Triệu chứng
Hắt hơi, Sổ mũi, Ngứa, đỏ hoặc chảy nước mắt
Chẩn đoán
Bác sĩ có thể nghi ngờ dị ứng vật nuôi dựa trên các triệu chứng, khám mũi và các câu trả lời của bạn. Bác sĩ có thể sử dụng một dụng cụ gắn đèn sáng để kiểm tra tình trạng của lớp niêm mạc bao bên trong hốc mũi. Nếu bạn bị dị ứng vật nuôi, lớp niêm mạc mũi có thể sưng lên hoặc có màu tái nhợt hoặc xanh nhạt.
Điều trị
Điều trị đầu tiên cho kiểm soát dị ứng vật nuôi là tránh các động vật gây dị ứng càng nhiều càng tốt. Khi bạn giảm thiểu tiếp xúc với vật nuôi gây dị ứng, bạn sẽ có những phản ứng dị ứng ít thường xuyên hơn hoặc ít nghiêm trọng.
Tổng quan
Dị ứng vật nuôi là gì?
Dị ứng vật nuôi là một phản ứng dị ứng với các protein được tìm thấy trong các tế bào da của động vật, nước bọt hoặc nước tiểu. Các dấu hiệu của dị ứng vật nuôi bao gồm những triệu chứng thông thường như Sốt cỏ khô, hắt hơi và chảy nước mũi. Một số người cũng có thể gặp những dấu hiệu của bệnh hen suyễn như thở khò khè và khó thở.
Thông thường, dị ứng vật nuôi được kích hoạt bởi việc tiếp xúc với các mảnh da chết (gàu) từ vật nuôi. Bất kỳ động vật có lông đều có thể là nguồn gốc của dị ứng, nhưng dị ứng vật nuôi phổ biến nhất liên quan đến chó và mèo.
Nếu bạn bị dị ứng vật nuôi, tốt nhất là tránh hoặc giảm thiểu tiếp xúc với động vật càng nhiều càng tốt. Thuốc hoặc phương pháp điều trị khác có thể cần thiết để giảm các triệu chứng và quản lý hen suyễn.
Mức độ phổ biến của dị ứng vật nuôi
Dị ứng với vật nuôi có lông là tình trạng rất phổ biến, đặc biệt với những người bị các loại bệnh dị ứng hoặc Hen suyễn khác. Hãy thảo luận với bác sĩ để biết thêm thông tin.
Triệu chứng
Những dấu hiệu và triệu chứng của dị ứng vật nuôi là gì?
Các triệu chứng phổ biến của dị ứng vật nuôi là:
Hắt hơi
Sổ mũi
Ngứa, đỏ hoặc chảy nước mắt
Nghẹt mũi
Ngứa mũi, vòm miệng hoặc cổ họng
Chảy mũi sau
Ho
Tăng áp lực và đau ở mặt
Bị thức giấc thường xuyên
Vùng da dưới mắt bị sưng và quầng xanh
Trẻ thường xuyên chà xát mũi lên trên
Nếu dị ứng thú cưng gây bệnh hen suyễn, bạn cũng có thể:
Khó thở
Tức hoặc đau ngực
Tiếng rít hoặc thở khò khè khi thở ra
Khó ngủ do khó thở, Ho hoặc thở khò khè
Các triệu chứng ở da
Một số người bị dị ứng vật nuôi có thể cũng có những triệu chứng ở da, được gọi là viêm da dị ứng. Loại viêm da này là một phản ứng của hệ miễn dịch gây viêm da. Tiếp xúc trực tiếp với vật nuôi gây dị ứng có thể kích hoạt viêm da dị ứng, gây ra các dấu hiệu và triệu chứng như:
Các mảng da đỏ, nổi cộm trên bề mặt da (phát ban)
Chàm
Ngứa
Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Một số dấu hiệu và triệu chứng của dị ứng vật nuôi như chảy nước mũi hoặc hắt hơi, tương tự như cảm lạnh thông thường. Đôi khi, rất khó để biết liệu bạn đang bị Cảm lạnh hay bị dị ứng. Nếu triệu chứng kéo dài hơn hai tuần, bạn có thể bị dị ứng.
Nếu các dấu hiệu và triệu chứng của bạn nghiêm trọng như cảm thấy mũi hoàn toàn bị tắc nghẹt và Khó ngủ hoặc thở khò khè, hãy đến gặp bác sĩ. Đi cấp cứu ngay nếu bạn thở khò khè hoặc tình trạng khó thở nhanh chóng xấu đi hoặc nếu bạn hụt hơi với các hoạt động tối thiểu.
