Xây dựng Gói khám sức khỏe cho người lao động theo ngành nghề

Gói khám sức khỏe dành cho người lao động ở mỗi ngành nghề được xây dựng khác biệt nhằm mục đích giảm thiểu tỷ lệ mắc bệnh nghề nghiệp. Những thông tin dưới đây sẽ cho bạn cái nhìn trực quan trong quá trình xây dựng gói khám cho cán bộ nhân viên công ty.
Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

1. Sự khác biệt về yêu cầu sức khỏe ở mỗi ngành nghề

Sức khỏe của người lao động là mối quan tâm của mọi tổ chức cơ quan/ doanh nghiệp. Tại mỗi giai đoạn, sức khỏe đóng vai trò khác

1.1. Trong quá trình tuyển dụng

Chứng nhận sức khỏe là một trong những giấy tờ bắt buộc nằm trong hồ sơ xin việc của mỗi ứng viên. Dựa vào kết quả chứng nhận, ban lãnh đạo công ty có thể đánh giá sức khỏe của mỗi ứng viên có phù hợp với vị trí tuyển dụng hay không. Ví dụ: Người lái xe cần đảm bảo có thị lực tốt, trong khi nhân viên nhà hàng phải đảm bảo không mắc các bệnh truyền nhiễm,… Đây cũng là cơ sở để người sử dụng lao động sắp xếp vị trí làm việc phù hợp với từng ứng viên tương ứng với thể lực của mỗi người.

1.2. Trong quá trình làm việc

Luật pháp đã quy định rõ, người lao động có nghĩa vụ tổ chức hoạt động khám sức khỏe định kỳ cho cán bộ nhân viên làm việc tại cơ quan, doanh nghiệp. Không chỉ đảm bảo về mặt pháp luật, hoạt động này còn đem lại lợi ích cho cả hai phía:

Về phía người lao động: Là điều kiện để nắm được tình trạng sức khỏe tổng quát của bản thân. Nếu không may phát hiện dấu hiệu bệnh lý tiềm ẩn, người lao động có cơ hội tìm ra bệnh sớm, điều chỉnh chế độ sinh hoạt kịp thời và điều trị trước khi bệnh trở nặng. Có thể nói, khám sức khỏe định kỳ nằm trong phúc lợi chính đáng mà người lao động được hưởng.

Một số bệnh lý cơ bản mà người lao động có thể phát hiện thông qua kỳ khám sức khỏe hàng năm là: các bệnh lý về da, mắt, tai mũi họng, răng hàm mặt, bệnh đường hô hấp, bệnh về xương khớp,…

Ngoài ra, bản thân mỗi người lao động có thể đánh giá công việc hiện tại có phù hợp với bản thân hay không – thông qua sự thay đổi về sức khỏe ở mỗi kỳ thăm khám. Nếu có dấu hiệu giảm sút sức khỏe nghiệm trọng do công việc gây nên, hãy kịp thời điều chỉnh trước khi diễn tiến bệnh trở nên nghiêm trọng.

Về phía doanh nghiệp: Tổ chức thăm khám định kỳ giúp nâng cao uy tín của doanh nghiệp, là một trong những điểm sáng thu hút nguồn nhân lực mới. Ngoài ra, đảm bảo sức khỏe nguồn nhân lực giúp nâng cao năng suất lao động và hạn chế các rủi ro về tai nạn lao động, từ đó giảm thiểu được các chi phí y tế và bồi thường cho người lao động. Dựa vào kết quả thăm khám, ban lãnh đạo công ty có thể sắp xếp, luân chuyển vị trí làm việc phù hợp với thể trạng sức khỏe của từng người.

Mỗi công việc sẽ có đặc thù riêng và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người lao động. Chính vì vậy, mỗi cơ quan, doanh nghiệp cần quan tâm tới sức khỏe của người lao động và thực hiện ít nhất 1 lần/ năm. Đối với các ngành nghề đặc thù, lao động nặng cần được kiểm tra sức khỏe 2 lần/ năm, và lao động nữ phải được khám phụ khoa định kỳ.

2. Tìm hiểu về các gói khám sức khỏe

2.1. Gói khám sức khỏe theo quy định

Theo Thông tư 14 của Bộ y tế, một gói khám gồm đầy đủ các danh mục khám cơ bản như: Khám lâm sàng tổng quát, Xét nghiệm (bao gồm máu và nước tiểu), Xét nghiệm Pap smear đối với lao động nữ, Điện tim thường, Chụp X-quang tim phổi, Siêu âm ổ bụng.

Đây đều là những danh mục khám cơ bản, có chức năng đánh giá tình trạng sức khỏe tổng quát và phù hợp với mọi đối tượng. Với gói khám này, người lao động cơ bản biết được tình trạng của các cơ quan mắt, tai mũi họng, răng hàm mặt, ngoại khoa, phụ khoa, chức năng gan, chức năng thận, các tạng trong ổ bụng, chức năng tim phổi,…

2.2. Xây dựng gói khám sức khỏe đặc thù

Mỗi công việc có đặc thù riêng, vậy nên việc xây dựng gói khám riêng phù hợp với từng ngành nghề là vô cùng thiết yếu. Không chỉ tổ chức thăm khám định kỳ, nhiều cơ quan/ doanh nghiệp đã nâng cấp gói khám dành cho người lao động, dựa trên gói khám tiêu chuẩn do Bộ y tế quy định và bổ sung các danh mục khám chuyên biệt.

Nhiều doanh nghiệp hiện rất ưa chuộng gói khám xây dựng riêng bởi lợi ích to lớn mà nó mang lại là giảm thiểu tỷ lệ mắc bệnh nghề nghiệp. Ví dụ: Người lao động làm việc trong môi trường xây dựng được kiểm tra thêm cơ xương khớp, hay bổ sung danh mục siêu âm tuyến giáp vào các gói khám dành cho người lao động trong khi tỷ lệ mắc các bệnh lý tuyến giáp ngày càng gia tăng tại Việt Nam (đặc biệt ở nữ giới).

Có thể thấy, việc xây dựng gói khám định kỳ cho cán bộ nhân viên công ty phụ thuộc vào tình hình công việc và khả năng tài chính của công ty. Tuy nhiên, cần nhớ rằng hoạt động tổ chức thăm khám là trách nhiệm của mọi cơ quan, doanh nghiệp trong công tác chăm sóc sức khỏe người lao động. Trường hợp bỏ qua có thể đối diện với mức phạt hành chính, đồng thời ảnh hưởng không nhỏ đến danh tiếng, uy tín công ty.

Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Đã kiểm duyệt nội dung