Trào ngược ở nhũ nhi

Trào ngược ở nhũ nhi xảy ra khi thức ăn bị tống ngược từ dạ dày gây ra nôn ở trẻ. Tình trạng này hiếm khi nghiêm trọng và ít dần đi khi trẻ lớn lên

Triệu chứng

Trào ngược trở nên bất thường vì các chất trong dạ dày chứa đủ lượng axit gây kích ứng họng hay thực quản và gây ra các dấu hiệu và triệu chứng bệnh.

Chẩn đoán

Nếu các kiểm tra khác là cần thiết, bác sĩ có thể yêu cầu:

  • Siêu âm

  • Xét nghiệm
  • Đo pH thực quản
  • X-quang
  • Nội soi cao

Điều trị

Chia nhỏ bữa ăn và cho trẻ ăn nhiều bữa hơn. Giúp trẻ ợ hơi nhiều lần khi cho trẻ ăn

Tổng quan

Trào ngược ở nhũ Nhi là gì?

Trào ngược ở nhũ nhi xảy ra khi thức ăn bị tống ngược từ dạ dày gây ra nôn ở trẻ. Tình trạng này hiếm khi nghiêm trọng và ít dần đi khi trẻ lớn lên. Nếu Trào ngược ở nhũ nhi tiếp tục sau 18 tháng tuổi thì đây là tình trạng bất thường.

Trào ngược xảy ra nhiều lần trong ngày ở trẻ sơ sinh khỏe mạnh. Nếu con bạn khỏe mạnh, thoải mái và phát triển tốt, trào ngược không phải là một vấn đề đáng lo ngại.

Hiếm khi trào ngược ở nhũ nhi là dấu hiệu của một vấn đề y tế như dị ứng, tắc nghẽn trong hệ thống tiêu hóa hoặc bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD).

Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của trào ngược ở trẻ nhũ nhi?

Trào ngược thường không phải là một lý do đáng lo ngại ở trẻ nhũ nhi. Trào ngược trở nên bất thường vì các chất trong dạ dày chứa đủ lượng axit gây kích ứng họng hay thực quản và gây ra các dấu hiệu và triệu chứng bệnh.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Bạn nên liên hệ với bác sĩ nếu trẻ:

  • Không tăng cân

  • Thức ăn từ dạ dày ộc mạnh ra khỏi miệng trẻ

  • Phun ra chất lỏng màu xanh lá cây hoặc màu vàng

  • Phun ra máu hoặc chất trông giống như cà phê

  • Từ chối thức ăn

  • Có máu trong phân

  • Khó thở hoặc Ho lâu ngày

  • Bắt đầu phun ói ra khi 6 tháng tuổi trở lên

  • Cáu kỉnh bất thường sau khi ăn

Nếu con bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau. Vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương pháp thích hợp nhất.

Trào ngược ở nhũ nhi - Ảnh minh họa 1

Nguyên nhân

Nguyên nhân nào gây ra trào ngược ở nhũ nhi?

Trong cơ thể, một cơ (cơ vòng thực quản dưới) hoạt động như một van đóng mở giữa thực quản và dạ dày. Khi bé nuốt, cơ này thư giãn để thức ăn đi từ thực quản đến dạ dày. Cơ này thường đóng, vì vậy thức ăn trong dạ dày không chảy ngược vào thực quản.

Ở những trẻ bị trào ngược, cơ thắt thực quản dưới không phát triển đầy đủ và cho phép thức ăn ở dạ dày trở lại thực quản. Điều này làm cho em bé bị nôn. Khi cơ vòng phát triển đầy đủ, trẻ không bị nôn ộc ra nữa.

Ở những trẻ bị bệnh trào ngược dạ dày thực quản, cơ vòng trở nên yếu hoặc giãn ra trong khi nó phải đóng.

Nguy cơ mắc phải

Mức độ phổ biến của trào ngược ở nhũ nhi?

Trào ngược là tình trạng rất phổ biến ở trẻ nhỏ. Khoảng một nửa số trẻ sơ sinh bị trào ngược nhiều lần trong ngày trong 3 tháng đầu tiên. Trào ngược thường hết khi trẻ được 12-14 tháng tuổi. Bệnh trào ngược dạ dày thực quản cũng phổ biến ở trẻ nhỏ hơn, nhiều trẻ 4 tháng tuổi có chứng này. Tuy nhiên, khi qua 1 tuổi, chỉ 10% trẻ vẫn còn bệnh này. Hãy thảo luận với bác sĩ để biết thêm thông tin.

Phòng ngừa

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của trào ngược ở nhũ nhi?

Lối sống và các biện pháp khắc phục tại nhà sau có thể giúp bạn đối phó với trào ngược cho trẻ:

  • Cho trẻ bú ở tư thế thẳng đứng. Giữ bé ở tư thế ngồi trong vòng 30 phút sau khi ăn (nếu có thể). Hãy cẩn thận không chuyển động mạnh hoặc đưa đẩy trẻ trong khi thức ăn đang được tiêu hóa.

