Triệu chứng
Nói líu nhíu; Nói chậm; Không nhỏ hơn tiếng thì thầm; Nói nhanh nhưng gây khó hiểu
Chẩn đoán
Một nhà trị liệu ngôn ngữ học có thể đánh giá lời nói của bạn giúp xác định loại loạn vận ngôn. Điều này sẽ giúp bác sĩ tìm ra nguyên nhân tiềm ẩn gây bệnh
Điều trị
Liệu pháp ngôn ngữ là điều trị duy nhất cho loạn vận ngôn. Mức độ cải thiện của lời nói sẽ tùy thuộc vào tình trạng gây ra nó.
Tổng quan
Loạn vận ngôn là bệnh gì?
Loạn vận ngôn là một tình trạng trong đó các cơ giúp bạn nói chuyện yếu đi hoặc bạn gặp khó khăn kiểm soát chúng. Loạn vận ngôn thường có đặc điểm là nói líu nhíu hoặc nói chậm làm cho người nghe khó hiểu.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của loạn vận ngôn là gì?
Các triệu chứng thường gặp của loạn vận ngôn là:
Nói líu nhíu
Nói chậm
Không nhỏ hơn tiếng thì thầm
Nói nhanh nhưng gây khó hiểu
Nói giọng mũi, thô ráp
Nhịp điệu giọng nói không đồng đều hoặc bất thường
Âm lượng khi nói không đồng đều
Lời nói một ngữ điệu duy nhất
Khó khăn khi vận động lưỡi hoặc các cơ mặt
Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau. Vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.
Nguyên nhân
Nguyên nhân nào gây ra loạn vận ngôn?
Trong loạn vận ngôn, bạn có thể gặp khó khăn khi vận động các cơ trong miệng, mặt hoặc hệ hô hấp trên để kiểm soát lời nói. Các tình trạng có thể gây rối loạn vận ngôn bao gồm:
Chứng xơ cứng teo cơ một bên (ALS hoặc bệnh Lou Gehrig)
Chấn thương não
U não
Bệnh bại não
Hội chứng Guillain-Barre
Chấn thương ở đầu
Bệnh Huntington
Bệnh Lyme
Bệnh đa xơ cứng
Chứng loạn dưỡng cơ
Suy nhược thần kinh
Bệnh Parkinson
Đột quỵ
Bệnh Wilson
Một số loại thuốc như chất ma tuý hoặc thuốc an thần cũng có thể gây loạn vận ngôn.
Nguy cơ mắc phải
Những ai thường mắc phải loạn vận ngôn?
Vẫn chưa có đủ dữ liệu về tỷ lệ người mắc bệnh loạn vận ngôn. Hãy thảo luận với bác sĩ để biết thêm thông tin.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc loạn vận ngôn?
Có rất nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc loạn vận ngôn như:
Nguy cơ đột qụy cao;
Bệnh thoái hóa não;
Các bệnh thần kinh – cơ;
Lạm dụng chất gây nghiện;
Tuổi cao cùng với sức khoẻ kém.
Bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.
Phòng ngừa
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của loạn vận ngôn?
Các lối sống và biện pháp tại nhà sau đây có thể giúp bạn đối phó với loạn vận ngôn:
Nói chậm. Người nghe có thể hiểu bạn tốt hơn khi có thêm thời gian để suy nghĩ về những gì họ đang nghe.
Bắt đầu từ từ. Giới thiệu chủ đề của bạn bằng một từ hoặc một cụm từ ngắn trước khi nói các câu dài hơn.
Đánh giá sự hiểu biết. Bạn cần xác nhận rằng người nghe biết rõ những gì bạn đang nói.
Nếu bạn mệt mỏi, hãy ngưng lại. Mệt mỏi có thể làm cho bài phát biểu khó hiểu hơn.
Có bản sao lưu. Viết các tin nhắn bạn thường hay nói và mang bên mình
Sử dụng hình ảnh thay thế. Bạn hãy tạo bản vẽ và biểu đồ hay sử dụng hình ảnh trong các cuộc trò chuyện, vì vậy bạn không phải nói tất cả mọi thứ.
Điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán loạn vận ngôn?
