1. Xẹp nhĩ là bệnh gì?
Xẹp nhĩ là sự lõm của màng nhĩ vào trong hòm tai làm giảm khoảng trống của hòm tai. Xẹp nhĩ có thể xảy ra ở toàn bộ màng nhĩ hoặc ở một phần màng chùng, nếu xẹp nhĩ chỉ xảy ra ở một phần màng nhĩ thì được gọi là xẹp nhĩ khu trú hay là túi co kéo. Xẹp nhĩ thường kết thúc bằng sự hình thành cholesteatoma là một loại Viêm tai giữa nguy hiểm.
2. Cơ chế hình thành xẹp nhĩ
Màng nhĩ của con người tạo với xương thành sau ống tai một góc rộng hơn các góc khác, điều này khiến cho phần sau của màng nhĩ trở nên yếu hơn hẳn dưới tác động của áp lực khí quyển bên trong ống tai. Đồng thời, sự giảm áp lực bên trong hòm tai cũng có thể gây ra hiệu ứng rối loạn lưu lượng khí giữa tầng trên và tầng dưới của hòm tai, thông qua eo thượng nhĩ trung nhĩ. Hậu quả của sự rối loạn này đó là tại màng chùng và tại góc phần tư sau trên sẽ chịu tác động nhiều hơn cả.
3. Nguyên nhân của xẹp nhĩ
Quá trình xẹp nhĩ là do nhiều yếu tố gây nên:
- Yếu tố thông khí của hòm tai: Rối loạn chức năng vòi đóng vai trò quan trọng trong cơ chế bệnh sinh của bệnh
- Yếu tố cơ địa: Bệnh tăng quánh nhày, yếu tố dị ứng, viêm nhiễm đường hô hấp, xương chũm kém phát triển..
- Yếu tố viêm nhiễm: Viêm xuất hiện trong tai giữa làm tiêu lớp sợi ở màng căng và tăng áp lực âm ở hòm tai.
4. Phân loại xẹp nhĩ
Màng nhĩ tạo với xương thành sau ống tai một góc rộng hơn các góc khác, điều này làm cho phần sau của màng nhĩ trở nên yếu trước sự tác động của áp lực khí quyển trong ống tai. Đồng thời sự giảm áp lực trong hòm tai cũng gây hiệu ứng rối loạn lưu lượng khí giữa tầng trên và tầng dưới hòm tai qua eo thượng nhĩ – trung nhĩ.
Phân loại được xẹp nhĩ dựa trên vị trí xẹp nhĩ xuất hiện. Xẹp nhĩ xuất hiện ở màng chùng và xẹp nhĩ xảy ra ở toàn bộ màng nhĩ đều được chia thành 4 cấp độ khác nhau:
4.1. Cấp độ của xẹp nhĩ xuất hiện ở phần màng chùng
- Cấp độ I: Kích cỡ của túi co kéo còn nhỏ, chưa có hiện tượng dính đáy túi vào xương búa.
- Cấp độ II: Ở cấp độ này, đáy túi co kéo đã túi tiếp xúc với cổ xương búa
- Cấp độ III: Vị trí túi co kéo đã ăn sâu vào phía thượng nhĩ và bắt đầu có tổn thương xương.
- Cấp độ IV: Túi co kéo ăn mòn tường thượng nhĩ và tổn thương xương búa .
4.2. Xẹp nhĩ xảy ra ở toàn bộ màng nhĩ
- Cấp độ I: Màng nhĩ bị ép vào trong, gờ vành tai không lộ rõ. Đối với cấp độ này do không có triệu chứng cơ năng nên không cần điều trị.
- Cấp độ II: Màng nhĩ lõm sâu chạm xuống xương đê, hoặc dính vào xương đe. Thông thường lớp sợi màng nhĩ sẽ bị mất đi và áp lực âm trong hòm nhĩ có thể tiêu huỷ mô sợi của màng nhĩ và chuỗi xương con.
- Cấp độ III: Màng nhĩ mới chỉ chạm vào ụ nhô mà chưa dính vào ụ nhô. Đối với những trường hợp này việc đặt ống thông khí có thể đưa phần dính vào ụ nhô trở về bình thường được lựa chọn để thực hiện.
- Cấp độ IV: Màng nhĩ đã dính vào ụ nhô và chui sâu vào trong hòm nhĩ. Phẫu thuật là bắt buộc đối với những bệnh nhân có xẹp nhĩ ở giai đoạn này.
5. Triệu chứng của xẹp nhĩ
Các triệu chứng của xẹp nhĩ như sau:
- Ù tai không liên tục
- Nghe kém xuất hiện nhiều tháng, thậm chí nhiều năm
- Đau tai
- Tiếng vang trong tai.
6. Cận lâm sàng chẩn đoán xẹp nhĩ
- Khám tai
- Nội soi tai mũi họng là phương pháp quan trọng nhất để chẩn đoán xẹp nhĩ: phát hiện sự thay đổi màu sắc, độ rung động, sự dính của màng nhĩ với các thành phần bên trong hòm tai.
- Đo thính lực, nhĩ lượng: đánh giá tổn thương về sức nghe và chức năng vòi nhĩ.
- CT - Scan xương thái dương khi cần thiết để xác định rõ tổn thương và là bản đồ cho phẫu thuật sau này.
7. Điều trị xẹp nhĩ
Mục đích:
- Tái tạo lại kích thước bình thường của hòm nhĩ
- Trả lại hoạt động bình thường của chuỗi xương con.
Điều trị cụ thể viêm tai xẹp nhĩ:
- Với những trường hợp xẹp nhĩ hoặc túi co kéo độ I , II bệnh nhân sẽ được thăm khám , theo dõi định kỳ , điều trị nguyên nhân , đặt ống thông khí nếu cần.
- Với xẹp nhĩ toàn bộ độ III, IV : Phẫu thuật Nội soi chỉnh hình hòm nhĩ ,lấy bệnh tích , tái tạo xương con , phục hồi chức năng nghe.
- Với xẹp nhĩ khu trú độ III, IV : Phẫu thuật nội soi mở thượng nhĩ - Sào bào +/- Chỉnh hình tai giữa.
- Xẹp nhĩ kéo dài nếu không được điều trị sẽ gây ra viêm tai dính nguy hiểm. Ngay khi có những biểu hiện của bệnh, bạn nên đến trung tâm y tế để được bác sĩ khám và điều trị sớm.