Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Virus gây ung thư miệng: Những điều bạn cần biết

11/11/2021
Virus gây ung thư miệng: Những điều bạn cần biết

Các nhà khoa học đã biết về mối liên quan giữa virus gây u nhú ở người (human papillomavirus - HPV) với ung thư cổ tử cung hàng thập kỷ qua, nhưng khả năng gây ung thư miệng của virus này mới chỉ được biết gần đây.

1. Virus gây u nhú ở người là gì?

Virus gây u nhú ở người (human papillomavirus - HPV) là một loại virus lan truyền qua con đường tình dục, gồm hơn 40 chủng khác nhau, và mỗi một chủng sẽ có tác động lên cơ thể không giống nhau. Khi thực hiện các hành vi như quan hệ Tình dục hoặc quan hệ Tình dục bằng đường miệng, virus gây u nhú ở người sẽ xâm nhập vào cơ quan sinh dục, miệng, họng và gây bệnh.

Một số chủng của HPV virus gây mụn cóc sinh dục, số khác có khả năng gây ung thư hóa. Virus gây u nhú ở người với nguy cơ gây Ung thư cổ tử cung đã được biết đến từ lâu, nhưng nó còn có thể gây những ung thư ít gặp hơn ở âm vật, âm đạo, dương vật, hậu môn và vùng đầu cổ.

Nhiễm virus gây u nhú ở người thường không biểu hiện triệu chứng, do đó rất khó để xác định chính xác thời điểm bị lây nhiễm, và trong đa số trường hợp, cơ thể sẽ tự đào thải hết virus sau một thời gian. Trên thực tế hầu hết mọi người không biết mình đã nhiễm virus cho đến khi xuất hiện mụn cóc sinh dục hoặc có kết quả Xét nghiệm Pap bất thường. Có thể nói virus gây u nhú ở người là tác nhân lây truyền qua đường tình dục gặp nhiều nhất, và nếu đang nằm trong độ tuổi hoạt động tình dục thì gần như chắc chắn sẽ bị nhiễm ít nhất một lần trong đời.

Virus gây ung thư miệng: Những điều bạn cần biết - ảnh 1
Virus HPV lây truyền qua đường tình dục

2. Nguyên nhân ung thư miệng

Trong hơn 40 chủng virus gây u nhú ở người chỉ có một số chủng có khả năng gây ung thư. HPV16, chủng gây ra nhiều trường hợp ung thư cổ tử cung nhất, cũng là chủng có mối liên quan tới ung thư miệng nói riêng và ung thư vùng đầu cổ nói chung.

Khi virus gây u nhú ở người xâm nhập vào tế bào, nó gây nên những thay đổi vật lí. Nếu hệ miễn dịch không loại bỏ được virus cùng những tế bào bất thường này, chúng có thể dẫn tới việc phát triển các khối u, mà vị trí có thể gặp là ở họng, khu vực gần amidan, ở vòm miệng hoặc dưới lưỡi. Thời gian để khối u xuất hiện thường rất lâu sau khi phơi nhiễm virus, có thể tới 10 năm hoặc lâu hơn nữa.

Số lượng các trường hợp ung thư vùng đầu và cổ trong những năm gần đây đang có sự gia tăng đáng kể. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (Centers for Disease Control and Prevention - CDC) Hoa Kỳ ước tính có khoảng 11.600 công dân Hoa Kỳ được chẩn đoán ung thư vùng đầu cổ có liên quan tới virus gây u nhú ở người mỗi năm. Nam giới có nguy cơ mắc cao gấp 3 lần so với nữ giới, và độ tuổi mắc phải nhiều nhất là dưới 60 tuổi, đặc biệt là những người trong độ tuổi 30 và 40.

Tuy ung thư vùng đầu cổ là bệnh lý nghiêm trọng, nhưng một điều may mắn những ung thư có liên quan tới virus gây u nhú ở người này lại đáp ứng khá tốt với các phác đồ điều trị hiện nay.

3. Làm thế nào để giảm thấp nguy cơ mắc ung thư miệng liên quan tới virus gây u nhú ở người?

Các nhà nghiên cứu hiện vẫn đang tiếp tục tìm phương cách để phòng tránh lây nhiễm virus gây u nhú ở người qua đường miệng, nhằm làm giảm nguy cơ xảy ra ung thư. Tuy nhiên thực hành quan hệ tình dục an toàn luôn luôn là điều cần thiết, bao cao su và tấm chắn miệng có thể giúp giảm tỉ lệ lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục bằng miệng.

Virus gây u nhú ở người có thể bị cơ thể loại bỏ tự nhiên, do đó các biện pháp hỗ trợ nâng cao hệ miễn dịch sẽ giúp ích phần nào, chẳng hạn như duy trì lối sống lành mạnh, năng động, thực hành chế độ ăn cân bằng, bổ dưỡng, bao gồm:

  • Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao.
  • Ngủ đủ giấc.
  • Không hút thuốc lá.
  • Ăn nhiều rau xanh, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt.

Kể từ thời điểm đầu tiên được Cơ quan quản lý thực phẩm và Dược phẩm (Food and Drug Administration - FDA) Hoa Kỳ phê chuẩn lưu hành và sử dụng năm 2006, vắc - xin ngừa HPV virus ở người đã trở thành biện pháp phòng tránh lây nhiễm hàng đầu đối với loại virus này.

Bài viết tham khảo nguồn: webmd.com