Triệu chứng
Các mảng hình oval màu đỏ hoặc tím trên da, thường ở phần bụng, ngực hoặc lưng; Các mảng dần dần phát triển vùng trung tâm nhạt màu hoặc màu trắng
Chẩn đoán
Bác sĩ có thể chẩn đoán morphea bằng cách kiểm tra vùng da bị ảnh hưởng và hỏi bạn về các dấu hiệu và triệu chứng của bạn. Bác sĩ có thể lấy một mẫu nhỏ từ vùng da bị ảnh hưởng (sinh thiết da) để kiểm tra trong phòng thí nghiệm
Điều trị
Phototherapy (liệu pháp ánh sáng sử dụng ánh sáng cực tím nhân tạo); Bôi kem vitamin D gọi là calcipotriene (Dovonex)
Tổng quan
Morphea là gì?
Morphea là một tình trạng da có liên quan đến một mảng hay nhiều mảng da bị đổi màu hoặc dày cứng trên mặt, cổ, tay, thân hoặc bàn chân. Morphea chủ yếu ảnh hưởng đến da và không liên quan đến các cơ quan nội tạng. Trong hầu hết các trường hợp, tình trạng này tự khỏi, nhưng bạn có thể bị tái phát. Các hình thức nặng hơn có thể dẫn đến dị dạng Thẩm mỹ và đôi khi ảnh hưởng đến cơ, khớp hoặc xương.
Mức độ phổ biến của morphea?
Tình trạng này hiếm gặp và được cho là ảnh hưởng ít hơn 3 trong 100.000 người. Hãy thảo luận với bác sĩ để biết thêm thông tin.
Triệu chứng
Những dấu hiệu và triệu chứng của morphea?
Các triệu chứng phổ biến của morphea là:
Các mảng hình oval màu đỏ hoặc tím trên da, thường ở phần bụng, ngực hoặc lưng
Các mảng dần dần phát triển vùng trung tâm nhạt màu hoặc màu trắng
Các mảng xếp thẳng hàng, đặc biệt trên cánh tay hoặc chân
Một sự thay đổi dần dần trên vùng da bị ảnh hưởng, da trở nên cứng, dày, khô và không sáng bóng
Rụng tóc và mất tuyến mồ hôi ở khu vực bị ảnh hưởng theo thời gian
Morphea thường chỉ ảnh hưởng đến da và mô dưới da, hiếm ảnh hưởng đến xương. Tình trạng này thường kéo dài vài năm và sau đó tự biến mất. Nhưng nó thường để lại những mảng da tối hoặc đổi màu.
Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau, vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.
Nguyên nhân
Nguyên nhân nào gây ra morphea?
Nguyên nhân chính xác của morphea vẫn chưa được biết rõ. Bệnh được cho là một rối loạn miễn dịch, có nghĩa là hệ thống miễn dịch tấn công da. Các tế bào sản xuất collagen có thể hoạt động quá mức và sản xuất quá nhiều collagen.
Collagen là một loại protein thường được tìm thấy trong da giúp cung cấp cấu trúc hỗ trợ. Quá nhiều collagen sẽ làm cho da trở nên khô cứng. Morphea có thể bị kích hoạt bởi xạ trị, các chấn thương lặp đi lặp lại trên da, tiếp xúc với môi trường hoặc nhiễm trùng.
Morphea không lây nhiễm, vì vậy bạn không mắc tình trạng này do lây lan bằng cách chạm vào người khác.
Nguy cơ mắc phải
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc morphea?
Có rất nhiều yếu tố nguy cơ cho morphea như:
Giới tính và tuổi tác. Nữ giới có nhiều khả năng phát triển morphea hơn nam giới. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, thường xuất hiện ở độ tuổi từ 2–14 hoặc vào giữa độ tuổi 40.
Chủng tộc. Morphea phổ biến hơn ở những người da trắng.
Phòng ngừa
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn quản lý morphea?
Vì morphea làm khô vùng da bị ảnh hưởng, việc làm ẩm có thể giúp làm mềm và cải thiện cảm giác của da. Nên tránh tắm dưới vòi sen nước nóng vì chúng có thể làm khô da.
Điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán morphea?
Bác sĩ có thể chẩn đoán morphea bằng cách kiểm tra vùng da bị ảnh hưởng và hỏi bạn về các dấu hiệu và triệu chứng của bạn. Bác sĩ có thể lấy một mẫu nhỏ từ vùng da bị ảnh hưởng (sinh thiết da) để kiểm tra trong phòng thí nghiệm. Cách này có thể cho thấy những biến đổi ở da như sự dày lên của collagen trong lớp thứ hai của da (lớp hạ bì). Collagen là một protein tạo nên mô liên kết, bao gồm cả da. Nó giúp cho làn da của bạn đàn hồi và dẻo dai.
Điều quan trọng là phải phân biệt morphea với bệnh xơ cứng bì hệ thống, vì vậy nếu bạn có morphea, bác sĩ có thể giới thiệu bạn đến một chuyên gia về các rối loạn da (bác sĩ da liễu) hoặc các rối loạn về khớp, xương và cơ (bác sĩ chuyên về khớp).
Nếu con của bạn có morphea ở đầu và cổ, nên đưa trẻ đi khám mắt toàn diện thường xuyên, vì morphea có thể gây tổn thương mắt không gây chú ý nhưng không đảo ngược được.
Siêu âm và chụp cộng hưởng từ (MRI) có thể hữu ích trong kiểm soát tiến triển của bệnh và cách nó đáp ứng với điều trị.
Những phương pháp nào dùng để điều trị morphea?
Không có phương pháp chữa cho morphea. Điều trị phụ thuộc vào loại morphea và mức độ nghiêm trọng của nó. Mục đích điều trị hiện nay là nhằm kiểm soát các triệu chứng cho đến khi morphea tự biến mất, thường trong vòng năm năm. Đối với morphea giới hạn, các lựa chọn điều trị được có thể bao gồm:
Phototherapy (liệu pháp ánh sáng sử dụng ánh sáng cực tím nhân tạo)
Bôi kem vitamin D gọi là calcipotriene (Dovonex)
Đối với các loại morphea rộng hơn hoặc tiến triển nhanh chóng, bác sĩ có thể khuyên dùng thuốc như methotrexate hoặc steroid liều cao.
Ở nhà, bạn có thể bôi kem dưỡng ẩm giúp làm dịu da. Cố gắng tránh tắm vòi sen nước nóng lâu hay bất cứ điều gì có thể làm khô da của bạn. Các phương pháp điều trị khác bao gồm:
Bôi kem chống nắng trước khi đi ra ngoài
Tránh xà phòng và hóa chất mạnh tiếp xúc với da
Sử dụng máy tạo độ ẩm để tăng thêm độ ẩm cho không khí, đặc biệt vào mùa đông
Vận động thường xuyên để cải thiện tuần hoàn máu
Trong trường hợp nặng hơn, bao gồm các tổn thương gây biến dạng hoặc các vấn đề về khớp, điều trị tích cực là cần thiết để chống viêm và ngăn ngừa dị tật, bao gồm:
Corticosteroid
Methotrexate
Vật lý trị liệu
Trẻ em với morphea ở đầu và cổ cần được khám mắt thường xuyên với bác sĩ nhãn khoa.