Triệu chứng
Kéo lê một chân; Chuột rút ở bàn chân; Cổ bị giật tự phát
Chẩn đoán
Xét nghiệm máu hoặc nước tiểu. Những xét nghiệm này có thể cho thấy các dấu hiệu của độc tố hoặc các tình trạng khác
Điều trị
Tiêm onabotulinumtoxinA (Botox) vào các cơ cụ thể có thể làm giảm hoặc loại bỏ các cơn co thắt cơ và cải thiện các tư thế bất thường. Các mũi tiêm thường được lặp lại cứ 3 đến 4 tháng một lần
Tổng quan
Rối Loạn trương lực cơ là gì?
Rối loạn trương lực cơ là một rối loạn vận động xảy ra khi cơ thể không thể kiểm soát được sự co thắt của các cơ. Sự co thắt ảnh hưởng đến một phần của cơ thể gây ra xoắn vặn tự phát, dẫn đến các cử động lặp đi lặp lại hoặc tư thế bất thường. Rối loạn trương lực cơ có thể ảnh hưởng đến một cơ, một nhóm cơ hoặc toàn bộ cơ thể.
Mức độ phổ biến của rối loạn trương lực cơ
Rối loạn trương lực cơ ảnh hưởng đến khoảng 1% dân số, nữ giới dễ bị tổn thương hơn nam giới. Hãy thảo luận với bác sĩ để biết thêm thông tin.
Triệu chứng
Những dấu hiệu và triệu chứng rối loạn trương lực cơ là gì?
Các triệu chứng của rối loạn trương lực cơ có thể dao động từ rất nhẹ đến nặng. Rối loạn trương lực cơ có thể ảnh hưởng đến các phần khác nhau của cơ thể và các triệu chứng của rối loạn trương lực cơ thường tiến triển qua nhiều giai đoạn. Một số triệu chứng ban đầu bao gồm:
Kéo lê một chân
Chuột rút ở bàn chân
Cổ bị giật tự phát
Nhấp nháy Mắt không kiểm soát được
Nói khó khăn
Căng thẳng hoặc mệt mỏi có thể gây ra các triệu chứng hoặc khiến chúng trầm trọng hơn. Những người mắc chứng rối loạn trương lực thường đau đớn và mệt mỏi do co thắt cơ liên tục.
Nếu các triệu chứng rối loạn trương lực cơ xảy ra ở trẻ em, chúng thường xuất hiện đầu tiên ở bàn chân hoặc bàn tay và nhanh chóng tiến tới các phần còn lại của cơ thể. Tuy nhiên, sau tuổi niên thiếu, tốc độ tiến triển có xu hướng chậm lại.
Khi rối loạn trương lực cơ xuất hiện ở đầu tuổi trưởng thành, nó thường bắt đầu ở phần trên cơ thể. Sau đó, các triệu chứng tiến triển chậm. Rối loạn trương lực cơ bắt đầu ở đầu tuổi trưởng thành vẫn còn tập trung hoặc phân đoạn: chúng ảnh hưởng đến một hoặc hai hay nhiều bộ phận lân cận trên cơ thể.
Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau, vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất
Nguyên nhân
Nguyên nhân nào gây ra rối loạn trương lực cơ?
Nguyên nhân chính xác gây rối loạn trương lực cơ không được biết đến, nhưng tình trạng này có thể liên quan đến việc truyền thông tin của tế bào thần kinh bị thay đổi ở một số vùng trong não. Một số dạng rối loạn trương lực cơ là do di truyền.
Rối loạn trương lực cơ cũng có thể là triệu chứng của một bệnh hoặc tình trạng bệnh lý bao gồm:
Bệnh Parkinson
Bệnh Huntington (bệnh múa giật)
Bệnh Wilson
Chấn thương sọ não
Chấn thương khi sinh đẻ
Đột quỵ
Khối u não hoặc một số rối loạn phát triển ở một số người mắc bệnh ung thư (hội chứng rối loạn do tế bào ung thư bị phá vỡ)
Thiếu oxy hoặc ngộ độc carbon monoxide
Nhiễm trùng như bệnh lao hoặc viêm não
Phản ứng với một số loại thuốc hoặc ngộ độc kim loại nặng
Nguy cơ mắc phải
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc rối loạn trương lực cơ?
Có nhiều yếu tố nguy cơ gây rối loạn trương lực cơ như:
Yếu tố di truyền
Tổn thương não hoặc hệ thần kinh
Đột quỵ
Dùng các loại thuốc nhất định (như thuốc an thần kinh)
Nhiễm trùng (do virus, vi khuẩn hoặc nấm)
Ngộ độc (như chì)
Thực hiện các cử động tay cần sự chính xác cao (như nhạc sĩ, nghệ sĩ, kỹ sư)
Phòng ngừa
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn quản lý rối loạn trương lực cơ?
