Triệu chứng
Triệu chứng thường thấy của cơ tim hạn chế là mệt mỏi, khó khăn khi tập thể dục hay rèn luyện thể chất và khó thở.
Chẩn đoán
Bác sĩ sẽ chẩn đoán rối loạn thông qua bệnh sử và khám lâm sàng triệu chứng của bạn. Bác sĩ cũng có thể đo điện tâm đồ để xem nhịp tim có bình thường hay không và chụp X-quang ngực để kiểm tra tim có bị to bất thường không.
Điều trị
Thuốc lợi tiểu làm giảm nước trong máu từ đó giảm cường độ làm việc của tim.
Tổng quan
Cơ tim hạn chế là bệnh gì?
Cơ tim hạn chế là bệnh về cơ ở tim khiến tim không thể co bóp và giãn ra như bình thường.
Khi mắc bệnh này, tim sẽ bị hạn chế khả năng co bóp do cơ viền bên trong tim bị cứng lại nên tim không thể giãn ra hoàn toàn. Bệnh sẽ khiến cho tim khó bơm đủ máu đến các cơ quan trong cơ thể hơn. Cơ tim hạn chế sẽ gây ra suy tim nếu không được điều trị kịp thời.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh Cơ tim hạn chế là gì?
Triệu chứng thường thấy của cơ tim hạn chế là mệt mỏi, khó khăn khi tập thể dục hay rèn luyện thể chất và khó thở.
Ngoài ra, bạn cũng có thể bị sưng chân hoặc ngón chân, đau ngực hoặc cảm giác tim đập quá nhanh (còn gọi là đánh trống ngực).
Bạn có thể các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Bạn phải đi khám ngay nếu có bất kỳ triệu chứng nào kể trên hoặc có bất cứ bất thường nào ở ngực trái hoặc huyết áp bất thường. Cơ địa và tình trạng bệnh lý có thể khác nhau ở nhiều người. Hãy luôn thảo luận với bác sĩ để được chỉ định phương pháp chẩn đoán, điều trị và xử lý tốt nhất dành cho bạn.
Nguyên nhân
Nguyên nhân nào gây ra bệnh cơ tim hạn chế?
Bệnh cơ tim hạn chế là một bệnh hiếm gặp. Các nguyên nhân phổ biến nhất là thoái hóa tinh bột (tình trạng đạm cao bất thường trong tế bào và máu) và sẹo không rõ nguyên nhân ở tim (xơ hóa cơ tim nguyên phát). Bệnh cũng có thể xảy ra sau khi cấy ghép tim.
Ngoài ra, các nguyên nhân khác có thể gây ra bệnh cơ tim hạn chế bao gồm:
Bệnh viêm hạch bạch huyết và mô (bệnh sarcoid);
Các bệnh ở màng trong tim;
Bệnh thừa sắt;
Sẹo sau xạ trị hoặc hóa trị liệu;
Xơ cứng bì;
Các khối u ở trái tim.
Nguy cơ mắc phải
Những ai thường mắc phải bệnh cơ tim hạn chế?
Bệnh cơ tim hạn chế rất hiếm gặp so với những bệnh tim khác như bệnh về van tim hoặc động mạch cảnh. Hầu hết bệnh nhân đều là người cao tuổi. Bạn có thể hạn chế khả năng mắc bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh cơ tim hạn chế?
Có một số yếu tố nguy cơ có thể làm tăng nguy cơ bệnh cơ tim, bao gồm:
Di truyền. Nếu bạn có người nhà bị bệnh cơ tim, suy tim và tim ngừng đập đột ngột, bạn có nhiều khả năng mắc bệnh cơ tim.
Béo phì. Thừa cân làm cho tim làm việc khó khăn hơn, làm tăng nguy cơ bệnh cơ tim và suy tim.
Nghiện rượu. Những người nghiện rượu có thể gây tổn hại tim nghiêm trọng. Nguy cơ này tăng đáng kể nếu bạn uống bảy đến tám ly mỗi ngày trong hơn 5 năm.
Sử dụng ma túy. Các loại ma túy bất hợp pháp như cocaine, amphetamine và steroid đồng hóa, có thể làm tăng nguy cơ bệnh cơ tim.
Thừa chất sắt. Rối loạn này làm cho cơ thể lưu trữ lượng sắt dư thừa làm tăng nguy cơ bệnh cơ tim giãn.
Một số loại thuốc hóa trị và xạ trị có thể làm tăng nguy cơ bệnh cơ tim.
Mắc bệnh tiểu đường hoặc rối loạn tuyến giáp.
Phòng ngừa
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh cơ tim hạn chế?
Bạn có thể kiểm soát tình trạng bệnh của mình nếu lưu ý vài điều sau đây:
Có một chế độ ăn uống lành mạnh, nhiều trái cây rau củ và ít muối và chất béo;
Uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ và tái khám theo lịch hẹn;
Tập thể dục thường xuyên. Bạn có thể hỏi bác sĩ bài tập phù hợp với tình trạng cơ thể của mình;
Không uống rượu bia và không hút thuốc lá;
Giảm cân nếu bạn đang thừa cân;
Kiểm soát tình trạng stress;
Ngủ đủ giấc.
Điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh cơ tim hạn chế?
Bác sĩ sẽ chẩn đoán rối loạn thông qua bệnh sử và khám lâm sàng triệu chứng của bạn. Bác sĩ cũng có thể đo điện tâm đồ để xem nhịp tim có bình thường hay không và chụp X-quang ngực để kiểm tra tim có bị to bất thường không.
Bác sĩ cũng có thể sẽ chỉ định siêu âm tim để kiểm tra hoạt động bơm của tim và xét nghiệm máu để tìm nguyên nhân khác như rối loạn tự miễn dịch.
Ngoài ra, bác sĩ có thể đề nghị bạn đặt ống thông tim (đặt ống soi theo động mạch từ tay vào tim) và sinh thiết cơ tim để xác định lại chẩn đoán bệnh.
Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh cơ tim hạn chế?
Mục tiêu của việc điều trị bệnh cơ tim hạn chế là nhằm làm giảm nhẹ triệu chứng và điều chỉnh lại nhịp tim bất thường.
Các phương pháp sau có thể được sử dụng để kiểm soát các triệu chứng và ngăn chặn bệnh cơ tim hạn chế:
Thuốc lợi tiểu làm giảm nước trong máu từ đó giảm cường độ làm việc của tim.
Bác sĩ có thể sẽ chỉ định những thuốc điều chỉnh nhịp tim hoặc những thuốc ngăn chức năng miễn dịch (corticosteroid) để điều trị các bệnh gây ra bất thường tim mạch.
Hóa trị (trong một số trường hợp).
Nếu tim bạn đập yếu và có những triệu chứng suy tim nặng, bạn cần phải được phẫu thuật ghép tim.