Nguyên nhân
Nguyên nhân nào gây ra dị ứng vật nuôi?
Dị ứng xảy ra khi hệ thống miễn dịch của bạn phản ứng với một chất lạ như phấn hoa, nấm mốc hoặc lông vật nuôi.
Hệ thống miễn dịch tạo ra các protein được gọi là kháng thể. Những kháng thể này bảo vệ bạn khỏi những kẻ xâm nhập không cần thiết mà có thể làm cho bạn bệnh hoặc nhiễm trùng. Khi bạn bị dị ứng, hệ thống miễn dịch sản xuất ra các kháng thể để xác định các chất gây dị ứng mà cơ thể cho là có hại, mặc dù không phải vậy.
Khi bạn hít vào các chất gây dị ứng hoặc tiếp xúc với nó, hệ thống miễn dịch phản ứng và tạo ra một phản ứng viêm trong các đường thông khí ở mũi hoặc phổi. Tiếp xúc với các chất gây dị ứng thường xuyên và kéo dài có thể gây ra viêm đường hô hấp liên tục (mãn tính) liên quan đến hen suyễn.
Mèo và chó
Chất gây dị ứng từ mèo và chó được tìm thấy trong các tế bào da động vật (gàu), cũng như trong nước bọt, nước tiểu, mồ hôi và trên lông của chúng. Gàu là một vấn đề đặc biệt vì nó rất nhỏ và có thể lơ lửng trong không khí trong thời gian dài. Gàu cũng tích tụ một cách dễ dàng trong các đồ nội thất bọc và dính vào quần áo của bạn.
Nước bọt của vật nuôi có thể dính vào thảm, giường, đồ đạc và quần áo. Nước bọt khô có thể lơ lửng trong không khí.
Loại chó mèo được gọi là không gây dị ứng thực ra là loại ít rụng lông, nhưng thực sự không có giống vật nuôi không gây dị ứng.
Loài gặm nhấm và thỏ
Vật nuôi bao gồm chuột, chuột nhảy, chuột đồng và chuột lang. Chấy gây dị ứng từ loài gặm nhấm thường hiện diện trong lông, gàu, nước bọt và nước tiểu. Bụi từ rác hoặc mùn cưa ở đáy lồng có thể góp phần vào các chất gây dị ứng trong không khí từ loài gặm nhấm.
Chất gây dị ứng từ thỏ có trong lông, gàu và nước bọt.
Các vật nuôi khác
Dị ứng ít xảy ra với các loại vật nuôi không có lông như cá và các loài bò sát.
Nguy cơ mắc phải
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc dị ứng vật nuôi?
Dị ứng vật nuôi là tình trạng rất phổ biến. Tuy nhiên, bạn có nhiều khả năng phát triển dị ứng vật nuôi nếu trong gia đình bạn có người bị các dị ứng khác hoặc hen suyễn.
Tiếp xúc với vật nuôi từ khi còn nhỏ có thể giúp bạn tránh được dị ứng vật nuôi. Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng trẻ sống với một con chó trong năm đầu đời có thể có sức đề kháng tốt hơn với nhiễm trùng đường hô hấp trong suốt thời thơ ấu so với những trẻ không tiếp xúc thường xuyên với chó ở tuổi đó.
Phòng ngừa
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn quản lý tình trạng dị ứng vật nuôi?
Loại bỏ các vật nuôi trong nhà thường là cách tốt nhất. Tuy nhiên, nếu bạn vẫn muốn giữ lại thú cưng, bạn có thể áp dụng một số biện pháp sau:
Không để vật nuôi vào phòng ngủ. Hãy đảm bảo cửa phòng ngủ luôn khép kín và dọn dẹp sạch sẽ.
Các chất gây dị ứng của vật nuôi kết dính. Bạn cần loại bỏ đồ nội thất yêu thích của vật nuôi, loại bỏ các thảm sát tường, cọ rửa các bức tường và đồ gỗ. Giữ bề mặt trong nhà sạch và gọn gàng. Tường và sàn nhà để trơn là tốt nhất.
Nếu bạn phải có thảm, hãy chọn loại thảm mỏng và giặt thảm bằng hơi nước thường xuyên. Tốt hơn nữa là sử dụng các tấm thảm rời và rửa chúng trong nước nóng.
