Triệu chứng
Đối với trường hợp bệnh rất nhẹ, một lượng nhỏ nước tiểu đôi khi rỉ ra (chảy nhỏ giọt) khi ho hoặc hắt hơi hoặc trên đường đi vào nhà vệ sinh
Chẩn đoán
Chẩn đoán bao gồm xem xét bệnh sử, chụp X-quang, xét nghiệm máu, nước tiểu và các xét nghiệm khác để kiểm tra bàng quang hoạt động như thế nào
Điều trị
Làm khỏe cơ thắt vùng chậu thường là bước đầu tiên để kiểm soát tiểu không kiểm soát do tăng áp lực ổ bụng. Bài tập giúp thắt chặt các cơ này gọi là bài tập Kegel
Tổng quan
Tiểu không kiểm soát là bệnh gì?
Tiểu không kiểm soát là tình trạng không thể kiểm soát được quá trình đi tiểu. Người bệnh sẽ bị mất khả năng kiểm soát bàng quang và kết quả là sẽ tiểu són ra ngoài, thậm chí nhiều trường hợp cần phải mang tã. Tuy việc Tiểu không kiểm soát làm cho người bệnh xấu hổ nhưng đây là chứng bệnh thường gặp ở nhiều người.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của tiểu không kiểm soát là gì?
Đối với trường hợp bệnh rất nhẹ, một lượng nhỏ nước tiểu đôi khi rỉ ra (chảy nhỏ giọt) khi Ho hoặc hắt hơi hoặc trên đường đi vào nhà vệ sinh. Đối với bệnh nhẹ đến vừa, nước tiểu rỉ ra hằng ngày và cần phải dùng tã. Đối với bệnh nặng, lượng nước tiểu chảy ra ngoài có thể thấm ướt hết vài miếng tã mỗi ngày. Tiểu không kiểm soát có thể làm hạn chế các hoạt động hàng ngày.
Bạn có thể có các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Trong một số trường hợp, bệnh có thể cản trở hoạt động thường ngày. Nên gọi cho bác sĩ nếu:
Tiểu không kiểm soát quá thường xuyên
Són tiểu ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống
Những điều này khá quan trọng bởi vì tiểu không kiểm soát có thể:
Là triệu chứng của một loại bệnh lý nghiêm trọng khác
Giới hạn hoạt động xã hội của bạn
Tăng nguy cơ té ngã ở người cao tuổi khi họ phải đi vội đến nhà vệ sinh
Nguyên nhân
Nguyên nhân nào gây ra tiểu không kiểm soát?
Có ba dạng phổ biến nhất là tiểu không kiểm soát do tăng áp lực ổ bụng, tiểu không kiểm soát cấp kỳ và tiểu không kiểm soát khi đầy bàng quang.
Tiểu không kiểm soát do tăng áp lực ổ bụng xảy ra khi thực hiện một số hoạt động như ho, hắt hơi, nâng vật, tập thể dục. Bệnh cũng có thể gây ra do mang thai, sinh đẻ hoặc lão hóa
Tiểu không kiểm soát cấp kỳ là nước tiểu chảy ra khi cần đi vệ sinh gấp. Bệnh có thể gây ra bởi thuốc, caffeine, thức uống có cồn hoặc lão hóa
Tiểu không kiểm soát khi đầy bàng quang là trường hợp bàng quang luôn luôn có nước tiểu. Người bệnh có cảm giác không đi tiểu hết được và nước tiểu sẽ nhỏ giọt suốt ngày. Nhiều vấn đề về bàng quang sẽ trở nên nặng hơn khi mãn kinh
Nguy cơ mắc phải
Những ai thường mắc phải tiểu không kiểm soát?
Tiểu không kiểm soát là một bệnh rất phổ biến. Bệnh thường ảnh hưởng đến nữ giới nhiều hơn nam giới, có đến 60% số người mắc chứng tiểu không kiểm soát là nữ. Bệnh có thể xuất hiện ở bất kỳ lứa tuổi nào. Bạn có thể hạn chế khả năng mắc bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết đối với trường hợp của bạn.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ tiểu không kiểm soát?
Có rất nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ tiểu không kiểm soát, bao gồm:
Giới tính: nữ dễ bị tiểu không kiểm soát do chịu đựng việc tăng áp lực ổ bụng. Sự khác biệt này là do các tình trạng mang thai, sinh đẻ, mãn kinh và giải phẫu ở nữ. Tuy nhiên, nam giới có vấn đề về tuyến tiền liệt có nguy cơ tiểu không kiểm soát khi đi vệ sinh gấp hoặc do bàng quang quá đầy.
Tuổi tác: khi bạn lớn tuổi, cơ bàng quang và niệu đạo yếu đi. Những thay đổi này làm giảm lượng nước tiểu mà bàng quang có thể chứa được và tăng nguy cơ mắc bệnh.
Thừa cân: tình trạng này làm tăng áp lực lên cơ bàng quang và các cơ lân cận, làm chúng yếu đi và gây nước tiểu rỉ ra khi ho hoặc hắt hơi.
Các bệnh lý khác: bệnh lý thần kinh hoặc tiểu đường cũng làm tăng nguy cơ tiểu không kiểm soát.
