1. Tổng quan về xử trí cấp cứu ở người bị bệnh tim
Tai nạn và Chấn thương là những vấn đề thường gặp trong cuộc sống hằng ngày. Trước khi các nhân viên y tế đến hiện trường, đối tượng tiếp cận với nạn nhân đầu tiên là những người dân cư xung quanh tại khu vực đó. Những người này cần nắm được các quy tắc cấp cứu cơ bản để bảo vệ được mạng sống cho người bị nạn cho đến khi có đội cứu hộ chuyên nghiệp đến.
Mục đích chính của việc xử trí cấp cứu là giải phóng nạn nhân ra khỏi môi trường nguy hiểm, hỗ trợ kéo dài sự sống càng lâu càng tốt và hạn chế tối đa các mối nguy hiểm khác cho cả nạn nhân và bản thân người xử trí cấp cứu. Ở những người mắc bệnh tim, công tác xử trí cấp cứu ban đầu cũng được thực hiện tuân theo nguyên tắc chung. Tuy nhiên, cấp cứu Tim mạch cần được tiến hành nhanh chóng và tích cực hơn vì những người mắc bệnh tim có khả năng diễn tiến xấu và nặng nề hơn khi gặp phải chấn thương. Tuổi lớn, có Sẹo mổ cũ ở vùng ngực hoặc những dấu hiệu lâm sàng nặng nề như mạch nhanh nhỏ khó bắt trong bối cảnh tổn thương nhỏ là những dấu hiệu gợi ý một nạn nhân có nguy cơ cao mắc bệnh tim.
Xử trí cấp cứu ban đầu, đặc biệt với những người bị bệnh tim là việc làm đóng vai trò quan trọng của người bệnh sau đó. Thời gian thực hiện là yếu tố quan trọng nhất khi tiến hành cấp cứu.
2. Các bước tiến hành khi xử trí cấp cứu người bị bệnh tim
Nhìn chung, các bước xử trí cấp cứu ban đầu ở người bị bệnh tim tương tự với nguyên tắc xử trí chung, tuy nhiên các bước thực hiện cần tiến hành nhanh chóng và có hiệu quả. Cụ thể:
2.1. Cấp cứu đường thở (Airway)
Điều đầu tiên cần làm là đảm bảo thông thoáng đường thở cho người bệnh. Kiểm tra nạn nhân còn có khả năng tự hô hấp không. Khi nghi ngờ có tắc nghẽn đường Hô hấp trên cần nhanh chóng tiến hành nghiêng đầu nạn nhân về một phía để tiến hành móc đờm dãi và dị vật có trong vùng hầu miệng ra ngoài. Sau đó, tiếp tục thực hiện đẩy cằm nâng hàm để giữ cho đường thở trên được thông thoáng và chuẩn bị cho bước cấp cứu tiếp theo.
2.2. Hô hấp (Breathing)
Sau khi khai thông đường thở, cần tiến hành đánh giá hoạt động hô hấp của nạn nhân theo các tiêu chí bao gồm tần số hô hấp, các dấu hiệu hô hấp gắng sức, da môi niêm mạc. Các mảng bầm tím hoặc chấn thương hở tại thành ngực cũng cần được lưu ý. Nếu nạn nhân có biểu hiện thở ngáp cá hoặc ngừng thở, tím môi và các đầu chi cần tiến hành hô hấp nhân tạo miệng để cung cấp oxy cho cơ thể người bệnh. Khi có Chấn thương hở vùng ngực, lấy vải hoặc gạc sạch chèn lên vết thương và cố định để cầm máu và phòng ngừa biến chứng tràn khí màng phổi áp lực. Khi có dao hoặc vật gây thương tích còn cắm vào ngực, tuyệt đối không tự ý rút ra vì sẽ khiến người bệnh mất máu ồ ạt, đe dọa tính mạng, nhất là khi đội ngũ nhân viên y tế chưa kịp tiếp cận.
2.3. Tuần hoàn (Circulation)
Xử trí cấp cứu tuần hoàn là bước quan trọng, nhất là ở những người mắc bệnh tim. Lưu ý khi tiến hành cấp cứu tuần hoàn vẫn cần tiếp tục thực hiện lưu thông đường thở và hỗ trợ hô hấp.
Cần đánh giá nhanh chóng hoạt động của hệ tuần hoàn thông qua các đặc điểm sau:
- Mạch ngoại vi: bắt mạch ngoại vi hoặc mạch cảnh, mạch bẹn với trẻ em không quá 10 giây để phát hiện các bất thường như mạch nhanh nhỏ khó bắt, mạch nhẹ, mạch chậm, mạch không đều ... Nếu bắt không có mạch hoặc bệnh nhân ngừng tim, cần tiến hành ép tim ngoài lồng ngực có hiệu quả. Tốt nhất nên gọi người giúp đỡ, một người tiến hành ép tim, những người còn lại chịu trách nhiệm bảo đảm hô hấp nhân tạo và cầm máu.
- Da niêm mạc nhạt màu, vã mồ hôi, nạn nhân lơ mơ, gọi hỏi không đáp ứng là các dấu hiệu của tình trạng mất máu đang tiến triển nặng nề. Nếu phát hiện được điểm chảy máu bên ngoài cơ thể cần tiến hành cầm máu nhanh bằng vải sạch. Khi garo vết thương không nên bó quá sát, lưu ý nới lỏng garo mỗi 10 phút để tránh biến chứng hoại tử. Nếu băng ép cầm máu bằng tay, cần giữ nguyên tư thế và lưu ý không bỏ tay ra cho đến khi nhân viên y tế tới được hiện trường.
2.4. Thần kinh (Disability)
Cần đánh giá sơ bộ để phát hiện các tổn thương thần kinh nếu có thông qua việc gọi hỏi các câu hỏi cơ bản và kích thích đau, quan sát đáp ứng và ghi nhận các câu trả lời của nạn nhân. Khi không còn đáp ứng với câu hỏi và các kích thích đau, nghi ngờ nạn nhân đã rơi vào hôn mê, báo hiệu một dự hậu xấu. Khi nghi ngờ nạn nhân Chấn thương sọ não hoặc chấn thương tủy sống, cần Bất động và lưu ý không di chuyển nhiều vùng đầu cổ của người bệnh.
2.5. Bộc lộ (Exposure)
Cần cởi bỏ toàn bộ áo quần của nạn nhân để đánh giá một cách tổng thể và không bỏ sót bất kỳ tổn thương nào của người bệnh. Nếu ở môi trường nhiệt độ thấp, sau khi bộc lộ để khám xét một cách tổng quan, cần tiến hành che chở, ủ ấm nạn nhân để tránh hạ thân nhiệt và các biến chứng của nó.
Một số tai nạn, chấn thương có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng bệnh nhân nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, nhất là những người có bệnh lý tim mạch,... Vì thế mỗi người cần trang bị cho mình những bước cơ bản về việc xử trí cấp cứu trong quá trình chờ các nhân viên y tế đến hiện trường để sử dụng trong các trường hợp cần thiết.