Tên hoạt chất: Tinh dầu hoa oải hương
Tác giả: Quyên Thảo
Tham vấn y khoa: BS. Nguyễn Thường Hanh
Tên gốc: Oải hương
Tên khoa học: Lavandula
Tên tiếng Anh: English lavender, common lavender, true lavender, narrow-leaved lavende.
Tác dụng
Tìm hiểu tinh dầu hoa oải hương
Oải hương là gì?
Cây oải hương là loại cây bụi thường niên có mùi thơm nồng, có nguồn gốc ở miền Bắc châu Phi và vùng Địa Trung Hải. Tên khoa học là Lavendula, xuất phát từ tiếng Latin lavare, có nghĩa là rửa (hay tắm).
Ngày nay, cây oải hương có mặt ở rất nhiều nơi trên thế giới và được trồng để sản xuất tinh dầu, lấy hoa. Tinh dầu hoa oải hương được sử dụng trong sản xuất mỹ phẩm và dùng làm thảo dược. Loại tinh dầu này gây độc khi nuốt phải.
Tinh dầu hoa oải hương dùng để làm gì?
Tinh dầu loại hoa này được sử dụng như một loại thảo dược để điều trị tình trạng bồn chồn, mất ngủ, căng thẳng và trầm cảm. Hoa oải hương cũng được sử dụng cho một loạt các vấn đề tiêu hóa bao gồm trướng bụng (sưng do khí trong khoang ruột hoặc phúc mạc), mất cảm giác ngon miệng, nôn, buồn nôn, đầy hơi và rối loạn dạ dày.
Một số người sử dụng tinh dầu này để giảm đau đớn bao gồm đau răng, bong gân, đau dây thần kinh, loét và đau khớp. Oải hương cũng được sử dụng điều trị mụn trứng cá cũng như để thúc đẩy kinh nguyệt.
Tinh dầu oải hương được sử dụng trên da nhằm chữa rụng tóc (rụng tóc từng vùng) và giảm đau đớn, xua muỗi và các loại côn trùng khác.
Một số người thêm tinh dầu loại hoa này vào nước tắm hằng ngày để điều trị rối loạn tuần hoàn và cải thiện tinh thần được tốt hơn.
Tinh dầu hoa oải hương được sử dụng làm hương liệu điều trị các chứng mất ngủ, đau đớn và kích động liên quan đến chứng mất trí.
Ngoài ra, loại tinh dầu này có thể được sử dụng cho các mục đích sử dụng khác. Hãy hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ để biết thêm thông tin.
Cơ chế hoạt động của tinh dầu hoa oải hương là gì?
Hiện nay, vẫn chưa có đủ nghiên cứu về tác dụng của loại thảo dược này. Bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng tinh dầu hoa oải hương như một vị thuốc. Hoa oải hương chứa một loại dầu có tác dụng gây buồn ngủ và có thể thư giãn một số cơ bắp.
Dạng bào chế của oải hương là gì?
Hoa oải hương thường được bào chế thành:
Tinh dầu
Trà.
Công dụng tinh dầu hoa oải hương
Tinh dầu hoa oải hương được cho là có tính chất sát trùng và chống viêm, có thể giúp chữa lành vết Bỏng nhẹ, giảm kích ứng cho những vết côn trùng đốt, cắn. Nhiều nghiên cứu cho thấy loại thảo dược này có thể hữu ích trong vấn đề điều trị chứng lo âu, mất ngủ, trầm cảm và bồn chồn.
Một số nghiên cứu cho rằng uống trà làm từ loài hoa này có thể giúp các vấn đề tiêu hóa như nôn mửa, buồn nôn, đầy hơi, đau bụng và sưng bụng, giảm căng thẳng, lo âu.
Ngoài việc hỗ trợ điều trị các vấn đề tiêu hóa, hoa oải hương được sử dụng để giúp giảm đau do đau đầu, bong gân, đau răng và lở loét. Nó cũng có thể được sử dụng để ngăn ngừa rụng tóc.
Có thể kể đến tác dụng của tinh dầu oải hương với các chứng bệnh sau:
Nhiễm nấm
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Medical Microbiology cho thấy dầu hoa oải hương có thể có hiệu quả trong việc kháng nấm.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng tinh dầu oải hương đã diệt một loạt các chủng nấm có thể gây bệnh trên da bằng cách phá hủy màng tế bào nấm.
Giúp vết thương mau lành
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Bằng chứng bổ sung và liều thuốc thay thế (Evidence-Based Complementary and Alternative Medicine) cho biết tinh dầu hoa oải hương có tác dụng thúc đẩy quá trình chữa lành vết thương diễn ra nhanh hơn.
Giảm rụng tóc và gàu
Tinh dầu hoa oải hương có thể có hiệu quả trong điều trị chứng rụng tóc. Có một số bằng chứng cho thấy việc sử dụng loại tinh dầu này kết hợp với các loại dầu từ cỏ xạ hương, hương thảo và gỗ tuyết tùng có thể cải thiện tình trạng rụng tóc đến 44% sau 7 tháng điều trị.