Đeo khẩu trang lúc hút bụi. Máy hút bụi khuấy động các chất gây dị ứng đã nằm lâu trên thảm và làm cho dị ứng tồi tệ hơn.
Thay quần áo sau khi tiếp xúc lâu với vật nuôi.
Máy sưởi ấm không khí và máy điều hòa nhiệt độ có thể lây lan các chất gây dị ứng khắp nhà. Che các ống dẫn khí trong phòng ngủ với chất liệu lọc dày như vải.
Lắp thêm một máy lọc không khí kết hợp với một bộ lọc cho hệ thống sưởi ấm trung tâm và máy điều hòa không khí có thể giúp loại bỏ chất gây dị ứng vật nuôi từ không khí. Bật máy làm sạch không khí ít nhất bốn giờ mỗi ngày. Một loại máy lọc sạch không khí khác có một bộ lọc tĩnh điện có thể loại bỏ các hạt kích thước tương đương với chất gây dị ứng động vật từ không khí. Mặc dù vậy, không có bộ lọc khí nào loại bỏ được chất gây dị ứng bị mắc kẹt trên các bề mặt.
Tắm cho vật nuôi mỗi tuần có thể làm giảm chất gây dị ứng trong không khí, nhưng điều này có giúp giảm triệu chứng dị ứng ở người không vẫn là một câu hỏi.
Nhờ một người nào đó không bị dị ứng vật nuôi chải lông và dọn sạch lồng của thú cưng
Điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán dị ứng vật nuôi?
Bác sĩ có thể nghi ngờ dị ứng vật nuôi dựa trên các triệu chứng, khám mũi và các câu trả lời của bạn. Bác sĩ có thể sử dụng một dụng cụ gắn đèn sáng để kiểm tra tình trạng của lớp niêm mạc bao bên trong hốc mũi. Nếu bạn bị dị ứng vật nuôi, lớp niêm mạc mũi có thể sưng lên hoặc có màu tái nhợt hoặc xanh nhạt.
Thử nghiệm dị ứng da
Bác sĩ có thể đề nghị thử nghiệm dị ứng da để xác định chính xác nguyên nhân gây dị ứng. Bạn có thể được giới thiệu tới một chuyên gia dị ứng cho thử nghiệm này.
Trong thử nghiệm này, một lượng nhỏ các chất chiết xuất gây dị ứng tinh khiết bao gồm các chiết xuất từ protein động vật, được đâm vào bề mặt da, thường trên cẳng tay, nhưng cũng có thể được thực hiện trên lưng. Sau 15 phút, bác sĩ hoặc y tá sẽ quan sát da xem có dấu hiệu của phản ứng dị ứng không. Nếu bị dị ứng với mèo, bạn sẽ phát triển một vết sưng màu đỏ, ngứa trên vùng da nơi chất chiết xuất từ mèo được đâm vào. Các tác dụng phụ thường gặp nhất của các xét nghiệm da là ngứa và đỏ. Những tác dụng phụ này thường biến mất trong vòng 30 phút.
Xét nghiệm máu
Trong một số trường hợp, thử nghiệm da không thể thực hiện được do tình trạng da hoặc tương tác với một số thuốc. Bác sĩ có thể yêu cầu thay thế với xét nghiệm sàng lọc máu để tìm các kháng thể gây dị ứng cụ thể với những chất gây dị ứng phổ biến, bao gồm các loại động vật khác nhau. Thử nghiệm này cũng có thể xác định mức độ nhạy cảm của bạn với một chất gây dị ứng.
Những phương pháp nào dùng để điều trị dị ứng vật nuôi?
Điều trị đầu tiên cho kiểm soát dị ứng vật nuôi là tránh các động vật gây dị ứng càng nhiều càng tốt. Khi bạn giảm thiểu tiếp xúc với vật nuôi gây dị ứng, bạn sẽ có những phản ứng dị ứng ít thường xuyên hơn hoặc ít nghiêm trọng.
Việc loại bỏ hoàn toàn tiếp xúc với chất gây dị ứng từ động vật đôi khi rất khó khăn. Thậm chí nếu bạn không nuôi thú cưng, bạn có thể gặp phải chất gây dị ứng vật nuôi lưu trên quần áo của người khác một cách tình cờ.
