1. Chứng Tự kỷ là gì?
Tự kỷ, hay được gọi là rối loạn tự kỷ, là một dạng rối loạn phát triển, xuất hiện ngay từ những năm đầu đời, thường là trước 3 tuổi. Người mắc chứng Tự kỷ không có giao tiếp, tương tác xã hội với những người khác, và do vậy, sự phát triển mọi mặt về Tâm lý và xã hội đều hạn chế.
Không có những triệu chứng/biểu hiện giống nhau giữa các trẻ có tình trạng này, ví dụ như có bé thì rất thông minh nhưng rất kém trong các hoạt động bình thường, có bé thì bị chậm phát triển ngôn ngữ hay vận động, có bé rất hiếu động nhưng cũng có bé rất thụ động, có bé rất nhạy cảm với nhiều thứ và cũng có bé gần như không có cảm giác gì với nhiều thứ…
Và do đó, chương trình can thiệp với trẻ tự kỷ cần phải được gọt dũa cho phù hợp với từng trẻ một, không ai giống ai. Nên nếu con của bạn không có phản ứng tốt với cách can thiệp này thì vẫn còn rất nhiều giải pháp khác đang chờ bạn thử đấy! Đừng vội bỏ cuộc nhé!
2. Vai trò của cha mẹ trong điều trị chứng tự kỷ
Chương trình can thiệp sớm cho trẻ trước 5 tuổi bao gồm dạy trẻ và tư vấn cho gia đình. Đối với trẻ cần tác động qua những phương pháp như: điều hòa đa giác quan, dạy các kỹ năng vận động tinh và vận động thô, ngôn ngữ trị liệu, quản lý hành vi, chơi trị liệu, dạy kỹ năng tự lập, kỹ năng xã hội.
Việc quản lý hành vi của trẻ là vấn đề khó khăn vì trẻ tăng động, không thích học, chỉ luôn làm theo ý thích của mình. Do vậy cha mẹ nên lưu ý phải hiểu ý muốn của trẻ mà gợi ý cho trẻ tự bộc lộ ra bằng lời hoặc bằng cử chỉ. Hiểu lý do trẻ ăn vạ để tránh lặp lại tình huống gây ăn vạ, lờ đi khi trẻ ăn vạ, nói không với hành vi sai hoặc phạt bằng cách cho ngồi một chỗ, chuyển những hoạt động tự do quá khích của trẻ sang những hoạt động có mục đích như cất dọn đồ chơi, làm các việc vặt, đá bóng, đạp xe...Cho trẻ làm những việc dễ thực hiện rồi tăng dần độ khó, luôn khen ngợi trẻ mỗi khi có cố gắng, biết trẻ thích thứ gì để lấy đó làm phần thưởng nhằm khuyến khích trẻ thực hiện một nhiệm vụ.
Với trẻ lớn dạy trẻ cần có chương trình dạy trẻ phát triển toàn diện được tiến hành ở nhà cũng như ở trường: dạy trẻ về nhận thức, hoạt động thích ứng, tăng cường sự chú ý, hoạt động cảm giác, vận động, ngôn ngữ, trí nhớ, tổ chức, học tập, kỹ năng xã hội, kỹ năng không gian thị giác và hoạt động chung nhằm giúp trẻ thích nghi cuộc sống và hòa nhập cộng đồng.
Hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc hiệu điều trị tự kỷ mà chỉ dùng thuốc điều trị triệu chứng kèm theo khi có tăng động, cơn hờn giận, hung tính...
Có những mô hình khác nhau mà cha mẹ có thể tham khảo để cho trẻ được can thiệp sớm. Nếu trẻ được đánh giá là tự kỷ nặng thì nên cho trẻ theo học ở trung tâm giáo dục đặc biệt hoặc các khoa phục hồi chức năng trong một thời gian, sau đó có thể kết hợp đi học mẫu giáo với can thiệp ở trung tâm theo giờ. Nếu trẻ tự kỷ nhẹ có thể đi học mẫu giáo và can thiệp cá nhân theo giờ. Một số cha mẹ có điều kiện mời giáo viên đến nhà dạy con để có thể học hỏi thêm kinh nghiệm.
Dù trẻ có đi học ở đâu thì cha mẹ phải tích cực tham gia dạy trẻ. Cha mẹ đóng vai trò quyết định tới sự tiến bộ của trẻ vì cha mẹ là người hiểu trẻ nhất, có thời gian bên trẻ nhiều nhất nên dạy trẻ được nhiều. Do vậy cha mẹ phải được tư vấn cách dạy trẻ, sau đó tiếp tục phải tự học hỏi tìm tòi, đọc tài liệu, chia sẻ kinh nghiệm với giáo viên và với những phụ huynh khác để tìm cách dạy con phù hợp. Một số cha mẹ còn cho là dạy trẻ tự kỷ thì chỉ đơn thuần là dạy trẻ biết nói, nhưng quan niệm như vậy là chưa đúng, mà phải dạy trẻ cả về hành vi và tương tác xã hội. Cha mẹ trẻ phải dạy trẻ mọi nơi mọi lúc, dạy ít nhất là trên 3 giờ mỗi ngày.
Hạn chế cho trẻ xem tivi, không cho chơi điện tử. phải thường xuyên nói chuyện với trẻ, gọi tên nhìn vào Mắt trẻ. Dạy trẻ các cử chỉ giao tiếp. Dạy trẻ hiểu lời, dạy phát âm, dạy nói. Cho trẻ chơi cùng với trẻ khác. Sử dụng đồ chơi bằng nhiều cách khác nhau, chơi từng thứ một, chơi lần lượt và luân phiên (ví dụ cùng chơi đẩy quả bóng, đẩy ô tô, chơi xếp hình). Luôn khuyến khích khen ngợi trẻ. Dạy trẻ những kỹ năng tự lập như tự xúc ăn, mặc quần áo, rửa tay, đi vệ sinh...Áp dụng các phương pháp điều hòa đa giác quan để tập luyện cho trẻ. Nếu thấy trẻ đáp ứng phù hợp thích nghi với thực tại chứng tỏ việc dạy trẻ có kết quả tốt.
3. Những lời khuyên cho cha mẹ có con bị chứng tự kỷ
- Nhanh chóng vượt qua được “sốc” sau khi biết con bị tự kỷ, lấy lại tinh thần, chấp nhận thực tế
- Điều chỉnh cuộc sống, sắp xếp việc nhà, phối hợp với các nhà chuyên môn, học hỏi kinh nghiệm và kiến thức để dạy trẻ.
- Mua và tự làm đồ chơi, dụng cụ can thiệp
- Kiên trì, can thiệp dạy trẻ mọi nơi, mọi lúc nếu có thể. Tránh chán nản, nôn nóng
- Luôn tỏ rõ tình cảm yêu thương trẻ tạo cho trẻ cảm giác an toàn, nhưng không làm thay trẻ và luôn khuyến khích trẻ tự lập theo khả năng có thể
- Bố trí môi trường sống có cấu trúc rõ ràng, ổn định, an toàn
- Thường xuyên cho trẻ đi khám, đánh giá theo định kỳ, phối hợp với các nhà chuyên môn để thiết lập chương trình phù hợp dạy trẻ.
- Không mặc cảm che dấu mà tích cực cho trẻ hoà nhập cộng đồng, thông báo cho người có liên quan về tình trạng của trẻ.
- Sinh hoạt nhóm cha mẹ tự kỷ để chia sẻ.