1. Nội soi khớp vai là gì?
Nội soi khớp vai là cách bác sĩ phẫu thuật đưa một ống kính nhỏ (gọi là ống nội soi) vào khớp vai của bệnh nhân. Đầu ống Nội soi có gắn camera và nguồn sáng lạnh, giúp chuyển hình ảnh khớp vai lên màn hình để bác sĩ quan sát, thao tác.
Bác sĩ có thể đề nghị nội soi khớp vai sau khi thăm khám cho người bệnh bị đau khớp vai; tình trạng đau không thuyên giảm khi được điều trị nội khoa (gồm nghỉ ngơi, tập vật lý trị liệu, dùng thuốc). Những trường hợp cụ thể được chỉ định Nội soi khớp vai là:
- Rách hay tổn thương vòng sụn hoặc dây chằng.
- Mất vững khớp vai: tình trạng khớp vai lỏng lẻo và trượt xung quanh ổ khớp quá nhiều hoặc bị trật khớp.
- Rách hoặc tổn thương gân cơ nhị đầu.
- Rách chóp xoay.
- Có cựa xương hoặc nhiễm trùng quanh chóp xoay.
- Mặt khớp bị viêm hoặc tổn thương.
- Viêm khớp ở đầu xương đòn.
- Có các mô lỏng lẻo cần được loại bỏ.
- Tái tạo dây chằng quạ đòn.
2. Vai trò của nội soi trong chẩn đoán và điều trị bệnh ở khớp vai
- Trong chẩn đoán: Nguyên nhân của hầu hết các vấn đề trên khớp vai là do chấn thương, tuổi tác hoặc vận động quá mức. Nội soi khớp vai cho phép bác sĩ có thể quan sát các ngóc ngách của khớp vai để phát hiện các bệnh lý khớp vai đi kèm, hỗ trợ chẩn đoán bệnh chính xác.
- Trong điều trị: nội soi cũng hỗ trợ bác sĩ thao tác trên các dụng cụ phẫu thuật nhanh và chính xác hơn, giúp giảm các triệu chứng đau, khó vận động vai do tổn thương gân chóp xoay, Viêm khớp vai, sụn khớp, sụn viền và các mô mềm khác quanh khớp vai. Các thủ thuật thường được sử dụng khi phẫu thuật nội soi khớp vai gồm: chỉnh sửa chóp xoay, cắt bỏ hay chỉnh sửa sụn viền, cắt bỏ gai xương, chỉnh sửa dây chằng, cắt bỏ mô bị viêm hay sụn bị bong ra, chỉnh sửa Trật khớp vai tái phát. Các thủ thuật ít gặp hơn gồm: giải ép dây thần kinh, chỉnh sửa xương gãy, cắt bỏ gai xương.
Do ống nội soi khớp vai và các dụng cụ phẫu thuật đều có kích thước nhỏ nên khi thực hiện phương pháp này, bác sĩ chỉ cần thực hiện những vết rạch nhỏ, không phải rạch da quá lớn như trong phẫu thuật theo quy ước. Ưu điểm nội soi khớp vai là giúp bệnh nhân ít đau hơn, rút ngắn thời gian hồi phục của người bệnh.
3. Quy trình thực hiện nội soi khớp vai
3.1 Chuẩn bị trước khi phẫu thuật nội soi
Để đánh giá xem có thể thực hiện phẫu thuật nội soi hay không, bệnh nhân sẽ được Xét nghiệm máu, điện tâm đồ, chụp X-quang phổi. Nội soi khớp vai thường được thực hiện sau khi gây mê. Bệnh nhân sẽ được bác sĩ trao đổi kỹ về những điều cần làm trước khi phẫu thuật, ví dụ nhịn ăn khoảng 6 tiếng trước khi thực hiện thủ thuật. Hầu hết các thủ thuật nội soi thường kéo dài khoảng một giờ. Tuy nhiên, thời gian phẫu thuật có thể thay đổi tùy thuộc vào phát hiện chẩn đoán bệnh và cách xử lý của bác sĩ.
3.2 Quy trình thực hiện nội soi khớp vai
- Bước 1: Bác sĩ phẫu thuật tiêm dung dịch vào khớp vai để bơm căng khớp, hỗ trợ việc phát hiện rõ các cấu trúc của khớp vai qua ống nội soi.
- Bước 2: Bác sĩ rạch một lỗ nhỏ trên vai bệnh nhân (kích cỡ bằng chiếc cúc áo) để đưa ống nội soi vào. Dung dịch sẽ chảy qua ống nội soi để giữ cho hình ảnh thu về được rõ nét và kiểm soát tình trạng xuất huyết. Hình ảnh từ ống nội soi được chiếu trên màn hình giúp bác sĩ phẫu thuật nhìn rõ cấu trúc trong khớp vai bệnh nhân và các tổn thương nếu có.
- Bước 3: Khi đã xác định vấn đề, bác sĩ phẫu thuật đưa những dụng cụ phẫu thuật rất nhỏ vào thông qua các vết rạch riêng biệt để điều trị bệnh lý trên khớp vai. Những dụng cụ chuyên biệt sẽ được sử dụng để thực hiện những công việc như nạo, cắt, kẹp, xuyên mũi khâu và thắt nút.
3.3 Hồi phục sau phẫu thuật nội soi khớp vai
- Bệnh nhân nằm trong phòng hồi sức 1 - 2 giờ rồi chuyển tới phòng bệnh. Nếu cần thiết người bệnh có thể sử dụng thuốc giảm đau. Sau đó, người bệnh có thể về nhà ngay và theo dõi.
- Người bệnh thường mất vài tháng tập Vật lý trị liệu theo hướng dẫn để khớp vai có thể quay trở lại hoạt động bình thường.
- Hầu hết người bệnh không gặp biến chứng trừ đau, chảy máu sau phẫu thuật nội soi khớp vai. Tuy nhiên, một số bệnh nhân có thể gặp phải một số biến chứng nặng như nhiễm trùng, xuất huyết nặng, hình thành cục máu đông, tổn thương mạch máu hay dây thần kinh. Nếu có bất kỳ biểu hiện bất thường nào như Sốt cao, mê man, chảy nhiều máu,... người nhà nên đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra, cấp cứu kịp thời.