Ngoài ra, bạn có thể dùng trà chế biến từ loại hoa này để gội đầu ngăn chứng rụng tóc và gàu.
Điều trị rối loạn Lo âu và các vấn đề liên quan
Một bài viết trên tạp chí Quốc tế về tâm thần học trong thực nghiệm lâm sàng (International Journal of Psychiatry in Clinical Practice) cho biết: Chế phẩm viên nang tinh dầu hoa oải hương dạng uống là silexan có hiệu quả đối với những bệnh nhân bị rối loạn lo âu khác nhau. Các nhà nghiên cứu cùng nhận thấy mùi thơm của hoa oải hương có tác dụng giúp các bệnh nhân nha khoa bớt lo lắng. Các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu trên 340 bệnh nhân nha khoa, một nửa trong số họ được tiếp xúc với hương thơm của loài hoa này. Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng những người tiếp xúc với hương thơm hoa oải hương có mức độ lo lắng thấp hơn nhóm đối chứng. Nếu muốn làm dịu tâm trí, bớt căng thẳng, lo lắng, bạn cũng có thể uống trà hoa oải hương.
Đau sau cắt amiđan ở trẻ em
Dầu hoa oải hương đã được chứng minh là làm giảm số lượng thuốc giảm đau cần thiết sau khi cắt amiđan.
Một nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học Y khoa Isfahan, Iran, đã tiến hành một nghiên cứu để xác định liệu pháp sử dụng tinh dầu oải hương có làm giảm triệu chứng đau ở trẻ sau khi loại bỏ amiđan hay không.
Nghiên cứu bao gồm 48 trẻ em từ 6 – 12 tuổi, chia ngẫu nhiên thành 2 nhóm bằng nhau. Một nhóm đã dùng thuốc giảm đau Acetaminophen (Tylenol hoặc paracetamol) cùng với hoa oải hương và nhóm kia chỉ uống thuốc giảm đau. Các nhà nghiên cứu đã quan sát hai nhóm trẻ trong 3 ngày sau phẫu thuật, đo cường độ đau, ghi chép tần suất sử dụng thuốc giảm đau. Kết quả là nhóm có sử dụng thêm tinh dầu hoa oải hương ít phải sử dụng thuốc giảm đau hơn nhóm kia.
Các triệu chứng tiền kinh nguyệt
Nhiều phụ nữ trong độ tuổi sinh sản trải qua một loạt các triệu chứng trong giai đoạn tiền kinh nguyệt, thường được gọi là Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS).
Nghiên cứu chéo này liên quan đến 17 phụ nữ, tuổi trung bình 20,6, với các triệu chứng tiền kinh nguyệt từ nhẹ đến trung bình. Những người tham gia đã trải qua một chu kỳ kinh nguyệt không sử dụng liệu pháp tinh dầu hoa oải hương, số người còn lại có sử dụng. Kết quả nghiên cứu cho thấy tinh dầu hoa oải hương có thể làm giảm bớt các triệu chứng tiền kinh nguyệt.
Vấn đề tiêu hóa
Trà hoa oải hương được cho là có lợi trong việc hỗ trợ các vấn đề tiêu hóa về dạ dày, đau bụng, nhiễm trùng ruột và đầy hơi.
Hỗ trợ điều trị chứng mất ngủ
Loại thảo mộc này đã được sử dụng từ rất lâu như một loại thuốc an thần để điều trị chứng mất ngủ. Uống trà thảo mộc này trước khi ngủ có thể giúp bạn ngủ ngon hơn. Do đó, những người bị chứng Mất ngủ có thể hưởng lợi rất nhiều bằng cách uống trà hoa oải hương.
Giảm đau đớn
Trà hoa oải hương có thể giảm các cơn đau liên quan đến viêm khớp, đau lưng. Loại trà này cũng được đánh giá là rất hiệu quả trong việc điều trị nhức đầu. Dưới sự giám sát y tế, đó là một trong những giải pháp thảo dược tốt nhất có thể giúp giải quyết một cơn đau mạn tính.
Từ lâu, nông dân Anh đã biết đặt hoa oải hương lên mũ để tránh một vài biến chứng về sức khỏe như nhức đầu và say nắng.
Hương hoa oải hương có thể không có tác dụng khi dùng để điều trị:
Tình trạng phiền muộn
Đau bụng ở trẻ sơ sinh
Táo bón
Buồn nôn và ói mửa
Chứng đau nửa đầu
Viêm tai giữa hoặc nhiễm trùng tai
Huyết áp cao
Đau bụng do kinh nguyệt
Eczema (bệnh chàm)
Đau liên quan đến ung thư
Chứng mất trí
Chấy rận.
Liều dùng
Liều dùng tinh dầu hoa oải hương
Liều dùng tinh dầu hoa oải hương có thể khác nhau đối với những bệnh nhân khác nhau. Liều lượng dựa trên tuổi của đối tượng sử dụng, tình trạng sức khỏe và một số vấn đề cần quan tâm khác. Loại tinh dầu này có thể không an toàn với một số người. Hãy thảo luận với thầy thuốc và bác sĩ để tìm ra liều dùng thích hợp.
