang tuyến. Trong đó, u nang biểu mô điển hình nhất là do lạm dụng dây thanh âm hoặc khi Ho quá mức trong khi u nang tuyến có liên quan đến tuổi già và việc vệ sinh giọng nói kém.
2. Triệu chứng của u nang dây thanh như thế nào?
U nang dây thanh âm thường gây ra một loạt các triệu chứng đa dạng tùy mỗi cá nhân. Theo đó, một số người bị u nang dây thanh âm có thể gặp các triệu chứng sau:
- Khàn tiếng
- Mất giọng đột ngột
- Khó hát ở cao độ nhất định
- Đau họng
- Mệt mỏi
Tuy nhiên, một số ít bệnh nhân lại đi khám do khó thở, khó nói. Đây là biểu hiện bệnh đã vào giai đoạn tiến triển và u nang dây thanh đã có kích thước lớn, gây chèn ép các mô lân cận.
3. Điều trị u nang dây thanh âm?
Việc chẩn đoán chính xác các tổn thương dây thanh âm là rất quan trọng vì liệu pháp điều trị có thể bao gồm từ điều trị bảo tồn với nội khoa, thay đổi lối sống và chế độ ăn uống cho đến các phương pháp điều trị xâm lấn hơn như phẫu thuật. Theo đó, việc chẩn đoán u nang dây thanh âm có thể được thực hiện bằng nội soi thanh quản, cho phép bác sĩ tai mũi họng kiểm tra trực tiếp hai dây thanh âm và xác định tác động của u nang đối với sự rung động của các dây thanh âm. Lúc này, trước khi quyết định điều trị trực tiếp, bác sĩ thường khuyến cáo người bệnh nên cho giọng nói được nghỉ ngơi và sau đó lặp lại Nội soi thanh quản để đánh giá sự cải thiện.
Bước tiếp theo là điều trị nội khoa với các thuốc giảm đau và kháng viêm nếu liệu pháp giọng nói không giúp bệnh thuyên giảm hay chỉ thuyên giảm rất ít. Hầu hết các người bệnh u nang dây thanh đều nhận thấy triệu chứng khàn giọng cải thiện vượt bậc khi được chỉ định kháng viêm mạnh có bản chất steroid.
Cuối cùng là can thiệp phẫu thuật dây thanh khi các bước điều trị trên đều không cho hiệu quả hay tổn thương ban đầu đã có mức độ nặng ngay từ lúc xuất hiện. Bác sĩ tai mũi họng cần sử dụng các dụng cụ vi phẫu và quá trình can thiệp sẽ được diễn ra dưới kính hiển vi. Mục tiêu của phẫu thuật là bóc tách lấy nang ra khỏi mô dây thanh âm nhưng cẩn trọng với mức độ xâm lấn tối thiểu. Mọi thao tác cần được kiểm soát tốt để hạn chế tổn thương thêm trên niêm mạc dây thanh âm, tránh nguy cơ lành Sẹo xơ hóa và co kéo về sau.
Bên cạnh đó, việc điều trị u nang dây thanh cũng tránh bỏ sót các nguyên nhân tiềm ẩn khác cũng có thể gây ảnh hưởng đến giọng nói, chẳng hạn như trào ngược dạ dày thực quản, Dị ứng và viêm xoang. Ngoài ra, người bệnh không chỉ được khuyến khích hạn chế nói, hát mà còn tránh tiếp xúc với khói thuốc lá trực tiếp lẫn gián tiếp, giảm căng thẳng và có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, cân bằng dinh dưỡng.
4. U nang dây thanh có nguy hiểm không?
Mức độ ảnh hưởng hay nguy hiểm của u nang dây thanh là phụ thuộc vào nguyên nhân và khả năng đáp ứng với điều trị của bệnh.
Nếu người bệnh được khuyến cáo điều trị ban đầu bằng giọng nói, việc theo dõi trong khoảng ba tháng sau đó cho thấy tình trạng khả quan thì có thể đánh giá tiên lượng tốt cho u nang dây thanh.
Ngược lại, nếu người bệnh không đáp ứng với liệu pháp giọng nói và cả với điều trị nội khoa, chỉ định can thiệp phẫu thuật có thể đem đến một cơ hội mới. Tuy nhiên, tính hiệu quả của điều trị ngoại khoa còn phụ thuộc rất lớn vào kích thước u nang, mức độ tổn thương xâm lấn hay chèn ép trước đó. Đồng thời, tay nghề của phẫu thuật viên cũng quan trọng, càng ít biểu mô bị tổn thương trong khi bóc tách u nang, khả năng hồi phục chức năng rung sinh lý của hai dây thanh âm càng cao. Tương tự như vậy, nếu bề mặt bị tác động làm lành mô sẹo, dây dính, khả năng hồi phục giọng nói trở về âm sắc như ban đầu là khó khăn.
Dù vậy, trong bất kỳ tình huống nào, liệu pháp với giọng nói cũng luôn là phương pháp điều trị thiết yếu, có thể bắt đầu khoảng một tháng sau phẫu thuật và đánh giá lại tại phòng khám sau đó khoảng 3 tháng, 6 tháng và 12 tháng.
Ngoài ra, bản thân thủ thuật nội soi thanh quản cũng có nguy cơ gây ra các tổn thương không mong muốn trên niêm mạc nếp gấp thanh âm. Hơn nữa, những sang chấn khi nội soi thanh quản cũng có thể gây ảnh hưởng dây thần kinh, Gây tê lưỡi, thay đổi vị giác và Chấn thương răng...
Tóm lại, bản thân u nang dây thanh là một tổn thương lành tính nhưng nếu trì hoãn can thiệp sẽ gây ảnh hưởng đến giọng nói và cả mất giọng. Đồng thời, khi chỉ định thủ thuật, sự thận trọng trong thao tác là điều cần lưu ý nhất, nhằm hạn chế gây sang chấn, bảo vệ khả năng ngôn ngữ về lâu dài.