Tác giả: Ban biên tập HelloBACSI
Tham vấn y khoa: TS. Dược khoa Trương Anh Thư
Tìm hiểu chung
Định nghĩa
Nội soi tử cung là gì?
Nội soi tử cung là một phương pháp dùng các dụng cụ hỗ trợ (ví dụ như một kính có gắn camera nhỏ còn gọi là ống nội soi tử cung) để quan sát cấu trúc bên trong của tử cung (còn gọi là dạ con). Thông thường, trong quá trình nội soi, bác sĩ sẽ thực hiện luôn thủ thuật sinh thiết tử cung, có nghĩa là thủ thuật lấy đi những mảnh mô nhỏ của nội mạc tử cung để làm Xét nghiệm hoặc quan sát dưới kính hiển vi.
Nội soi tử cung cho ta biết các nguyên nhân gây ra xuất huyết trong tử cung, chu kì kinh nguyệt chảy máu nhiều và chảy máu sau khi mãn kinh. Phương pháp này còn giúp bác sĩ phát hiện u xơ tử cung, u, nhọt, Ung thư nội mạc tử cung hoặc tử cung bị dị dạng.
Nội soi tử cung là một phương pháp an toàn và hiệu quả để tìm và phát hiện các bệnh lý ở vùng tử cung. Trong một số trường hợp, phương pháp này còn giúp điều trị một số triệu chứng của các bệnh thường gặp ở vùng này.
Khi nào bạn nên thực hiện nội soi tử cung?
Bác sĩ sẽ chỉ định bạn thực hiện thủ thuật này nhằm mục đích:
Tìm ra nguyên nhân gây ra chảy máu âm đạo bất thường. Bác sĩ có thể đưa một dụng cụ đốt thông qua ống Nội soi tử cung để cầm máu.
Xem xét hình dạng, kích thước tử cung cùng với những vết Sẹo trên mô tử cung để đánh giá xem đây có phải là nguyên nhân gây ra Vô sinh hay không.
Quan sát từ phần cổ tử cung tới vòi trứng. Nếu các ống này bị nghẽn, bác sĩ có thể thông các ống này bằng các dụng cụ đặc biệt thông qua ống nội soi.
Tìm ra nguyên nhân của sẩy thai nhiều lần. Các xét nghiệm khác cũng có thể được tiến hành thêm để tìm nguyên nhân.
Tìm và gỡ bỏ vòng tránh thai đặt sai vị trí.
Tìm và loại bỏ u xơ nhỏ và u thịt (polyp).
Kiểm tra ung thư nội mạc tử cung.
Dùng các dụng cụ đốt để loại bỏ các bệnh về nội mạc tử cung.
Đặt vòng tránh thai vào phần mở của ống dẫn trứng, đây là một phương pháp tránh thai vĩnh viễn.
Điều cần thận trọng
Thận trọng/ Cảnh báo
Bạn nên biết những gì trước khi thực hiện nội soi tử cung?
Bạn nên nhớ rằng trong khi soi tử cung, nếu bác sĩ phát hiện có một vùng mô bất thường, bác sĩ sẽ cắt một mẫu nhỏ mô ở đây để đem đi sinh thiết. Phương pháp này sẽ giúp chẩn đoán bệnh chính xác hơn.
Để chẩn đoán các bệnh phụ khoa, ngoài nội soi tử cung, các bác sĩ phụ khoa của bạn có thể dùng siêu âm tử cung để thay thế hoặc kết hợp thêm với phương pháp trên trong quá trình chẩn đoán bệnh. Siêu âm có nghĩa là bác sĩ sẽ đặt một đầu dò siêu âm vào trong âm đạo của bạn để quan sát cấu trúc của tử cung
Trước khi tiến hành phẫu thuật, bạn nên hiểu rõ các cảnh báo và lưu ý. Nếu bạn có bất cứ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để có thêm thông tin và hướng dẫn cụ thể.
Quy trình thực hiện
Quy trình thực hiện
Bạn nên làm gì trước khi thực hiện nội soi tử cung?
Bạn phải hỏi ý kiến bác sĩ về các loại thuốc gần đây của bạn,
Hãy báo cho bác sĩ của bạn biết nếu:
Bạn đang hay nghi ngờ mình mang thai.
Bạn đang sử dụng bất kì loại thuốc nào.
Bạn bị dị ứng với bất kì loại thuốc nào.
Bạn có vấn đề khả năng đông máu – cầm máu, hoặc đang dùng các loại thuốc kháng đông máu như aspirin hay warfarin
Bạn vừa chữa nhiễm trùng âm đạo, tử cung, âm đạo trong vòng 6 tuần gần đây
Bạn bị một số bệnh về tim và phổi.
Tốt nhất nên thực hiện nội soi tử cung khi bạn đang không trong chu kì kinh nguyệt.
Không nên thụt rửa, dùng tampon hoặc các thuốc nhét âm đạo trong vòng 24h trước khi thực hiện nội soi tử cung.
Bác sĩ có thể sử dụng thuốc an thần để giúp bạn thư giãn trong quá trình nội soi, hoặc có thể dùng thuốc gây tê cục bộ, gây tê một phần hoặc gây mê toàn thân. Bác sĩ sẽ thảo luận vấn đề này với bạn để chọn ra phương pháp gây tê phù hợp.
Bạn nên nhờ người nhà đưa về nếu bạn có dùng thuốc an thần.
Bạn sẽ phải kí một số giấy tờ chứng minh rằng bạn hiểu các rủi ro của thủ thuật và đồng ý thực hiện.
Nếu bạn có bất kì thắc mắc nào, hãy liên hệ với bác sĩ.
Biến chứng
Liệu có biến chứng nào có thể xảy ra hay không?
Như với tất cả các thủ thuật, rủi ro biến chứng là việc không tránh khỏi. Bạn nên hỏi bác sĩ khoa ngoại để được giải thích những rủi ro có thể xảy đến với bạn.
Các biến chứng có thể có của bất kỳ thủ thuật ngoại khoa bao gồm:
Dị ứng với thuốc mê/thuốc tê.
Chảy máu quá nhiều hoặc hình thành cục máu đông (huyết khối tĩnh mạch sâu,…).
Bạn có thể giảm nguy cơ biến chứng bằng cách cẩn thận tuân theo hướng dẫn của bác sĩ để chuẩn bị cho thủ thuật, chẳng hạn như nhịn ăn và ngưng thuốc đúng quy định.
Nguồn tham khảo
Nội soi tử cung, http://www.webmd.com/women/guide/hysterectomy
Nội soi tử cung, http://www.betterhealth.vic.gov.au/
Nội soi tử cung, https://www.nlm.nih.gov/