Ngoài việc tránh các chất gây dị ứng từ vật nuôi, bạn có thể cần thuốc để kiểm soát các triệu chứng.
Thuốc dị ứng
Bác sĩ có thể hướng dẫn bạn một trong các loại thuốc sau để cải thiện các triệu chứng dị ứng mũi:
Thuốc kháng histamin làm giảm sản xuất các hóa chất của hệ miễn dịch đang kích hoạt một phản ứng dị ứng và giúp giảm ngứa, hắt hơi và chảy nước mũi. Thuốc kháng histamine dạng xịt mũi bao gồm azelastine (Astelin, Astepro) và olopatadine (Patanase). Viên nén kháng histamin dạng không cần toa bao gồm fexofenadine (Allegra dị ứng), loratadin (Claritin, Alavert) và cetirizine (Zyrtec dị ứng); sirô kháng histamin không cần toa có sẵn cho trẻ em. Thuốc kháng histamin theo toa như levocetirizine (Xyzal), desloratadine (Clarinex) và các biệt dược khác.
Corticosteroid dạng xịt mũi có thể giảm viêm và kiểm soát các triệu chứng sốt cỏ khô. Những thuốc này bao gồm Flonase Allergy Relief, mometasone furoate (Nasonex), triamcinolone (Nasacort Allergy 24 giờ) và ciclesonide (Omnaris). Corticosteroid dùng đường mũi với liều thấp và ít tác dụng phụ hơn so với corticosteroid dùng để uống.
Thuốc thông mũi có thể giúp thu nhỏ các mô bị sưng phù trong mũi và làm cho bạn thở bằng mũi dễ dàng hơn. Một số viên dị ứng không cần toa kết hợp kháng histamin với thuốc làm thông mũi. Thuốc thông mũi có thể làm tăng huyết áp và thường chống chị định nếu bạn có huyết áp cao, bệnh tăng nhãn áp hoặc bệnh tim mạch. Nói chuyện với bác sĩ xem sử dụng thuốc thông mũi có an toàn cho bạn không. Thuốc thông mũi không cần toa dưới dạng thuốc xịt mũi có thể làm giảm các triệu chứng dị ứng trong thời gian ngắn. Nếu bạn sử dụng một bình xịt thông mũi hơn ba ngày liên tiếp, nó có thể làm tăng tình trạng tắc nghẽn.
Bổ thể leukotrien ngăn chặn tác động của các hóa chất miễn dịch nhất định. Bác sĩ có thể kê toa montelukast (Singulair), nếu thuốc xịt mũi corticosteroid hoặc thuốc kháng histamin không phải là lựa chọn tốt cho bạn. Tác dụng phụ có thể có của montelukast bao gồm nhiễm trùng đường hô hấp trên, đau đầu và sốt. Tác dụng phụ ít gặp hơn bao gồm thay đổi hành vi hay tâm trạng như lo âu hay trầm cảm.
Phương pháp điều trị khác
Liệu pháp miễn dịch. Bạn có thể “đào tạo” hệ thống miễn dịch của mình trở nên ít nhạy cảm với dị nguyên. Phương pháp này được thực hiện thông qua một loạt các mũi tiêm dị ứng được gọi là liệu pháp miễn dịch. Một đến hai mũi tiêm mỗi tuần giúp cơ thể bạn tiếp xúc với liều rất nhỏ của chất gây dị ứng, trong trường hợp này là các protein động vật gây ra phản ứng dị ứng. Liều được tăng dần lên, thường trong khoảng thời gian bốn đến sáu tháng. Các mũi chích nhắc lại được tiêm mỗi bốn tuần trong 3-5 năm. Liệu pháp miễn dịch thường được sử dụng khi các phương pháp điều trị đơn giản khác không hiệu quả.
Rửa mũi. Bạn có thể sử dụng dụng cụ rửa mũi hoặc một chai bóp thiết kế đặc biệt để làm loãng chất nhầy đặc quánh và rửa sạch các xoang bằng dung dịch nước muối pha loãng sẵn. Nếu bạn tự chuẩn bị dung dịch nước muối, hãy sử dụng nước không bị nhiễm bẩn như nước cất, vô trùng, nước đun sôi để nguội hoặc lọc với bộ lọc có lỗ lọc đường kính 1 micron hoặc nhỏ hơn. Hãy chắc chắn rửa sạch các thiết bị rửa mũi sau mỗi lần sử dụng với nước sạch và để nơi khô ráo.