Lối sống và các biện pháp khắc phục tại nhà sau có thể giúp bạn đối phó với rối loạn trương lực cơ:
Các kích thích cảm giác giúp giảm co thắt. Chạm vào một số bộ phận nhất định của cơ thể có thể làm tình trạng co thắt dừng lại tạm thời.
Nhiệt hoặc lạnh. Chườm nhiệt hoặc lạnh có thể giúp giảm đau cơ bắp.
Kiểm soát căng thẳng. Học các kỹ năng đối phó hiệu quả để quản lý căng thẳng như thở sâu, hỗ trợ xã hội và suy nghĩ tích cực.
Điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán rối loạn trương lực cơ?
Để chẩn đoán rối loạn trương lực cơ, bác sĩ sẽ bắt đầu thu thập bệnh sử y tế và khám sức khỏe. Để xác định xem tình trạng cơ bản nào gây ra các triệu chứng, bác sĩ có thể đề nghị:
Xét nghiệm máu hoặc nước tiểu. Những xét nghiệm này có thể cho thấy các dấu hiệu của độc tố hoặc các tình trạng khác.
Chụp MRI hoặc CT. Những xét nghiệm hình ảnh này có thể xác định những bất thường trong não như khối u, tổn thương hoặc bằng chứng đột quỵ.
Điện cơ (EMG). Xét nghiệm này đo lường hoạt động điện trong cơ bắp.
Những phương pháp nào dùng để điều trị rối loạn trương lực cơ?
Để kiểm soát các cơn co thắt cơ, bác sĩ có thể khuyên bạn nên kết hợp các loại thuốc, liệu pháp hoặc phẫu thuật.
Các loại thuốc
Tiêm onabotulinumtoxinA (Botox) vào các cơ cụ thể có thể làm giảm hoặc loại bỏ các cơn co thắt cơ và cải thiện các tư thế bất thường. Các mũi tiêm thường được lặp lại cứ 3 đến 4 tháng một lần.
Tác dụng phụ của các thuốc này thường nhẹ và tạm thời, bao gồm yếu, khô miệng hoặc thay đổi giọng nói.
Các loại thuốc khác nhắm vào hóa chất trong não (chất dẫn truyền thần kinh) ảnh hưởng đến chuyển động của cơ. Các lựa chọn bao gồm:
Carbidopa-levodopa (Duopa, Rytary, những biệt dược khác). Thuốc này có thể làm tăng nồng độ chất dẫn truyền thần kinh dopamin.
Trihexyphenidyl và benztropine (Cogentin). Những loại thuốc này hoạt động trên chất dẫn truyền thần kinh khác với dopamine. Tác dụng phụ có thể là mất trí nhớ, mờ mắt, buồn ngủ, khô miệng và táo bón.
Tetrabenazine (Austedo, Xenazine). Thuốc này ngăn chặn dopamine. Các tác dụng phụ có thể là buồn ngủ, căng thẳng, trầm cảm hoặc mất ngủ.
Diazepam (Valium), clonazepam (Klonopin) và baclofen (Lioresal, Gablofen). Những thuốc này làm giảm việc dẫn truyền thần kinh và có thể có tác dụng đối với một số dạng rối loạn trương lực cơ. Chúng có thể gây ra tác dụng phụ như buồn ngủ.
Điều trị
Bác sĩ có thể đề nghị:
Liệu pháp vật lý hoặc trị liệu nghề nghiệp hay cả hai để giúp giảm bớt các triệu chứng và cải thiện chức năng
Ngôn ngữ trị liệu nếu rối loạn trương lực cơ ảnh hưởng đến giọng nói
Kéo giãn hoặc xoa bóp để giảm đau cơ bắp
Phẫu thuật
Nếu triệu chứng nặng hơn, bác sĩ có thể đề nghị:
Kích thích não sâu. Các điện cực được cấy vào một bộ phận cụ thể trong não và kết nối với một máy phát điện được cấy vào ngực. Máy phát điện sẽ gửi xung điện đến não để giúp kiểm soát các cơn co thắt cơ. Sự sắp đặt trên máy phát điện có thể được điều chỉnh cho việc điều trị tùy thuộc vào tình trạng cụ thể của mỗi bệnh nhân.
Phẫu thuật điều trị chọn lọc. Thủ thuật này bao gồm việc cắt các dây thần kinh kiểm soát co thắt cơ, đây có thể là một lựa chọn để điều trị một số rối loạn trương lực cơ đã thất bại khi sử dụng các phương pháp điều trị khác.