Tác dụng phụ
Tác dụng phụ của tinh dầu hoa oải hương
Bạn sẽ gặp tác dụng phụ nào khi dùng oải hương?
Việc uống trà làm từ loại thảo mộc này có thể gây táo bón, nhức đầu và tăng sự thèm ăn. Khi thoa lên da, trà hoa oải hương đôi khi có thể gây kích ứng.
Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y học New England (NEJM) cho thấy: Sử dụng các sản phẩm có chứa tinh dầu hoa oải hương lên da có thể không an toàn cho trẻ chưa đến tuổi dậy thì. Nguyên nhân là vì loại tinh dầu này có thể phá vỡ các hormone trong cơ thể của trẻ. Trong một số trường hợp, tình trạng hormone bị phá vỡ dẫn đến sự phát triển mô vú bất thường ở các bé trai.
Cảnh báo
Thận trọng khi sử dụng tinh dầu hoa oải hương
Trước khi dùng oải hương, bạn nên biết những gì?
Tham khảo ý kiến bác sĩ, dược sĩ, nếu:
Bạn có thai hoặc cho con bú, bạn chỉ nên dùng hoa oải hương theo khuyến cáo của bác sĩ
Bạn đang dùng bất kỳ loại thuốc nào khác
Bạn có dị ứng với bất kỳ chất nào của loại thảo mộc này, các loại thuốc khác hoặc các loại thảo mộc khác
Bạn có bất kỳ bệnh tật, rối loạn hoặc tình trạng bệnh nào khác
Bạn có bất kỳ loại dị ứng nào khác như thực phẩm, thuốc nhuộm, chất bảo quản hay động vật.
Bạn cần cân nhắc giữa lợi ích của việc sử dụng hoa oải hương với nguy cơ có thể xảy ra trước khi dùng. Tham khảo ý kiến tư vấn của thầy thuốc hay bác sĩ trước khi sử dụng hoa oải hương.
Mức độ an toàn của oải hương như thế nào?
Phụ nữ có thai và cho con bú
Sự an toàn của việc dùng hoa oải hương trong khi mang thai hoặc cho con bú cũng chưa được xác nhận. Do đó, hãy thảo luận với bác sĩ trước khi dùng loại thảo mộc này nếu bạn đang mang thai hoặc cho con bú.
Phẫu thuật
Oải hương có thể làm chậm hệ thống thần kinh trung ương. Nếu dùng phối hợp với gây tê và các thuốc khác trong và sau phẫu thuật, oải hương có thể làm chậm hệ thần kinh trung ương. Ngừng sử dụng hoa oải hương ít nhất 2 tuần trước khi phẫu thuật theo lịch trình.
Oải hương có thể an toàn khi uống dưới dạng trà, bôi lên da hoặc hít.
Tương tác
Tương tác tinh dầu hoa oải hương
Loại thảo mộc này có thể tương tác với những gì?
Thảo dược này có thể tương tác với những thuốc bạn đang dùng hay tình trạng sức khỏe hiện tại của bạn. Hãy tham khảo ý kiến tư vấn của thầy thuốc hay bác sĩ trước khi sử dụng. Các sản phẩm dược phẩm có thể tương tác với hoa oải hương bao gồm:
Chloral hydrate
Chloral hydrate gây buồn ngủ. Oải hương làm tăng tác dụng của loại thuốc này. Vì vậy, dùng hoa oải hương cùng với chloral hydrate có thể gây buồn ngủ quá mức.
Thuốc an thần
Hoa oải hương có thể gây buồn ngủ và thuốc an thần cũng gây buồn ngủ. Dùng hoa oải hương cùng với thuốc an thần có thể gây buồn ngủ quá mức.
Một số thuốc an thần bao gồm: barbiturat và benzodiazepin (hydrat chloral, amobarbital (amytal®), butabarbital (butisol®), mephobarbital (mebaral®), pentobarbital (nembutal®), phenobarbital (luminal®), secobarbital (seconal®), clonazepam (klonopin®), iorazepam (ativan®), phenobarbital (donnatal®), zolpidem (ambien®)…
Bệnh cao huyết áp
Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về việc sử dụng oải hương nếu bạn đang sử dụng thuốc điều trị cao huyết áp. Những loại thuốc điều trị bệnh huyết áp bao gồm: captopril (capoten), enalapril (vasotec), losartan (cozaar), valsartan (diovan), diltiazem (cardizem), amlodipin (Norvasc), hydrochlorothiazide (hydroDIURIL), furosemide (lasix)…
Viện Y tế Quốc gia (NIH) cảnh báo phải thận trọng khi kết hợp hoa oải hương với những loại thuốc sau đây: thuốc gây buồn ngủ có chứa benzodiazepines, barbiturates và ambien…
Nguồn tham khảo
Tinh dầu hoa oải hương, https://www.medicalnewstoday.com/articles/265922.php