  • Chia nhỏ bữa ăn và cho trẻ ăn nhiều bữa hơn. Cho bé bú ít hơn bình thường một chút hoặc cắt giảm thời gian cho bú.

  • Hãy dành thời gian cho trẻ ợ. Ợ thường xuyên trong và sau khi ăn có thể ngăn không khí tích tụ trong dạ dày của trẻ.

  • Đặt bé nằm ngửa khi ngủ. Đa số trẻ sơ sinh nên được đặt nằm ngửa khi ngủ, ngay cả khi trẻ bị trào ngược.

  • Hãy nhớ rằng, trào ngược ở nhũ nhi thường không đáng lo ngại. Chỉ cần để sẵn nhiều khăn tiện dụng cho trẻ ợ khi cần.

Điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán trào ngược ở nhũ nhi?

Bác sĩ bắt đầu khám lâm sàng và đặt các câu hỏi về các triệu chứng của trẻ. Nếu trẻ khỏe mạnh, tăng trưởng như dự kiến và thoải mái, trẻ không cần làm thêm xét nghiệm.

Nếu các kiểm tra khác là cần thiết, bác sĩ có thể yêu cầu:

  • Siêu âm. Kiểm tra hình ảnh này có thể phát hiện hẹp môn vị.

  • Xét nghiệm. Xét nghiệm máu và nước tiểu có thể giúp xác định hoặc loại trừ nguyên nhân có thể làm trẻ nôn mửa tái diễn và ít tăng cân.

  • Đo pH thực quản. Để đo độ axit trong thực quản của trẻ, bác sĩ sẽ đưa một ống mỏng qua mũi hoặc miệng vào thực quản. Ống được gắn vào một thiết bị theo dõi nồng độ axit. Trẻ có thể phải ở lại bệnh viện để theo dõi.

  • X-quang. Những hình ảnh này có thể phát hiện những bất thường trong đường tiêu hóa như tắc nghẽn. Trẻ có thể được uống chất lỏng cản quang (bari) trước khi chụp.

  • Nội soi cao. Một ống đặc biệt được gắn ống kính máy ảnh và đèn (nội soi) được truyền qua miệng trẻ luồn vào thực quản, dạ dày và phần đầu của ruột non. Mẫu mô có thể được lấy để phân tích. Đối với trẻ sơ sinh và trẻ em, nội soi thường được thực hiện khi trẻ được gây mê toàn thân.

Những phương pháp nào dùng để điều trị trào ngược ở nhũ nhi?

Trào ngược ở nhũ nhi thường tự hết. Trong khi đó, bác sĩ có thể khuyên bạn nên:

  • Chia nhỏ bữa ăn và cho trẻ ăn nhiều bữa hơn.

  • Giúp trẻ ợ hơi nhiều lần khi cho trẻ ăn.

  • Ôm trẻ tư thế thẳng đứng trong vòng 20-30 phút sau khi cho ăn.

  • Loại bỏ các sản phẩm từ sữa, thịt bò hoặc trứng khỏi chế độ ăn uống của bạn nếu bạn cho con bú, để kiểm tra xem trẻ có bị dị ứng không.

  • Chuyển đổi các loại thức ăn cho trẻ.

  • Thử các loại núm vú có kích thước khác nhau. Một núm vú quá lớn hoặc quá nhỏ có thể làm trẻ nuốt nhiều không khí.

  • Làm đặc sữa công thức hoặc sữa mẹ bằng cách trộn với lượng bột gạo, ngũ cốc tăng dần.

Mặc dù cách này được cho là hợp lý, nhưng cho ăn đặc có khả năng làm tăng lượng calo không cần thiết trong chế độ ăn của trẻ.

Thuốc

Thuốc trào ngược không được khuyến cáo cho trẻ em bị trào ngược không có biến chứng. Các loại thuốc này có thể ngăn chặn sự hấp thụ canxi và sắt, làm tăng nguy cơ một số nhiễm trùng nhất định ở đường ruột và đường hô hấp.

Tuy nhiên, một thử nghiệm ngắn hạn với thuốc chặn axit như ranitidine cho trẻ từ 1 tháng đến 1 tuổi hoặc omeprazole (Prilosec) cho trẻ trên 1 tuổi, có thể được khuyến khích nếu trẻ:

  • Tăng cân chậm và các phương pháp điều trị cũ không có tác dụng

  • Trẻ không chịu ăn

  • Thực quản bị viêm

  • Bị hen suyễn mãn tính và trào ngược.

Phẫu thuật

Hiếm khi các cơ vòng thực quản dưới được phẫu thuật để ngăn axit chảy ngược vào thực quản. Phẫu thuật này thường chỉ thực hiện khi trào ngược trở nên nghiêm trọng làm cản trở sự phát triển hoặc can thiệp vào hơi thở của trẻ.