Một nhà trị liệu ngôn ngữ học có thể đánh giá lời nói của bạn giúp xác định loại loạn vận ngôn. Điều này sẽ giúp bác sĩ tìm ra nguyên nhân tiềm ẩn gây bệnh
Ngoài việc thực hiện khám thực thể, bác sĩ có thể yêu cầu các xét nghiệm bao gồm:
Xét nghiệm hình ảnh. Xét nghiệm hình ảnh chẳng hạn như chụp MRI hoặc CT tạo ra hình ảnh chi tiết về não, đầu và cổ để giúp xác định nguyên nhân gây ra vấn đề lời nói.
Thăm dò về não và thần kinh. Chúng có thể giúp bác sĩ xác định nguồn gốc các triệu chứng của bạn. Điện não đồ đo hoạt động điện trong não. Điện cơ đánh giá hoạt động điện trong dây thần kinh khi chúng truyền tải thông tin đến cơ. Các thăm dò về dẫn truyền thần kinh đo sức mạnh và tốc độ của các tín hiệu điện khi chúng đi qua dây thần kinh tới cơ.
Xét nghiệm máu và nước tiểu. Chúng có thể giúp xác định xem có bệnh truyền nhiễm hoặc tình trạng viêm nào gây ra các triệu chứng bệnh.
Chọc dò thắt lưng cột sống. Trong thủ thuật này, bác sĩ hoặc y tá sẽ chích một cây kim ở phần lưng dưới của bạn để lấy ra một mẫu nhỏ dịch não tủy làm xét nghiệm. Chọc dò thắt lưng có thể giúp chẩn đoán nhiễm trùng nghiêm trọng, rối loạn hệ thần kinh trung ương và ung thư não hoặc tủy sống.
Sinh thiết não. Nếu nghi ngờ khối u não, bác sĩ có thể lấy một mẫu mô nhỏ của não để kiểm tra.
Kiểm tra thần kinh tâm lý. Đây là phương pháp giúp đánh giá khả năng suy nghĩ (nhận thức), kỹ năng, khả năng nghe hiểu, đọc và viết cũng như các kỹ năng khác. Loạn vận ngôn không ảnh hưởng đến khả năng nhận thức về lời nói và viết, nhưng tình trạng sức khỏe tiềm ẩn thì có thể.
Những phương pháp nào dùng để điều trị loạn vận ngôn?
Liệu pháp ngôn ngữ là điều trị duy nhất cho loạn vận ngôn. Mức độ cải thiện của lời nói sẽ tùy thuộc vào tình trạng gây ra nó.
Chuyên gia trị liệu sẽ hướng dẫn cho bạn:
Các bài tập để tăng cường cơ của miệng và hàm
Các cách nói rõ ràng hơn, chẳng hạn như nói chậm hơn hoặc dừng lại để bắt hơi thở
Làm thế nào để kiểm soát hơi thở, giúp cho tiếng nói của bạn to hơn
Cách sử dụng các thiết bị như bộ khuếch đại để cải thiện âm thanh của giọng nói
Chuyên gia trị liệu cũng sẽ cho lời khuyên để giúp bạn giao tiếp chẳng hạn như:
Mang theo sổ tay hoặc điện thoại thông minh bên mình. Nếu ai đó không hiểu bạn, hãy viết hoặc nhập những gì mình muốn nói.
Luôn tạo sự chú ý của người khác.
Nói chậm.
Nói chuyện trực tiếp nếu bạn có thể. Người khác có thể hiểu bạn tốt hơn nếu họ có thể nhìn thấy chuyển động miệng của bạn.
Cố gắng không nói chuyện ở những nơi ồn ào như ở nhà hàng hay bữa tiệc. Bật nhạc hoặc TV nhỏ lại trước khi nói chuyện.
Sử dụng các biểu hiện trên khuôn mặt hoặc cử chỉ hình thể để biểu lộ ý bạn nói.
Sử dụng những cụm từ ngắn và dễ nói
Chuyên gia trị liệu sẽ làm việc với gia đình bạn để giúp họ hiểu bạn tốt hơn bằng cách:
Hỏi xem họ có hiểu bạn đang nói gì không
Cho bạn thời gian để nói hoàn chỉnh
Nhìn vào bạn khi đang nói chuyện
Lặp lại phần họ đã hiểu để bạn không phải nói lại toàn bộ
Cố gắng không xen vào khi bạn đang nói