Phòng ngừa
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của tiểu không kiểm soát?
Tiểu không kiểm soát có thể được hạn chế nếu bạn:
Tập các bài tập Kegel đúng cách
Uống thuốc theo chỉ dẫn
Chăm sóc kỹ hơn vùng sinh môn để tránh kích ứng da
Dùng khăn lau sạch người
Để da khô tự nhiên ngoài không khí
Tránh rửa và ngâm nước cơ quan sinh dục quá thường xuyên bởi vì những việc này có thể làm mất đi tác dụng của hàng rào bảo vệ chống nhiễm trùng bàng quang
Xem xét việc sử dụng kem bảo vệ, chẳng hạn như dầu petroleum hoặc bơ cocoa
Điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán tiểu không kiểm soát?
Chẩn đoán bao gồm xem xét bệnh sử, chụp X-quang, xét nghiệm máu, nước tiểu và các xét nghiệm khác để kiểm tra bàng quang hoạt động như thế nào. Các xét nghiệm chuyên biệt về niệu động học như đo áp lực trong bàng quang, lưu lượng nước tiểu và lượng nước tiểu còn lại trong bàng quang sau khi tiểu tiện.
Các xét nghiệm mà bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện:
Tổng phân tích nước tiểu: kiểm tra mẫu nước tiểu tìm dấu hiệu của nhiễm trùng, vết máu hoặc các bất thường khác.
Ghi nhật ký đi tiểu: trong vòng nhiều ngày bạn sẽ ghi lại lượng nước uống vào, thời điểm đi tiểu, lượng nước tiểu, bạn có muốn tiểu gấp hay không và số lần tiểu không kiểm soát diễn ra.
Đo lượng nước tiểu tồn dư sau khi đi tiểu: bạn sẽ được yêu cầu đi tiểu vào trong một bình chứa có vạch đo thể tích. Sau đó, bác sĩ sẽ kiểm tra lượng nước tiểu còn lại trong bàng quang bằng cách sử dụng catheter hoặc siêu âm. Lượng nước tiểu tồn dư còn nhiều chứng tỏ bạn bị tắc nghẽn đường niệu hoặc có vấn đề với cơ hoặc dây thần kinh của bàng quang.
Nếu cần thêm thông tin, bác sĩ có thể chỉ định:
Xét nghiệm niệu động học: bác sĩ hoặc điều dưỡng sẽ đưa ống thông tiểu vào niệu đạo, tới bàng quang và bơm nước vào. Cùng lúc đó, một máy đo áp lực sẽ đo và ghi nhận áp lực bên trong bàng quang. Xét nghiệm này giúp đo sức cơ bàng quang và cơ thắt niệu đạo, điều này quan trọng để phân biệt các loại tiểu không kiểm soát;
Soi bàng quang: bác sĩ sẽ đưa một ống mỏng với thấu kính nhỏ vào niệu đạo. Bác sĩ sẽ kiểm tra và loại bỏ sỏi niệu nếu có;
Chụp bàng quang: bác sĩ đưa một ống tông tiểu vào niệu đạo, bàng quang và bơm vào đó thuốc cản quang. Khi bạn đi tiểu và tống lượng thuốc này ra, phim X-quang bàng quang sẽ giúp tìm ra các vấn đề của đường niệu;
Siêu âm vùng chậu: đây là cách để kiểm tra bất thường đường niệu hoặc hệ sinh dục.
Những phương pháp nào dùng để điều trị tiểu không kiểm soát?
Làm khỏe cơ thắt vùng chậu thường là bước đầu tiên để kiểm soát tiểu không kiểm soát do tăng áp lực ổ bụng. Bài tập giúp thắt chặt các cơ này gọi là bài tập Kegel. Nếu bài tập Kegel không giúp ích, các bài tập vật lý trị liệu đặc biệt có thể được áp dụng cải thiện khả năng kiểm soát bàng quang. Các liệu pháp này bao gồm phản hồi sinh học và kích thích điện.
Các thiết bị đặc biệt gọi là vòng nâng cũng có mặt thị trường để điều trị tiểu không kiểm soát do tăng áp lực ổ bụng. Các thiết bị này có thể được dùng để nâng đỡ các cơ quan chẳng hạn như bàng quang. Đôi khi vòng nâng hữu ích khi bệnh nhân chỉ bị rỉ nước tiểu trong một số hoạt động cụ thể như chạy bộ, thể dục nhịp điệu và đua ngựa.
Bước đầu tiên trong điều trị tiểu không kiểm soát khi đi vệ sinh gấp thường là tập đi vệ sinh vào những thời điểm nhất định. Bạn có thể điều chỉnh thời gian giữa các lần đi tiểu được 3 tiếng vào ban ngày mà không bị rỉ nước tiểu ra ngoài. Thỉnh thoảng thuốc có thể hỗ trợ tập luyện cơ bàng quang. Các thuốc này có thể gây khô miệng hoặc mắt nhưng nhìn chung có thể hiệu quả tốt với bệnh. Nhiều phẫu thuật có thể được dùng để điều trị tiểu không kiểm soát do tăng áp lực ổ bụng. Các chuyên gia như bác sĩ phụ khoa hoặc bác sĩ niệu khoa sẽ thực hiện các phẫu thuật này.